USD mạnh: Kẻ mừng, người lo
Một số tiền tệ ở châu Á được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của USD
- 12-03-2015Đồng USD tiếp tục khiến phố Wall giảm điểm
- 11-03-2015Vì sao Euro rớt giá mạnh so với USD?
- 11-03-2015[Chart] USD tăng vọt
Giá trị đồng USD đang ở mức cao nhất so với đồng euro trong 12 năm và đồng yen Nhật Bản trong 8 năm. Đài CNN hôm 10-3 nhận định sự trỗi dậy này là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang “khỏe” hơn châu Âu, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Đây là thông tin tốt đối với những người Mỹ nào muốn đi du lịch nước ngoài lúc này. Ngoài ra, sự trỗi dậy của đồng USD còn khiến cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoan nghênh sự mạnh lên của đồng USD. Các nhà đầu tư đang bán tống bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm hôm 10-3. Có 2 lý do chính khiến giới đầu tư lo ngại. Trước hết, những công ty lớn của Mỹ có phần lớn doanh thu đến từ thị trường nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng khi khoản tiền này đổi sang đồng USD. Nhiều đại gia như Microsoft, IBM, Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Caterpillar… đã lên tiếng cảnh báo doanh thu và lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng bởi giá trị đồng USD đang ở mức cao trong năm nay.
Dù vậy, vấn đề trên không là gì nếu so với nỗi lo thứ hai - giá hàng hóa rẻ hơn. Đồng USD mạnh sẽ khiến giá cả sản phẩm của những công ty không mang “quốc tịch” Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng. Điều này xảy ra ở cả Mỹ và những thị trường nước này. Chẳng hạn, các nhà sản xuất xe của Mỹ như GM, Ford… có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ châu Âu trên sân nhà của họ nếu đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng euro. “Tốc độ thay đổi của giá trị đồng USD khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia ngạc nhiên” - bà Katie Nixon, Giám đốc đầu tư của Công ty Dịch vụ tài chính Northern Trust, nhận định.
Nỗi lo nói trên đang gia tăng bởi dự báo đồng USD có thể tăng giá thêm nữa giữa lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu chương trình mua lại trái phiếu để hỗ trợ các nền kinh tế đang gặp khó khăn của khu vực đồng euro. Một tác động nữa đến từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào mùa hè này.
Theo đài CNBC, không chỉ các tập đoàn đa quốc gia mà một số tiền tệ ở châu Á cũng chịu tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của USD. Cụ thể, đồng rupiah của Indonesia và đài tệ của Đài Loan được dự báo đứng đầu danh sách những tiền tệ bị tác động mạnh một khi FED nâng lãi suất thời gian tới. Đồng rupiah của Indonesia đã giảm 1,8% giá trị kể từ khi Ngân hàng Trung ương Indonesia cắt giảm lãi suất xuống còn 7,5% vào giữa tháng 2 - lần cắt giảm đầu tiên trong 3 năm qua. Trong khi đó, đài tệ Đài Loan mất giá gần 6% so với USD trong năm ngoái và mới chỉ tăng lên 0,7% trong năm nay.
Kinh tế Trung Quốc còn uể oải
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu uể oải khi các số liệu thống kê mới nhất về sản lượng công nghiệp, đầu tư cố định, doanh số bất động sản và cả doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2015 đều không tích cực như mong đợi. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng công nghiệp trong tháng 1 và 2 chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008. Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ tăng 10,7%, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Theo hãng tin Reuters, nhiều nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc vẫn cần thêm những biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Theo Hoàng Phương