Việt Nam, Indonesia đứng đầu về tăng trưởng tại Đông Á
Ngày 4/6/2014, ADB công bố Báo cáo theo dõi trái phiếu châu Á, nhận định nhu cầu đối với các trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á mới nổi đang tăng lên.
Ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “Hầu hết các thị trường trái phiếu ở các nền kinh tế Châu Á mới nổi đã hồi phục lại xu hướng tăng trưởng. Mặc dù vậy, các trái phiếu của Thái Lan có thể đi ngược lại xu hướng này do những bất ổn chính trị gần đây và các nhà đầu tư tại đó nhiều khả năng sẽ cẩn trọng hơn trong một thời gian.”
Mặc dù có những cải thiện, báo cáo của ADB cũng cảnh báo các thị trường vẫn có thể đi xuống do ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm hoặc các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu tiến hành để đối phó lại với nguy cơ giảm phát.
Châu Á chỉ có thể giảm nhẹ tác động của những rủi ro này bằng cách đi đầu trong việc thực thi tốt hơn các quy định và hoạt động giám sát hệ thống tài chính.
Lợi tức trái phiếu đang giảm mạnh
Lợi tức trái phiếu, một chỉ số giảm xuống khi nhu cầu tăng lên, đã giảm tại hầu hết các nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm, trong đó giảm mạnh nhất tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trái phiếu Thái Lan hiện đang đứng ngoài và lợi tức có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu tại Philippines đã tăng trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 trong bối cảnh lạm phát tăng.
Các thị trường cũng đang tiếp tục phát triển về quy mô với 7,6 nghìn tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán tại 9 nền kinh tế tính đến cuối tháng 3, tăng 2,1% so với quý trước và 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất theo quý trong khi Indonesia là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất theo năm.
Tại Việt Nam, việc phát hành với khối lượng lớn trái phiếu chính phủ đã khiến thị trường trái phiếu này có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các nền kinh tế Đông Á mới nổi trong quý I năm 2014, tăng 23% so với quý trước và 17,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. Thị trường trái phiếu chính phủ là nguyên nhân cho toàn bộ sự tăng trưởng của thị trường, tăng 23,9% so với quý trước và 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 35 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường trái phiếu công ty giảm 12,6% so với quý trước và 43,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 600 triệu USD.
Tính đến cuối tháng 3, Thái Lan còn 281 tỷ USD trái phiếu bằng đồng bạt chưa thanh toán, tăng 1,2% so với thời điểm cuối tháng 12 năm 2013 và 5,7% so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2013.
Khu vực cũng tiếp tục chứng kiến những bước phát triển khích lệ ở các thị trường chứng khoán. Báo cáo ghi nhận quyết định gần đây của Trung Quốc bán đấu giá lượng trái phiếu chính phủ trị giá 15 tỷ nhân dân tệ tại Hồng Kông-Trung Quốc như một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Quyết định mới đây cho phép các chính quyền địa phương Trung Quốc bán trái phiếu đem đến thêm một hệ thống công cụ cho các nhà đầu tư.
Tại các nền kinh tế khác, Hàn Quốc đã dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với việc phát hành trái phiếu có bảo đảm, Singapore bắt đầu thực hiện thanh toán bù trừ đối với hoạt động hoán đổi lãi suất với các đồng tiền không tự do chuyển đổi và Hồng Kông-Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy nhận thức về sukuk (trái phiếu Hồi giáo).
Theo Nguyễn Quang