Vì sao ít người Mỹ có mặt trong Hồ sơ Panama?
Hãng TASS dẫn bài báo của tờ New York Times (NYT) giải thích về việc chỉ có một số rất nhỏ các công dân Mỹ có mặt trong Hồ sơ Panama về hoạt đồng rửa tiền, trốn thuế bất hợp pháp do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố vào cuối tuần qua.
- 06-04-2016Chân dung "cha đẻ" của Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới
- 06-04-2016Lộ diện các ngân hàng lớn “góp mặt” trong Tài liệu Panama
- 06-04-2016Thủ tướng Iceland phải từ chức vì vụ bê bối Hồ sơ Panama
- 06-04-2016Ai đứng sau cơn địa chấn mang tên “Tài liệu Panama”?
- 05-04-2016Bê bối “tài liệu Panama” qua biếm họa lợn đất độc đáo
Theo đó, tại Mỹ rất dễ để đăng ký thành lập một công ty đầu tư (tài chính) nước ngoài, do vậy người Mỹ sẽ dễ dàng thực hiện hoạt động rửa tiền phi pháp ngay tại sân nhà hơn là sang tận Panama.
Tờ báo viết: “Theo tài liệu được công bố khoảng 3.500 chủ sở hữu cổ phần tại các công ty đầu tư tài chính nước ngoài (theo đăng ký) cung cấp cho Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama địa chỉ tại Mỹ.
Tuy vậy điều đó không có nghĩa, những người này đều là công dân Mỹ. Hồ sơ lưu trữ bản copy của ít nhất 200 hộ chiếu Mỹ, mà nhiều người trong số đó theo tờ McClatchy (chủ sở hữu nhiều tờ báo lớn tại Mỹ) là những người cao tuổi (đã về hưu). Họ sử dụng các công ty đầu tư nước ngoài để mua bất động sản ở Mỹ Latinh”.
Theo nhận định của McClatchy và đối tác khác của ICIJ là Tập đoàn truyền thông Fusion trong tài liệu công bố Hồ sơ Panama nhìn chung không nhấn mạnh tới mối liên hệ của các chính trị gia hay các nhân vật quyền lực của Mỹ với Hãng luật Mossack Fonseca.
Một trong những nguyên nhân cho tình huống kỳ lạ này có thể là do tại Mỹ việc thành lập một công ty tài chính nước ngoài tương đối dễ dàng. “Người Mỹ không cần phải tới tận Panama. Tại Mỹ cũng tồn tại một thiên đường các công ty tài chính (bất hợp pháp) hoạt động bí mật như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới” – NYT trích nhận định của nhà kinh tế học James Henry đến từ Hiệp hội các chuyên gia phi chính phủ về lĩnh vực Thuế Tax Justice Network.
NYT cũng xác nhận không nằm trong số các phương tiện truyền thông được ICIJ cho phép truy cập xem tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca. Tờ báo tỏ ra tiếc nuối vì không được tiếp cận với tài liệu gốc, do đó không có cơ hội đề xuất ý kiến của mình liên quan đến nội dung tài liệu.
Hồ sơ Panama.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington hôm chủ nhật (ngày 3/4) đã công bố một phần tập tin bao gồm hơn 11,5 triệu file tài liệu bí mật có liên quan tới các tài sản phi pháp của hàng loạt cựu lãnh đạo và các nguyên thủ trên thế giới đang nắm quyền hiện nay.
Tuy nhiên, toàn bộ nội dung tập tin không được công bố. “Chúng tôi không tiết lộ toàn bộ cơ sở dữ liệu và cũng không có dự định đó trong tương lai” – người định đầu ICIJ Gerard Ryle khẳng định.
Tài liệu bị rò rỉ có chứa thông tin về tài sản phi pháp ở nước ngoài của hơn 140 chính trị gia tới từ 50 quốc gia khác nhau cũng như các nhân vật nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa và thể thao.
Lãnh đạo Vương quốc Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy và một số quốc gia khác đã yêu cầu truyền thông cung cấp bản sao “Hồ sơ Panama” để họ tiến hành điều tra thêm và áp dụng các biện pháp thích hợp (nếu cần thiết) chống lại hoạt động trốn thuế phi pháp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.
Infonet