MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt Apple sẽ là 'Cá sấu sông Dương Tử'?

03-04-2013 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, doanh số của Alibaba đã vượt cả Amazon lẫn eBay cộng lại.

Trên con đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc lại đạt thêm một dấu mốc quan trọng. Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) nước này đang vượt Mỹ.

Và chỉ do một đại công ty thống trị: Alibaba, công ty TMĐT lớn nhất toàn cầu. Năm ngoái tổng doanh số hai cổng thông tin của Alibaba là 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (170 tỷ USD), cao hơn cả eBay và Amazon cộng lại.

Alibaba đang trên đường trở thành công ty thương mại điện tử đầu tiên xử lý 1 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi năm. Bất chấp thành tựu phi thường ấy, ít ai ngoài Trung Quốc để ý đến sự nổi lên của gã khổng lồ kín tiếng này.

Nhưng sự kín tiếng ấy sắp chấm dứt. Nhà sáng lập Jack Ma vừa thông báo ông sẽ trao chức Tồng giám đốc (CEO) cho một người đáng tin cậy, ông Jonathan Lu, vào tháng 5 tới. Ngay sau đó, Alibaba sẽ công bố chi tiết vụ chào báo cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Đây chắc chắn sẽ là vụ IPO đình đám nhất kể từ khi Facebook niêm yết năm ngoái (có thể còn hơn). Khi IPO, Facebook được định giá 104 tỷ USD (tới nay vốn hóa thị trường Facebook tụt còn 63 tỷ USD). Giá trị của Alibaba được ước lượng vào khoảng 55 đến 120 tỷ USD.

Vụ IPO sắp tới sẽ khiến cả thế giới phải chú ý tới Alibaba. Nhưng còn nhiều lý do khác để theo sát công ty này.

Đầu tiên là tiềm năng tăng trưởng: nếu không vụng về như Facebook, chỉ vài năm nữa là Alibaba trở thành công ty giá trị nhất toàn cầu (hiện vị trí dẫn đầu đang thuộc về Appple với 420 tỷ USD, năm 2009 công ty này chỉ đáng giá có 90 tỷ USD).

Một lý do nữa là khi Alibaba tiến sang các thị trường mới, họ có thể làm biến đổi cả Trung Quốc.

Cá sấu sông Dương Tử …

Alibaba là một ví dụ sống động cho “sáng tạo” và “cạnh tranh” kiểu Trung Quốc. “Ebay có thể là cá mập ngoài đại dương, nhưng tôi là cá sấu sông Dương Tử. Nếu đánh nhau ngoài biển, chúng tôi thua; nhưng đây là sông, nên tôi thắng,” nhà sáng lập Jack Ma từng nói.

Ma mở website Alibaba.com năm 1999, chuyên kết nối nhà sản xuất nhỏ Trung Quốc với người mua ở nước ngoài (B2B).

Website thứ hai là Taobao đi theo hướng từ người tiêu dùng tới người tiêu dùng (C2C, giống như eBay). Taobao hiện có gần 1 tỷ sản phẩm và là một trong 20 website được truy cập nhiều nhất toàn cầu.

Cổng kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng Tmall mới khai trương giúp các thương hiệu toàn cầu như Disney và Levi’s tiếp cận với tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Alibaba có thể còn tăng trưởng nhanh hơn. Tới năm 2020, dự báo thị trường TMĐT Trung Quốc sẽ lớn hơn cả Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp cộng lại.

Và dù có lẽ sẽ không trực tiếp thách thức Amazon, nhưng Alibaba đang mở rộng ra toàn cầu để phục vụ người Trung Quốc ở hải ngoại và chinh phục các thị trường mới nổi.

Vũ khí sắc bén của Alibaba là hệ thống thanh toán trực tuyến mới Alipay. Alipay chỉ chuyển tiền cho người bán nếu người mua hài lòng với món hàng, nên dễ được tin tưởng hơn ở những nơi luật pháp lỏng lẻo.

Có lẽ nguồn lực lớn nhất mà Alibaba chưa khai thác là dữ liệu người dùng. Hơn 60% số bưu kiện ở Trung Quốc là chuyển đi nhờ Alibaba. Alibaba tường tận hơn ai hết thói quen chi tiêu và mức độ khả tín của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, cộng thêm hàng triệu thương nhân.

Alifinance hiện đã là một tổ chức tín dụng lớn chuyên cho vay công ty nhỏ; và dự tính sắp tới sẽ cho vay cả người tiêu dùng.

Thực tế, Alifinance đang giúp tự do hóa nền tài chính Trung Quốc, vốn chỉ hướng luồng vốn giá rẻ tới doanh nghiệp nhà nước, và bỏ qua mọi thành phần kinh tế khác. Alifinance còn tận dụng nền tảng trực tuyến của mình để bán bảo hiểm.

Khoảng 6 triệu gian hàng đã mở cửa trên Alibaba. Thành tựu của công ty khiến khu vực bán lẻ và logistics vốn trì trệ của Trung Quốc tăng năng suất đáng kể.

Và hơn ai hết, Alibaba đang giúp Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang lấy trọng tâm là tiêu dùng.

… đang bị đe dọa

Dù rất hứa hẹn nhưng giống như cá sấu sông Dương Tử, tương lai của Alibaba cũng đầy hiểm nguy. Công ty có thể ‘chệch đường rày’ vì ba nguyên nhân.

Rõ ràng nhất là Alibaba có thể đang đầu tư quá dàn trải và sảy chân. Chuyện nhà sáng lập lui về hậu trường cũng chẳng dễ dàng gì.

Xét theo chuẩn Trung Quốc, nhìn chung công tác quản trị tại Alibaba cũng tốt, dù giới quan sát vẫn ngờ vực vụ Jack Ma tách Alipay khỏi công ty mẹ vài năm trước. Nếu là công ty đại chúng, Jack Ma sẽ khó có thể làm được việc này.

Sản phẩm của Alibaba cũng cần minh bạch hơn. Từ góc độ một người Trung Quốc mà nói, Alibaba đã rất nỗ lực chống nạn hàng giả. Gần đây chính phủ Mỹ còn khen thưởng Taobao vì nỗ lực này. Dù vậy hàng giả trên Taobao vẫn không khó kiếm.

Không phải cứ quản trị tốt là đã xong, vì còn rủi ro thứ hai: cái danh “Trung Quốc”. Ở nước ngoài công ty Trung Quốc luôn bị nghi ngờ: các công ty nhà nước bị phản đối ở Mỹ; các công ty niêm yết tại Bắc Mỹ đã bị trừng phạt vì gian lận kế toán; và người khổng lồ viễn thông Huawei bị các nghị sỹ Mỹ coi là “kẻ thù của Nhà nước”.

Thật buồn nếu Alibaba cũng mang cái danh trên, vì công ty có ít liên hệ với chính phủ hơn nhiều.

Nhưng mối đe dọa lớn nhất lại nằm ngay tại sân nhà. Giống như Amazon và eBay, Alibaba sẽ bị cơ quan chống độc quyền giám sát kỹ. Nhưng nguy cơ đặc biệt lại tới từ giới chính trị.

Các ngân hàng lớn đang vận động quyết liệt để chặn đứng Alifinance phát triển. Và chính phủ Trung Quốc có lẽ cũng không hài lòng lắm khi xuất hiện một tổ chức sở hữu quá nhiều dữ liệu về người dân nước này đến thế.

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên