VND gia nhập chỉ số Big Mac
Sau sự kiện McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, đồng nội tệ của Việt Nam chính thức được bổ sung thêm vào chỉ số Big Mac.
- 06-02-2014McDonald's và chuyện...ăn chay
- 18-01-2014McDonald's cũng 'bán bia kèm lạc'
Big Mac index là chỉ số được tạp chí kinh tế uy tín The Economist xây dựng từ năm 1986. Chỉ số này được xây dựng trên học thuyết ngang giá sức mua (PPP), với quan điểm cho rằng trong dài hạn thì tỷ giá hối đoái sẽ dịch chuyển đến điểm mà giá của một rổ hàng hóa và dịch vụ ở hai quốc gia sẽ ngang bằng nhau.
Trong trường hợp này, hàng hóa chỉ bao gồm một chiếc bánh kẹp Big Mac có cùng khối lượng và chất lượng được bán ở toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống của McDonald’s. Ví dụ, trung bình giá một chiếc Big Mac ở Mỹ trong tháng 1/2014 là 4,62 USD trong khi ở Trung Quốc chỉ là 2,74 USD (quy đổi theo tỷ giá trên thị trường). Bởi vậy, chỉ số Big Mac cho thấy đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp 41% tại thời điểm đó.
Chỉ số Big Mac đã trở thành một tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, được nhắc đến trong những cuốn sách giáo khoa kinh tế.
Sau sự kiện McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, VND chính thức được bổ sung thêm vào chỉ số Big Mac.
Vì một chiếc Big Mac có giá 60.000 đồng (tương đương 2,84 USD theo tỷ giá hiện tại) trong khi giá ở Mỹ là 4,62 USD, chỉ số Big Mac cho thấy VND đang bị định giá thấp 39%.
Tờ The Economist cũng nhận xét đồng nội tệ của Việt Nam khá ổn định kể từ tháng 6 năm ngoái – khi NHNN quyết định hạ giá 1% nhằm cải thiện cán cân thanh toán. Theo đuổi chính sách tỷ giá thấp giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam và cán cân thương mại đã đạt quay lại trạng thái thặng dư trong năm 2012.
Theo The Economist, các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho tiền đồng. Lạm phát đã giảm từ mức gần 30% trong năm 2008 xuống chỉ còn 5 – 6%.
Cũng theo chỉ số Big Mac, VND đang bị định giá cao hơn 4% so với đồng nhân dân tệ. Năm 2013, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc (vốn là đối tác thương mại lớn nhất) tăng 45%.
Thu Hương