MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ukraine thề không đầu hàng Nga

14-03-2014 - 10:38 AM | Tài chính quốc tế

Đối thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định Ukraine sẽ “không bao giờ đầu hàng” Nga.

Theo AFP, trong cuộc gặp ông Yatsenyuk, ông Obama một lần nữa khẳng định Nga sẽ hứng chịu hậu quả nếu chiếm Crimea. “Cộng đồng quốc tế sẽ đứng bên cạnh Ukraine - ông Obama nhấn mạnh - Chúng tôi hi vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chọn một con đường khác”. Trong khi đó ông Yatsenyuk khẳng định: “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì tự do, độc lập và chủ quyền. Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”.

80.000 lính Nga ở biên giới?

Ngày 13-3, Quốc hội Ukraine đã thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng vệ binh cộng hòa 33.000 binh sĩ để đối phó với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ihor Tenyukh cho biết bộ binh Ukraine chỉ có khoảng 6.000 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, quá ít ỏi so với số lượng lính Nga đang đóng ở biên giới. Do đó, Ukraine cần vệ binh cộng hòa. Phía Ukraine tuyên bố hiện đã có khoảng 40.000 người tình nguyện tham gia lực lượng này.

Trước đó, Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine cáo buộc Nga đã triển khai hơn 80.000 binh sĩ, 270 xe tăng và 140 máy bay chiến đấu ở sát biên giới Ukraine, “đe dọa thực hiện một cuộc xâm lược từ nhiều phía”. Các quan chức Ukraine cho rằng một số đơn vị vũ trang Nga chỉ cách Kiev khoảng vài giờ chạy xe. Tuy nhiên phản ứng lại, Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã bác bỏ cáo buộc này.

Hiện Crimea vẫn đang gấp rút chuẩn bị cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga ngày 16-3. Hôm qua, Đài Tiếng vọng Matxcơva dẫn lời nghị sĩ Nga Leonid Slutsky xác nhận “một số đơn vị vũ trang Nga” đang đóng tại những điểm chủ chốt ở Crimea để ngăn chặn nguy cơ Ukraine xua quân tới tấn công. Ông Slutsky cho biết Maxtcơva có thể tăng thêm quân ở Crimea trong trường hợp Kiev đưa quân tới ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói nước này và Liên minh châu Âu (EU) sẽ phản ứng với Nga bằng “hàng loạt biện pháp nghiêm túc” nếu trưng cầu ý dân ở Crimea diễn ra ngày 16-3. Reuters cho biết Nga đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự mới gần biên giới với Ukraine hôm qua.

EU đạt thỏa thuận trừng phạt Nga

Trong khi đó, Reuters cho biết EU đã đạt thỏa thuận trừng phạt Nga. Các tài liệu cho thấy EU sẽ đóng băng tài sản và cấm cấp thị thực cho các quan chức Nga bị cáo buộc là vi phạm chủ quyền lãnh thổ Ukraine. Trước đó Washington cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nhưng các biện pháp cấm vận của EU có tác động ngược lớn hơn đối với Nga do châu Âu là khách hàng khí đốt và dầu mỏ lớn của Matxcơva. Năm 2012, thương mại EU - Nga lên tới 465 tỉ USD.

Trước đó Nga đã đe dọa sẽ trả đũa bất kỳ đòn trừng phạt nào. Ông Alexeï Pouchkov, chủ tịch tiểu ban đối ngoại của Hạ viện Nga, khẳng định rằng khi đó “sẽ tệ hại hơn cả thời chiến tranh lạnh trước đây”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng EU tin Matxcơva sẽ thiệt hại nhiều hơn. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tự tin cho rằng tác động lên nền kinh tế nước này sẽ không đáng kể. Hiện các quan chức EU đang lên danh sách các tổ chức, cá nhân Nga sẽ bị trừng phạt, gồm các quan chức thân cận với ông Putin trong lực lượng an ninh, quân đội và Quốc hội.

EU cũng cho biết sẽ xem xét thêm những biện pháp nghiêm khắc hơn, ví dụ như cấm vận vũ khí và thương mại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga “sẽ rất tồi tệ” và “đến từ nhiều hướng”. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết EU sẽ bắt đầu trừng phạt Nga từ ngày 17-3 nếu tình hình không có gì thay đổi trong cuối tuần này.

Nguồn tin báo Washington Post cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang thảo luận một nghị quyết khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Mục tiêu là thể hiện sự phản đối Nga xâm chiếm Crimea. Phương Tây hi vọng Trung Quốc sẽ bỏ phiếu trắng thay vì phiếu chống giống như Nga. Hôm qua thủ tướng Ukraine cũng đã có bài phát biểu ở Hội đồng Bảo an.

Theo Sơn Hà

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên