MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận xui của bà Yingluck

08-05-2014 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đưa ra quyết định phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Thái Lan đang tiến gần hơn đến nguy cơ nền chính trị sụp đổ hoàn toàn.

Sau 1.000 ngày nắm quyền, cuối cùng thì bà Yingluck Shinawatra đã rời khỏi ghế Thủ tướng Thái Lan sau phiên tòa hôm 7/5 vừa qua. 9 vị thẩm phán đưa ra phán quyết kết tội bà đã lạm dụng quyền lực và do đó phải rời chính trường cùng với một vài bộ trưởng. Phiên tòa đã thành công trong việc lật đổ lãnh đạo của đảng Pheu Thai đồng thời là em gái của cựu lãnh đạo Thaksin Shinawatra – điều mà 6 tháng biểu tình ròng rã trên đường phố không thể giải quyết. 

Phiên tòa này đã xoay chuyển tương lai ngắn hạn của nữ Thủ tướng không may mắn Yingluck. Tuy nhiên, sự kiện này chỉ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ vốn đã sâu sắc trong nền chính trị Thái Lan. Người ta khó có thể tìm thấy một con đường hòa bình trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tòa Hiến pháp Thái Lan tuyên bố bà Yingluck đã không cung cấp đủ những lời lẽ bào chữa cho việc thuyên chuyển Chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri khi bà lên nắm quyền sau chiến thắng áp đảo năm 2011. Thế vị trí của ông là cảnh sát trưởng quốc gia Wichien Podposri. Vị trí cảnh sát trưởng quốc gia được trao cho em trai của vợ cũ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Priewpan Damapong. Đây là điều mà phe đối lập chỉ trích là để tạo lợi thế cho đảng Phuea Thai cầm quyền.

Quyết định của Tòa án là điều đã được dự báo từ trước và chính phủ Thái lan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ trong một giờ sau, Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời. Nội các cũ vẫn được giữ nguyên cho tới khi nội các mới được bổ nhiệm. 

Phiên tòa kết tội bà Yingluck chỉ khắc sâu vào tâm trí của phe áo đỏ rằng cả hệ thống tòa án đang chống lại họ. Đảng Pheu Thai cho rằng phiên tòa ngày 7/5 là một “cuộc đảo chính về luật pháp”, dù không có bạo lực nhưng cũng mạnh mẽ như cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin năm 2006. Sau khi ông Thaksin bị lật đổ, Tòa án Hiến pháp còn có hai lần (trong năm 2007 và 2008) hạ bệ chính phủ mà đảng của ông Thaksin chiếm ưu thế. Hơn 100 lãnh đạo của đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. 

Vấn đề nguy hiểm ở chỗ bài học mà phe áo đỏ rút ra: Tòa án không phải là cơ quan luôn đưa ra quyết định đúng đắn. Dân chủ và thắng cử không thể giúp ích gì cho họ. Phe áo đỏ sẽ xuống đường biểu tình và dẫn đến bạo loạn. Vòng xoáy bất ổn chính trị ở Thái Lan trong suốt gần 10 năm qua giờ đây lại tiếp diễn và có thể còn trầm trọng hơn. 

Về phần mình, những bộ trưởng còn lại của đảng Pheu Thai sẽ cố gắng hi vọng vào một cuộc bầu cử khác diễn ra càng sớm càng tốt. Ủy ban bầu cử đã ấn định ngày 20/7 là ngày bầu cử. Với sự ủng hộ của những người nông dân ở miền Bắc, đảng Pheu Thai sẽ chiếm được ưu thế trong bầu cử.  

Tuy nhiên, phía biểu tình chống chính phủ cho rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. Lực lượng biểu tình chống chính phủ muốn nhìn thấy cải cách sâu rộng trước khi bầu cử diễn ra. Lãnh đạo biểu tình Suthep luôn yêu cầu bà Yingluck phải từ chức và thay thế bà không phải là một người khác đến từ đảng Pheu Thai, loại bỏ tất cả các ảnh hưởng của nhà Shinawatra trên chính trường Thái Lan. Cuộc bầu cử khó có thể diễn ra vào ngày 20/7 tới. 

Cả hai phía đều gần như không còn niềm tin vào thể chế. Trong khi phe áo đỏ và những người ủng hộ đảng Pheu Thai mất niềm tin vào tòa án và hoàng gia, ông Suthep và đảng Dân chủ đặt rất ít niềm tin vào hệ thống bầu cử và dân chủ. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên