USD giảm mạnh, S&P 500 thấp nhất 1 tháng
Đồng USD lao dốc và chứng khoán Mỹ chạm đáy thấp nhất 1 tháng sau khi các số liệu về thị trường việc làm và sản lượng làm tăng thêm mối lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế không đủ mạnh để chịu đựng việc nâng lãi suất. Cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu tiếp tục diễn ra.
Kết thúc phiên hôm qua (6/5), chỉ số S&P 500 mất 0,5%, xuống còn 2.080,15 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm gần 0,5%, xuống còn 17.841,98 điểm.
Chỉ số USD giao ngay do Bloomberg thống kê giảm 0,7%. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng điểm sau khi hơn 430 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khỏi thị trường trái phiếu toàn cầu kể từ đầu tuần trước.
Báo cáo của Viện nghiên cứu ADP công bố hôm qua cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong tháng 4 ở mức 169.000, thấp nhất trong hơn 1 năm. Thứ 6 tuần này báo cáo chính thức sẽ được Bộ Lao động công bố và các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg con số dự báo 230.000.
Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,6% trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và theo dõi những tiến triển của các cuộc đàm phán nợ ở Hy Lạp.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo lường diễn biến của các thị trường mới nổi đã giảm tới 0,7% trong phiên hôm qua. Đồng ruble của Nga và ringgit của Malaysia mạnh lên nhờ giá dầu tăng.
Giá dầu WTI có lúc đã tăng lên mức 62,58 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái - trước khi giảm nhẹ. Tuần trước, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 3,88 triệu thùng.
Giá nguyên vật liêu thô đã hồi phục kể từ khi chạm mốc thấp nhất 12 năm trong tháng 3 nhờ giá dầu thô tăng, USD giảm và những đồn đoán ngày càng tăng lên về việc Trung Quốc mạnh tay kích thích tăng trưởng hon nữa.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index đo lường diễn biến của 22 loại hàng hóa giảm 0,2% sau 2 ngày tăng điểm. Chỉ số này vẫn giảm hơn 50% so với mức đỉnh được lập năm 2008, sau khi đà tăng kéo dài suốt 1 thập kỷ khuyến khích các nông dân, thợ mỏ và các nhà sản xuất tăng nguồn cung quá mạnh.
Tú Anh