MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu hụt hơi, Trung Quốc tìm thuốc kích thích mới

09-11-2015 - 10:49 AM | Tài chính quốc tế

Xuất khẩu suy giảm nhiều tháng liên tiếp cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc có rất ít sự lựa chọn để thay thế cho việc tăng cường hỗ trợ lực cầu nội địa để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Theo báo cáo được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm qua (8/11), kim ngạch xuất khẩu (tính theo USD) của nước này giảm 6,9% trong tháng 10, mạnh hơn dự báo của hầu hết các chuyên gia phân tích. Nhu cầu về than đá, quặng sắt và các loại hàng hóa yếu đi do các ngành công nghiệp nặng gặp nhiều khó khăn cũng khiến nhập khẩu sụt giảm 18,8%. Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại cao kỷ lục 61,6 tỷ USD.

10 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang EU cũng giảm 3,7%, sang Hồng Kông giảm tới 11,7%. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ (là đối tác thương mại lớn nhất) tăng 5,8%, sang ASEAN cũng tăng 4,2%. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 8,9%.

Đây là báo cáo mới nhất mở đầu cho tuần sắp tới, khi mà Trung Quốc công bố một loạt số liệu kinh tế chủ chốt như sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định. Dù Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 6 lần và đẩy tăng chi tiêu công, hai chỉ số này vẫn được dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ. Điểm sáng duy nhất sẽ là doanh số bán lẻ.

Ngoài ra giới phân tích cũng dự báo ngành công nghiệp tiếp tục rơi vào trạng thái giảm phát và chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ.

Trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng giúp doanh thu và lợi nhuận của những công ty như Alibaba tăng trưởng tốt (ngày mai Alibaba sẽ thực hiện ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm), đà tăng của khu vực dịch vụ không đủ để bù đắp sự sụt giảm của các ngành công nghiệp nặng. Xuất khẩu đã giúp Trung Quốc có được thời kỳ tăng trưởng như vũ bão trước đó.

Theo Louis Kuijs, chuyên gia đến từ Oxford Economics, số liệu xuất nhập khẩu tháng 10 càng làm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải nới lỏng chính sách. Những biện pháp kích thích tiếp theo sẽ tập trung vào tăng lực cầu nội địa thay vì giảm giá đồng nhân dân tệ. Đồng thời, qua thời gian, vai trò của mở rộng chính sách tài khóa cũng nên tăng lên.

Trong báo cáo quý III được công bố ngày 6/11 vừa qua, NHTW Trung Quốc (PBOC) khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định và tạo ra môi trường trung lập về tiền tệ cũng như tài khóa để tái cấu trúc nền kinh tế. PBOC cũng nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với áp lực suy giảm và lạm phát sẽ ở mức thấp.

Những bình luận này là dấu hiệu cho thấy PBOC có ý định ngăn chặn lực cầu suy giảm trong quá trình chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Dù sao thì Trung Quốc vẫn đang có “sức đề kháng” khá tốt với thâm hụt tài khóa tương đối nhỏ và nợ của chính quyền TW ở mức thấp. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn lên tới 17,5% sau một số lần cắt giảm.

Thặng dư thương mại cao kỷ lục giúp dự trữ ngoại hối đột ngột tăng từ mức 3.510 tỷ USD của tháng 9 lên 3.530 tỷ USD trong tháng 10, dù trước đó nước này đã sử dụng lượng lớn ngoại hối để can thiệp đẩy tăng giá đồng nhân dân tệ.

Theo Liu Ligang, chuyên gia đến từ ngân hàng ANZ, thặng dư thương mại lớn sẽ giúp bù đắp lượng vốn bị rút ra, đồng thời hạn chế kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên