MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WMP: Chiêu mới của ngân hàng Trung Quốc

13-12-2012 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

WMP được chào mời là cũng an toàn như gửi tiết kiệm mà lãi suất lại cao hơn, nhưng rủi ro thì bị dấu nhẹm.

Các “sản phẩm quản lý tài sản” (wealth management products, tức “WMP”) của Trung Quốc lại trở thành chủ đề nóng sau khi hàng chục nhà đầu tư biểu tình ngoài chi nhánh ngân hàng Hoa Hạ tại Thượng Hải vì họ nhận được thông báo tiền của mình đã mất sạch.

Khoản đầu tư này thực tế không phải vào ngân hàng, mà là vào Trung tâm đầu tư tài sản Trọng Đinh. Vụ biểu tình khiến một giám đốc khách hàng tại chi nhánh Jiading của Ngân hàng Hoa Hạ lập tức bị bắt, dù một vài nhà đầu tư nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng nữ giám đốc này đã được ngân hàng chấp thuận chào bán sản phẩm nói trên.

Với những ai chưa biết: WMP là các sản phẩm đầu tư lợi suất cao (tức rủi ro cũng cao) do ngân hàng phân phối và thường là rót tiền vào các tài sản kém thanh khoản và rất rủi ro. Các nhà đầu tư Trung Quốc từ lâu vẫn tìm kiếm một sản phẩm cho lợi suất hợp lý, hoặc thậm chí lợi suất không thực âm đã là tốt rồi. Họ tin rằng các sản phẩm kiểu này cũng an toàn như gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết thêm:

“Sản phầm đầu tư, hay WMP, của Trọng Đinh là ví dụ điển hình về cách làm việc của các tổ chức huy động. Trọng Đinh huy động tiền qua Ngân hàng Hoa Hạ để xây dựng chuỗi salon ô tô tại tỉnh Hồ Nam. Các nạn nhân nói Ngân hàng Hoa Hạ thông báo với họ rằng bên đi vay đã bị kết án.

“Ngân hàng Hoa Hạ thế là phủi tay được sao?” ông Zhou Gouwu, nhà đầu tư đã mất 500.000 tệ (gần 1,7 tỷ VNĐ) vào sản phẩm đầu tư Trọng Đinh, nói.

“Tiền chúng tôi gửi vào tài khoản tại Hoa Hạ, qua tay thu ngân của chính ngân hàng,” một nhà đầu tư khác nói. “Với những nhà đầu tư ít hiểu biết như chúng tôi, thế cứ nghĩ là mình đang mua sản phẩm đầu tư của ngân hàng Hoa Hạ. Chúng tôi muốn Hoa Hạ trả lại tiền cho mình.””

Bà Anne Stevenson-Yang từ công ty J Capital Research nói đây không phải sản phẩm đầu tư WMP đầu tiên đổ vỡ; nhưng bây giờ nhiều người mới biết là nhờ vụ biểu tình tại chi nhánh ngân hàng Hoa Hạ tại Jiading, Thượng Hải chứ không phải một thị trấn nhỏ nào đó.

Thực tế, theo một nguồn tin cho bà hay, sản phẩm đầu tư mà Hoa Hạ bán cho khách hàng tại Jiading có lẽ đã được phát hành để thanh toán cho vụ phá sản năm ngoái của chính Trọng Đinh:

Vụ việc không đến tai giới đầu tư quốc tế vì nó xảy ra ở một thành phố nhỏ hơn. Cũng chính Trọng Đinh hồi tháng 10/2011 đã vỡ nợ 430 triệu tệ. Nhưng vì xảy ra ở Hồ Nam, nên chẳng báo nào đăng. Dường như sản phẩm đầu tư này đã được phát hành với sự thông đồng từ phía nhà chức trách tại Hồ Nam với mục đích chính là giải quyết nợ nần cho các nhà đầu tư tại Hồ Nam.”

Trong khi đó, nhà nghiên cứu hàng đầu về vấn đề “ngân hàng bóng” (shadow banking) Charlene Chu tại Fitch cho rằng lượng phát hành sản phẩm đầu tư WMP tiếp tục tăng trong Quý 3.

Hơn một nửa khối lượng phát hành trong năm nay có thời gian đáo hạn từ 90 ngày trở xuống; và gần như toàn bộ đáo hạn trong vòng một năm. Giống như tiền gửi tiết kiệm, chúng có thể dễ dàng chuyển ra chuyển vào bảng cân đối tài sản của ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp lý. Ví dụ như chuyển ra để giảm dự trữ bắt buộc và chuyển vào để đáp ứng tỷ lệ cho vay trên tổng huy động vào cuối kỳ kế toán. Bà Chu viết tiếp:

“WMP là công cụ vay hoặc cho vay, và ngân hàng giao dịch bằng WMP do chính mình  hoặc do ngân hàng khác phát hành. Điều đó khiến tài sản và công nợ có liên quan tới WMP biến thành một bảng cân đối kế toán thứ hai, nhưng không có khả năng thanh khoản, dự trữ, cũng không phải vốn để chi trả và hấp thụ thua lỗ. Những bảng cân đối kế toán “ngầm” này đang làm suy giảm tính minh bạch của bảng cân đối tài sản các ngân hàng khi công bố ra công chúng”.

Nguy cơ vủa việc sử dụng rộng rãi các WMP không chỉ dừng lại ở chỗ vài sản phẩm vỡ nợ và nhà đầu tư mất tiền. Bà Chu lưu ý rằng, chúng làm xói mòn nguồn cung tín dụng giá rẻ vốn dồi dào cho các ngân hàng Trung Quốc:

"Chi phí cao hơn, khả năng huy động kém ổn định hơn là những thách thức mới đối với cả khả năng sinh lời lẫn công tác quản lý tài sản-công nợ. Các ngân hàng cũng khó ghi nhận nợ xấu vô thời hạn như trước kia".

Theo bà Chu, các ngân hàng nhỏ là đối tượng phát hành các sản phẩm đầu tư WMP chính, chiếm tới 85& trong tổng số 3,5 tỷ tệ (khoảng 11,6 nghìn tỷ VNĐ) trong 9 tháng đầu năm 2012.

Đó là lý do vì sao tứ đại gia ngân hàng Trung Quốc đang lên tiếng phản đối các WMP, ví dụ như Chủ tịch Bank of China Tiêu Cương dùng thẳng từ “Ponzi” để gọi các WMP. Một quan chức khác từ Ngân hàng Công thương nghiệp Trung Quốc ICBC cảnh báo rằng “sẽ còn nhiều scandal [liên quan tới WMP] nữa lộ diện”.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Hóa ra họ cũng có “kế hoạch” cả:

(Theo Reuters) – Trung Quốc sẽ không tính 13.000 tỷ tệ (tức hơn 2.000 tỷ USD, hơn 43 triệu tỷ VNĐ, gấp gần 20 lần GDP Việt Nam-ND) sản phẩm đầu tư ngắn hạn của ngân hàng vào số liệu chính thức cho khu vực “ngân hàng bóng” của nước này, một nguồn tin cho viết, nhằm giúp các khoản vay ngoại bảng trông có vẻ đỡ rủi ro hơn.

Thêm nữa (Financial Times nhấn mạnh):

"Theo một công văn của Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc, WMP chỉ được tính vào bảng cân đối kế toán nếu ngân hàng tham gia bảo lãnh thanh toán.

WMP không có ngân hàng bảo đảm sẽ tiếp tục được để ngoại bảng, và sẽ không được sử dụng để tính toán số liệu cho hệ thống ngân hàng bóng", nguồn tin trên cho biết thêm.

Nói tóm lại là WMP không có bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng sẽ “biết mất” khỏi cả bảng cân đối kế toán lẫn các số liệu chính thức.


Minh Tuấn

tuannm

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên