Vì sao người lưu vong Triều Tiên muốn quay về nước?
Nhiều người không thể thích nghi với cuộc sống mới và rơi vào tình trạng thất nghiệp do thiếu kỹ năng lao động.
Từ nhiều năm nay, chính phủ Hàn Quốc vẫn luôn mở rộng vòng tay chào đón những dân Triều Tiên sống lưu vong. Theo số liệu thống kê, có khoảng 25.000 người Triều Tiên đã chạy trốn sang Hàn Quốc, trải qua chuyến đi không chỉ đầy khó khăn mà thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
Tuy nhiên, còn có một con số khác có thể khiến Hàn Quốc cảm thấy ái ngại. Theo tờ Korea Times, trong số 25.000 người này, khoảng 800 người đã chuyển sang sống ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác hoặc thậm chí là có kế hoạch quay trở lại Triều Tiên. Một số người đã thành công.
Tại sao một số người đã đào thoát khỏi Triều Tiên lại muốn quay trở lại? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong cuộc phỏng vấn với Choi – người phụ nữ 64 tuổi từng đào thoát từ Triều Tiên sang Hàn Quốc đã xuất hiện trên báo chí Triều Tiên trong thời gian gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn với Korea Times, Choi thường xuyên nhắc lại rằng bà bị đối xử tồi tệ và miêu tả xã hội Triều Tiên là “máu lạnh”.
Tất nhiên, không thể tin hoàn toàn vào những câu chuyện trên báo chí Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã khẳng định bà Choi có tồn tại và đây là một người Triều Tiên lưu vong. Bà Choi chỉ là một trong số 13 người lưu vong được phỏng vấn trên báo chí Triều Tiên. Dường như chính phủ Triều Tiên đang muốn truyền đạt thông điệp răn đe đối với bất cứ công dân nào có ý định đào thoát.
Trước đây, cuộc sống của những người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc đã từng được đề cập đến và đó không phải là một cuộc sống dễ dàng. Năm ngoái, nhà báo Gianluca Spezza đã viết về vấn đề này trên tờ NK News, chỉ ra rằng nhiều người Triều Tiên không thể thích nghi với xã hội (giọng nói khác biệt khiến họ dễ dàng bị nhận ra là người Triều Tiên và họ cũng gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với cuộc sống hối hả tất bật hơn). Nhiều người cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp do thiếu kỹ năng lao động.
Mặc dù Hàn Quốc chắc chắn sẽ hành động nhiều hơn để giúp đỡ những người lưu vong, Triều Tiên đã đi trước một ước. Theo một số báo cáo, Kim Jong Un đã thay đổi chính sách, không chỉ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt được đưa ra từ thời người cha Kim Jong Il mà còn trao thưởng 50 triệu won Bắc Hàn (tương đương 45.000 USD) và cơ hội được xuất hiện trên truyền hình.
Nhiều người có thể cảm thấy kỳ lạ khi người ta vẫn muốn quay trở lại với dất nước vốn tách biệt với thế giới, nạn đói hoành hành và có thể phải vào trại lao động cải tạo. Tuy nhiên, đời sống chính trị ở Triều Tiên phức tạp hơn so với những gì người ta có thể chứng kiến.
Thu Hương