MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Đông Á

06-10-2014 - 12:26 PM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng thế giới hôm nay (6/10) vừa công bố báo cáo East Asia Pacific Economic Update cập nhật tình hình đồng thời đưa ra các dự báo về tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á.

Theo đó, World Bank nhận định các quốc gia đang phát triển ở Đông Á sẽ chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong năm 2014 nhưng tăng tốc trong năm 2015 nhờ sự hồi phục dần dần của các nước phát triển giúp đẩy tăng nhu cầu về hàng xuất khẩu từ khu vực này. Đông Á vẫn sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

World Bank dự báo khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay và năm tới. Ở Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống 7,4% trong năm nay và 7,2% trong năm 2015 do chính phủ nước này cố gắng tìm ra con đường tăng trưởng bền vững hơn. Nếu không tính đến Trung Quốc, tăng trưởng của các nước đang phát triển sẽ ở mức 4,8% trong năm 2014 trước khi tăng lên mức 5,3% trong năm 2015 nhờ xuất khẩu tăng và quá trình tái cơ cấu kinh tế có nhiều tiến triển.

Mặc dù cả khu vực này được hưởng lợi từ sự hồi phục của kinh tế toàn cầu nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác, mức độ ở các nước là khác nhau phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia là những nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Do đó World Bank nâng dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia từ 4,9% lên 5,7%. Campuchia được dự báo tăng trưởng 7,2% trong năm 2014 nhờ tăng xuất khẩu hàng dệt may. 

Trong khi đó, Indonesia – vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa thô – sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP giảm từ 5,8% (2013) xuống còn 5,2% trong năm nay. 

Một điểm sáng của kinh tế khu vực là tiêu dùng tư nhân được hỗ trợ bởi các nhân tố như tiêu dùng có liên quan đến bầu cử ở Indonesia, thị trường lao động diễn biến tốt ở Malaysia, lượng kiều hối dồi dào ở Philippines hay cải cách ở Myanmar.

Tuy nhiên, Đông Á vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là eurozone và Nhật Bản, có thể giảm tốc trong ngắn hạn. Thêm vào đó điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn so với dự báo. Các yếu tố địa chính trị trong khu vực và trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh là một rủi ro khác. 

Theo Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á tại WB, khẳng định cách tốt nhất để các quốc gia trong khu vực đối mặt với rủi ro là cải tổ để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. 

Thu Hương

huongnt

World Bank

Trở lên trên