MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vật đổi sao dời" trong ngành quản lý tài sản

07-03-2016 - 19:07 PM | Tài chính quốc tế

Cuốn sách mới xuất bản của Norton Reamer và Jesse Downing giải thích qua thời gian ngành công nghiệp quản lý tài sản đã thay đổi như thế nào.

Từ bao đời nay, trong xã hội đã xuất hiện những người được thuê về để trông coi tài sản của người khác. Cách đây 4.000 năm, những lãnh chúa của nền văn minh Akkad đã thuê những người dân địa phương trông coi trang trại giúp họ.

Trong cuốn sách mới xuất bản có tựa đề “Investment: A History” (tạm dịch: Đầu tư: Một chiều dài lịch sử), Norton Reamer và Jesse Downing đã giải thích qua thời gian ngành công nghiệp quản lý tài sản đã thay đổi như thế nào. Xuyên suốt cuốn sách là ý tưởng cho rằng đầu tư ngày càng trở thành một hoạt động “được dân chủ hóa”, một hoạt động mà ngày càng nhiều cá nhân có thể tiếp cận.

Những khoản đầu tư từ thưở sơ khai được thực hiện bởi những cá nhân có địa vị xã hội thấp, thay mặt cho những người giàu có. Ví dụ, họ có thể là những nô lệ cũ trong xã hội La mã cổ đại. Trong truyện ngụ ngôn, chủ nhân giao phó tài sản của mình cho một số đầy tớ trung thành. Hai người đầy tớ giúp số của cải đó tăng gấp đôi, nhưng người thứ ba lại chôn chúng trong vườn nhà thay vì đem gửi vào ngân hàng. Vì sự thất bại này, người đầy tớ thứ ba đã bị “ném vào bóng đêm”, nơi có “than khóc và rên xiết”. Có lẽ những khách hàng ngày nay vui mừng nếu họ có thể thêm hình phạt này vào các bản hợp đồng.

Trông coi tài sản cho người giàu vẫn là mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quản lý quỹ đã thay đổi chóng mặt vì một cuộc cách mạng ở phía khách hàng. Tại các nước phát triển, hầu hết mọi người đều có tiền để tiết kiệm sau khi đã trang trải cho những thứ thiết yếu như thức ăn, quần áo và chỗ ở. Với tuổi nghỉ hưu vào khoảng 65, họ có khoảng 2 thập kỷ để tiêu số tiền đã tiết kiệm được. Ở Mỹ, tiền tiết kiệm khi về hưu đã tăng từ 368 tỷ USD trong năm 1974 lên tới hơn 22.000 tỷ trong năm 2014 – tăng gấp 5 lần so với thu nhập.

Điều này khiến ngành quản lý quỹ biến đổi. Trước đây quản lý tài sản là một ngành khá nhàm chán, chủ yếu gồm các quỹ tín thác đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Ngày nay các quỹ đã có cấu trúc phức tạp hơn nhiều và có vô vàn cách thức đầu tư.

Thay đổi trong thù lao cũng là yếu tố tác động lớn đến ngành quản lý tài sản. Các loại phí sẽ biến đổi theo giá trị của tài sản, mặc dù chi phí để quản lý 10 tỷ USD không cao hơn nhiều so với chi phí trông coi 1 tỷ USD. Bởi vậy các nhà quản lý quỹ được hưởng lợi tới hai lần: đầu tiên là nhờ sự phình to của khối tài sản và thứ hai là nhờ giá các loại tài san đã tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt mấy chục năm qua.

Messrs Reamer và Downing chỉ ra rằng các nhà quản lý quỹ đã trở nên rất giàu có bằng cách trông coi tiền bạc của người khác. 25% tỷ phú Mỹ làm việc trong ngành tài chính và đầu tư – ngành vốn chỉ chiếm 1% lực lượng lao động. Vậy là trong thời cổ đại người nghèo quản lý tài sản cho người giàu còn trong thời hiện đại thì hoàn toàn ngược lại.

Những nhà quản lý quỹ thành công xứng đáng được thưởng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít những người không xứng đáng. Họ giàu không có nghĩa là họ thông minh. Vị thế của những người này cũng đang bị xói mòn bởi sự nổi lên của các quỹ chỉ số và quỹ ETF vốn có mức phí thấp hơn, nhưng xu hướng này chưa đủ mạnh.

Dẫu vậy. hai tác giả đã đúng khi nói về sự dân chủ hóa của hoạt động đầu tư là một tin tốt lành. Hàng triệu người đã tiếp cận được với những công cụ tiết kiệm đem lại mức lợi suất trung bình cao hơn so với một tài khoản tiết kiệm.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên