Yếu tố nào đã giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính thế giới?
Tổ chức, công ty hoạt động tại Singapore được nhận giấy phép cực nhanh mà không mất phí ngầm, thuế thấp, hạ tầng tốt. Internet tại Singapore nhanh gấp 100 lần Trung Quốc.
Thập niên 1950, Ngân hàng Bank of China, 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, sử dụng tòa nhà 20 năm tuổi gần bưu điện trung tâm làm trụ sở. Từ các tòa nhà cho đến công ty, dòng chảy của mọi thứ tại Singapore lúc đó dường như hết sức chậm chạp.
Năm 2011, tòa nhà Bank of China dường như lạc lõng bởi gần như tất cả mọi thứ tại Singapore đã thay đổi.
Citigroup đã chuyển trụ sở chính đến cùng quận với Bank of China, đầu đường Shenton Way (trung tâm tài chính) và sau đó chuyển đến khu trung tâm Suntec City. Citigroup sẽ sớm chuyển đến cùng khu vực với ngân hàng Standard Chartered tại Marina Bay.
Trung tâm giành cho nhân viên văn phòng được đặt gần sân bay đẳng cấp. Tại khu vực gần khu phố của người Trung Quốc, trước đây từng được biết đến với nhà chứa, nhà thổ, nay sừng sững tòa nhà trung tâm của các tổ chức đầu tư, luật và nhiều tổ chức như vậy.
Tốc độ và quy mô của các thay đổi đã đủ để đưa Singapore lên tầm cỡ trung tâm tài chính thế giới. Trong khi chính trị gia thuộc chính phủ Anh hay Thụy Sỹ còn đang bận tranh cãi xem có nên chào đón các ngân hàng hay trừng phạt họ, Singapore đã mở trường riêng để đào tạo các nhân viên ngân hàng; chính phủ Singapore cho ngân hàng UBS thuê một tòa nhà để đào tạo và Credit Suisse cũng đưa ra kế hoạch tương tự.
Càng phát triển, Singapore càng cần nhân sự tài năng. Cho đến nay, khoảng 2.880 tổ chức tài chính đã đăng ký hoạt động chức năng này hay khác với Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore. Trong đó có cả tên tuổi lớn cũng như công ty nhỏ.
Chính phủ Singapore luôn biết tận dụng cơ hội tốt để phát triển ngành tài chính. Ông Gerard Lee, trưởng điều hành tại Lion Global Investors và từng tham gia trong Quỹ thịnh vượng của chính phủ Singapore, nhớ lại năm 1971, khi người Mỹ bỏ neo đồng USD vào vàng, Singapore lập tức tranh thủ cơ hội này để phát triển thành trung tâm ngoại tệ của khu vực.
Ngày nay, mọi chuyện cũng không khác mấy: Singapore đang tự định vị để trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Các ngành kinh doanh liên quan cũng nhờ vậy mà phát triển. Một trong những ngân hàng lớn cho biết hơn một nửa khối lượng giao dịch OTC trong hàng hóa được thực hiện tại Singapore.
Theo Barclays Capital, chỉ riêng trong thị trường nhà đầu tư lẻ, khối lượng giao dịch các sản phẩm liên quan đến ngoại hối đã tăng 29 lần từ năm 2005, khối lượng giao dịch sản phẩm lãi suất tăng tới 43 lần.
Chính phủ Singapore đã dự báo trước được ảnh hưởng sẽ đến sau khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Thập niên 1990, môi trường hoạt động của các tổ chức quản lý quỹ khắc nghiệt đến nỗi chỉ một vào tổ chức tồn tại được.
Điều đó đã thay đổi. Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở công ty và thay đổi lại quy định để giảm đi một số chi phí tốn kém cho các doanh nghiệp, đặc biệt thuế giao dịch.
Khi quá trình trao trả Hồng Kông hoàn tất, rất nhiều khách hàng đã tìm đến Singapore. Hiện nay, tài sản của các tổ chức tại Singapore lớn hơn so với Hồng Kông.
Để giữ chân số tài sản này, chính phủ Singapore phát triển khung chấp thuận tài khoản tín thác. Luật pháp thông thoáng, khả năng quản lý tài sản và ngoại tệ khiến Singapore trở thành địa điểm hấp dẫn cho mọi loại hình quản lý.
Cách tiếp cận của chính phủ Singapore được coi như phản đề của thuyết tự do kinh tế. Nói rộng ra, Singapore quản lý chặt chẽ tài chính nội địa và đưa ra biện pháp thu hút các công ty quốc tế.
Các công ty có thể giành được giấy phép nhanh chóng, dễ dàng, một điểm sáng trong thế giới đầy quan liêu. Nhân sự chủ chốt cũng có thể nhanh chóng được nhận visa làm việc. Các công ty có tầm quan trọng nhất định được giãn thuế và chi phí thay đổi địa điểm làm việc được đền bù.
Các nhân viên ngân hàng và chuyên gia quản lý quỹ đầu tư kể một cách nhiệt tình về môi trường kinh doanh an toàn, sạch sẽ và hiệu quả. Tốc độ Internet nhanh gấp 100 lần so với mạng Internet Trung Quốc với quá nhiều “tường lửa”, và nhanh gấp 8 lần so với Hồng Kông. Thuế thấp và ổn định, không giống Mỹ và châu Âu.
Ngày một nhiều công ty cho biết nhiều người từ chối chuyển nơi làm việc bởi dù lương của họ sẽ được tăng nhưng lập tức thuế thu nhập cao sẽ “cuốn bay” mức tăng lương đó.
Khó có thể kể hết ưu điểm của Singapore. Gần đây ở Singapore người ta thường nhắc đến câu chuyện có 2 đối tượng đã đọc hết đạo luật cải tổ ngành tài chính Mỹ, thứ nhất là nhóm các học giả Mỹ (đọc xong vẫn cảm thấy hoa mắt) và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (vốn tranh thủ tìm kiếm cơ hội để tăng thêm sức hút cho đảo quốc này).
Dù đang nắm nhiều lợi thế, Singapore cũng có những sai lầm. Thị trường chứng khoán, thường được hiểu sai là cái cốt yếu tạo nên vị thế một trung tâm tài chính, đã cố gắng thu hút các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và cuối cùng rất nhiều rắc rối xảy ra quanh việc này.
Gần đây, vài công ty đã hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vốn có sức hút như một cửa ngõ để tiếp cận với Trung Quốc Đại Lục.
Nỗ lực thâu tóm sàn Australia’s exchange của Singapore Exchange gần đây đã bị bác bỏ bởi lý do lợi ích quốc gia. Quyết định này có thể bắt nguồn từ văn hóa huy động vốn khác nhau giữa 2 quốc gia. Công ty Úc thường sử dụng các đợt chào bán nhỏ để có tiền cho hoạt động khai khoáng và chấp thuận môi trường truyền thông thông thoáng hơn.
Chính sách tại các quốc gia khác có thể hạn chế tăng trưởng của Singapore. Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính thế giới tại Singapore không muốn làm ăn với người Mỹ giàu có do cách tiếp cận thô bạo của nước Mỹ với vấn đề thuế.
Thế nhưng để làm được tốt hơn người Singapore, chính phủ nước khác cần phải tạo ra được môi trường an toàn, thuế thấp và không có nạn quan liêu. Trên phương diện này, chẳng có gì để lo lắng.
Ngọc Diệp
Theo Economist