WHO lên tiếng về “cú lừa thế kỷ” dịch cúm A/H1N1
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: “Các quyết định được đưa ra sớm thường không chắc chắn. Đây không phải là một lời biện minh mà là sự thực”.
- 11-01-2010Đại dịch cúm A/H1N1 - cú lừa thế kỷ?
Trong lúc các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn cầu đang sôi sục về vụ “cú lừa thế kỷ” dịch cúm A/H1N1 thì ngày 11/01, trong bản thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông trong nước của văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Các quyết định được đưa ra sớm thường không chắc chắn. Đây không phải là một lời biện minh mà là sự thực”.
WHO không thay đổi định nghĩa đại dịch, nhưng …
Bản thông cáo báo chí ghi rõ: WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ bùng phát dịch này”.
Theo đó, một đại dịch được công bố khi có các vụ bùng phát dịch ở cấp độ cộng đồng được xác nhận do một loại virus cúm mới gây ra, lây truyền từ người sang người, tại ít nhất là hai quốc gia trên hơn một vùng do WHO quản lý.
Trong quá trình xây dựng các hướng dẫn, WHO đã thừa nhận có một số nhầm lẫn có thể xuất phát từ thực tế là đã có một tài liệu trên trang web của WHO trong một vài tháng có nói rằng một đại dịch có thể bao gồm "số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong".
Thông tin này sau đó đã được gỡ bỏ xuống và WHO khẳng định thông tin này không bao giờ là một phần trong định nghĩa chính thức về một đại dịch và chưa bao giờ là một phần trong các tài liệu gửi tới các quốc gia thành viên nhằm phục vụ công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì sự nhầm lẫn mà thông tin này gây ra”, Tổ chức Y tế thế giới thừa nhận.
Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, họ đã “kiên định đánh giá tác động của đại dịch cúm hiện tại là vừa phải, nhắc nhở cộng đồng y tế, người dân, và các phương tiện truyền thông đại chúng rằng đại đa số bệnh nhân bị bệnh tương tự cúm nhẹ và phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần bất kỳ hình thức điều trị y tế nào”.
Công khai quan hệ với ngành công nghiệp dược phẩm
Về ảnh hưởng từ ngành công nghiệp dược phẩm, WHO cho biết: WHO cộng tác với một phạm vi rộng các cá nhân để có được những dữ liệu WHO yêu cầu tất cả các chuyên gia tư vấn cho tổ chức phải tuyên bố tất cả các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính, bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm hoặc các cơ quan tư vấn hay các hình thức liên hệ về chuyên môn khác với các công ty dược phẩm.
Tất cả những thông tin này được chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm tư vấn và được WHO lưu tâm khi quyết định xem liệu các chuyên gia này có thể tiếp tục cung cấp tư vấn cho tổ chức hay không.
WHO nhấn mạnh: “Các cáo buộc về xung đột quyền lợi không công bố được WHO xử lý rất nghiêm túc và được điều tra ngay lập tức”.
Trả lời về việc tại sao WHO khuyến cáo tiêm chủng, tổ chức này cho hay: “Chúng tôi cần những công cụ tốt nhất và các giải pháp tốt nhất để bảo vệ tính mạng con người - và những công cụ đó bao gồm các vắc-xin và thuốc kháng virus. Chúng tôi làm việc với các công ty dược phẩm bởi vì họ là những người sản xuất ra vắc xin. Vắc xin không được sản xuất bởi các chính phủ hoặc các lĩnh vực công cộng, mà là bởi các công ty tư nhân”.
Đại dịch bị thổi phồng: “Quyết định sớm thường không chắc chắn”
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: “Các quyết định được đưa ra sớm thường không chắc chắn. Đây không phải là một lời biện minh mà là sự thực”.
“Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO đã phải có những hành động và khuyến nghị”, Tổ chức này cho biết.
Trước những thông tin nóng bỏng cho rằng đại dịch đã bị thổi phồng, WHO bày tỏ quan điểm: “Chỉ trích là một phần trong chu trình bùng phát dịch. Chúng tôi đã lường trước được điều này. Sẽ có thể rất tốt cho nền y tế công cộng nếu sự chỉ trích nêu bật được khuyết điểm cần chỉ ra. Mặt khác nó cũng có thể gây hại, nếu những khẳng định vô căn cứ ngấm ngầm huỷ hoại khuyến cáo có lợi cho sức khỏe cộng đồng”.
WHO cho biết Tổ chức này hiện rất mong muốn và thực sự hoan nghênh những lời chỉ trích và cơ hội để bàn bạc thảo luận.
Ngày 11/1, trao đổi với báo chí trước thông tin này, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môit rường (Bộ Y tế Việt Nam) cho biết: “Bộ Y tế Việt Nam chưa nhận được thông tin chính thức nào từ WHO liên quan đến vấn đề này. Ý kiến này mới chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân của một chuyên gia y tế ở Châu Âu chứ không phải của Châu Âu”.
Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet