MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD mạnh - Con dao hai lưỡi

20-10-2014 - 08:39 AM | Tài chính quốc tế

Đà tăng giá của USD trong thời gian gần đây đem đến cả những tác động tích cực và tiêu cực cho kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Thời gian này, đột nhiên USD đang trở thành đồng tiền “thời thượng” nhất. Sau khi tăng giá 6,3% so với các đồng tiền chủ chốt khác trong 3 tháng gần đây, đồng bạc xanh hiện đang ở mức cao nhất 6 năm so với đồng yên và cao nhất 2 năm so với đồng euro.


Một trong những nguyên nhân khiến đồng tiền này tăng giá là niềm tin vào triển vọng của kinh tế Mỹ đã được cải thiện đáng kể, trái ngược với những lo lắng ngày càng dâng cao về sức khỏe của phần còn lại của kinh tế thế giới. Ngày 7/10, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 từ mức 3,7% hồi tháng 4 xuống còn 3,3%. 

Dường như để khẳng định nỗi bi quan của IMF, ngay sau đó Đức công bố sản lượng công nghiệp sụt giảm 4% trong tháng 8 – mạnh nhất trong hơn 5 năm gần đây. Đối lập với bức tranh u ám ở châu Âu, báo cáo mới nhất về kinh tế Mỹ cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong tháng 9 tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 5,9%.

Nền kinh tế khỏe mạnh hơn cũng giúp các công ty Mỹ hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Các chỉ số chính trên TTCK Mỹ tăng điểm vượt trội so với các TTCK ở châu Âu và Nhật Bản, kể cả trước khi tính đến yếu tố đồng USD mạnh lên. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã mua vào 325 tỷ USD trái phiếu do các doanh nghiệp Mỹ phát hành. Điều này càng làm tăng nhu cầu về đồng USD. 

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất ở đây là xu hướng tăng của đồng USD sẽ kéo dài bao lâu. Trên thực tế, đà phục hồi gần đây của đồng USD chỉ rất nhỏ khi so sánh với các đợt tăng giá thời kỳ đầu những năm 1980 và cuối những năm 1990. 

Dĩ nhiên đồng USD tăng giá dĩ nhiên đem lại những lợi ích cho người Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thích giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ hơn, giúp chính phủ dễ dàng bù đắp thâm hụt ngân sách. Khách du lịch Mỹ cũng mất ít tiền hơn khi đi du lịch nước ngoài. Hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá. Nhờ đó lạm phát có thể giảm xuống mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, đây là “con dao hai lưỡi”. Các công ty Mỹ chứng kiến lợi nhuận thu được ở nước ngoài sụt giảm khi quy đổi sang USD. Theo Factset, khoảng 1/3 doanh thu của các công ty có cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đến từ nước ngoài. Xuất khẩu của Mỹ cũng bị giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh Mỹ vẫn có thâm hụt cán cân vãng lai tương đương 2,3% GDP. Kết quả là, theo tính toán của Fed, đồng USD mạnh lên sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ sụt giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2015. 

Trong khi đó, đồng USD mạnh lên đem lại các hiệu ứng đối lập ở các nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản: đẩy tăng giá hàng hóa nhập khẩu và làm giảm giá hàng hóa xuất khẩu. Các nhà hoạch định chính sách ở cả hai khu vực này đều hoan nghênh điều này bởi họ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Giống như David Bloom, người phụ trách chiến lược kinh doanh ngoại hối tại HSBC, đã nhận định, bản thân đồng USD không thể cứu đồng thế giới nhưng sẽ giúp các nền kinh tế có thêm thời gian. 

Còn đối với các nền kinh tế mới nổi, có lẽ hiệu ứng không được tích cực như vậy. Quay trở lại năm 2010, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã từng cảnh báo rằng chính sách tiền tệ được nới lỏng ở Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác đang tạo nên “chiến tranh tiền tệ” trong đó các nước giàu cố gắng tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu bằng cách giảm giá đồng nội tệ của họ. 


Bị thu hút bởi tiềm năng tăng trưởng vượt bậc, nhà đầu tư ồ ạt rót tiền vào các thị trường mới nổi. Điều này dẫn tới một số nước (trong đó có Brazil) buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Đồng USD mạnh lên sẽ khiến dòng vốn bị rút ra các thị trường này ngay lập tức. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn với các chính phủ hoặc doanh nghiệp vay mượn quá nhiều bằng USD và dẫn đến tình trạng phải trả nợ bằng USD trong khi nguồn trả nợ chủ yếu là đồng nội tệ đang mất giá. 

Đồng USD tăng giá quá mạnh trong thời gian quá dài cũng gây chia rẽ về mặt chính trị. Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Douglas Campbell (ĐH California) cho thấy hai đợt tăng giá mạnh của đồng USD trong quá khứ đã khiến số lượng việc làm trong các doanh nghiệp sản xuất sụt giảm. 

Trước đây, các chính trị gia đã phàn nàn rằng Nhật Bản và sau đó là Trung Quốc đã lấy đi việc làm của người Mỹ nhờ giữ giá đồng yên và nhân dân tệ. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu như những lời phàn nàn này có thể nổi lên một lần nữa ở Đức. “Đầu tàu” của kinh tế châu Âu đang có thâm hụt cán cân vãng lai ở mức 7.2% GDP và chỉ số này được dự báo sẽ còn tăng lên trong tương lai khi đồng euro tiếp tục giảm giá như hiện nay. 

Trong quá khứ, các chính phủ luôn từ chối lời kêu gọi đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, khi đó các nền kinh tế này đang khỏe mạnh hơn so với hiện tại. Ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, các cử tri sẽ không còn đủ kiên nhẫn khi đã bị dồn nén bởi nhiều năm thắt lưng buộc bụng và lương không theo kịp lạm phát. 


Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên