Vốn rút khỏi các thị trường mới nổi nhanh nhất kể từ 2008
Trong quý III, các nhà đầu tư đã rút tổng cộng 40 tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển.
- 23-09-2015Bất chấp bất ổn, thị trường mới nổi vẫn là tương lai của thế giới
- 20-09-2015Đừng lo về thị trường mới nổi!
- 17-09-2015Bloomberg: Việt Nam thích nghi tốt với "bão" trên thị trường mới nổi
Dòng vốn bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ nhanh nhất kể từ đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đây là quý đầu tiên kể từ năm 2009 xảy ra hiện tượng rút ròng, và đây là mức rút mạnh nhất kể từ quý IV/2008 – khi nhà đầu tư bán tổng cộng 105 tỷ USD tài sản.
Dòng vốn bị rút ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu bất ổn, giá hàng hóa sụt giảm mạnh và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiến gần hơn đến một đợt tăng lãi suất.
Khoảng 19 tỷ USD cổ phiếu đã bị bán tháo trong khi 21 tỷ USD còn lại là trái phiếu, theo số liệu của IIF.
Chỉ số MSCI Emerging Markets theo dõi các thị trường mới nổi đã giảm 20% trong 3 tháng qua, tiến tới quý giảm mạnh nhất trong 4 năm. Trái phiếu bằng đồng nội tệ do các quốc gia đang phát triển phát hành đã giảm giá 6,6% (tính bằng USD) trong quý III. Tiền tệ của các nước từ Brazil đến Nam Phi đều giảm giá khá mạnh.
Theo Brendan Ahern, giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Krane Fund Advisors, phản ứng của thị trường khá nghiêm trọng nhưng phần lớn thiệt hại đã xảy ra rồi. “Đó là sự kết hợp giữa sụt giảm trong tăng trưởng đầu tư, giá hàng hóa lao dốc và đồng USD tăng giá đáng kể”.
Một báo cáo được IMF công bố hôm qua cho thấy nợ của các doanh nghiệp phi tài chính ở các nước mới nổi đã tăng từ mức 4.000 tỷ USD của năm 2004 lên 18.000 tỷ USD trong năm 2014.
Trong suốt gần 15 năm qua, tín dụng giá rẻ và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đã hướng dòng vốn đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi. Do đó, giờ đây chính sách tiền tệ lỏng lẻo bị thắt chặt sẽ là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi nếu dòng vốn bị đảo ngược, IMF nhận định.
“Các thị trường mới nổi nên chuẩn bị cho việc các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn tài chính khi các nền kinh tế phát triển bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ở những nơi cần thiết và có điều kiện thuận lợi, các nước nên thực hiện cải cách thể chế”, báo cáo của IMF viết.