Tài chính tiền tệ ngày 12/10: USD tăng tiếp, các đồng tiền châu Á lao dốc
Thị trường tiền tệ thế giới vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều biến động. Đồng USD tiếp tục tăng trong phiên này trước khi Mỹ công bố báo cáo quan trọng vào cuối tuần này - dữ liệu lạm phát, dự kiến sẽ cho thấy áp lực giá cả vẫn chưa hạ nhiệt.
- 11-10-2022SSI dự báo lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng mạnh trong quý III, có nhà băng lãi gấp đôi cùng kỳ
- 11-10-2022Ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, lợi nhuận nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng mạnh
Mặc dù trồi sụt nhưng nhìn chung đồng USD vẫn đang có xu hướng tăng do lo ngại về việc Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất và căng thẳng địa chính trị khiến các nhà đầu tư bất an và tìm tới những tài sản an toàn. Trong khi đó, đồng yen Nhật Bản dao động gần sát mức thấp nhất nhiều thập kỷ vào tháng trước – đã từng khiến các nhà chức trách nước này phải can thiệp để kéo yen hồi phục trở lại.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 11/10 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,1% lên 113,19, nhích dần về mức cao nhất trong 20 năm, là 114,78 đã đạt được vào cuối tháng trước.
Thị trường lao động hồi phục mạnh mẽ ở Mỹ và dự báo dữ liệu công bố vào thứ Năm (13/10) đã làm tiêu tan mọi hy vọng của các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ, ngoại trừ việc lãi suất sẽ tiếp tục cao đến năm 2023 – điều sẽ khiến đồng USD tăng trở lại mức cao nhất kể từ 2002 như đã đạt được vào tháng trước.
"Báo cáo Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần trước (7/10) cho thấy thị trường lao động khá vững mạnh như một ‘cú đánh lớn’ vào bất kỳ ai đang kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm xoay trục chính sách. Điều đó cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất vững mạnh, kể cả lĩnh vực thị trường lao động và lạm phát, do đó Fed hoàn toàn có thể kiên định với lộ trình chính sách của mình", Mazen Issa, chiến lược gia cấp cao phụ trách mảng ngoại hối của TD Securities, ở New York, cho biết.
"Chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ động lực nào đến từ vấn đề lạm phát để Fed phải giảm tốc độ tăng lãi suất. Đối với thị trường tiền tệ, sân chơi vẫn là của đồng USD và thực sự chưa có ‘cơn gió ngược’ đáng kể nào xuất hiện, kể cả từ thị trường lao động và lạm phát", ông Issa nói.
Nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gia tăng căng thẳng.
Đồng USD phiên 11/10 có lúc chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần so với yen Nhật, là 145,86 JPY, chỉ thấp hơn chút ít so với mức cao nhất 24 năm, là 145,90 JPY, chạm tới trước khi Chính phủ Nhật Bản vào cuộc để hỗ trợ đồng yen, cách đây 3 tuần. Lúc kết thúc phiên 11/10, yên đi ngang, ở mức 145,73 JPY/USD.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, hôm thứ Ba (11/100) đã nhắc lại việc Chính phủ nước này sẵn sàng can thiệp, nói rằng họ sẽ thực hiện "các bước thích hợp đối tại những thời điểm xuất hiện tình trạng dư thừa ngoại hối".
Sự can thiệp của Chính phủ Nhật đã giúp đồng yen vững giá trong những tuần gần đây, nhưng đồng tiền này lại đang lùi về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các nhà phân tích phải tập trung theo dõi xem Trung ương Nhật Bản có can thiệp một lần nữa hay không.
Đồng euro phiên vừa qua chỉ biến động nhẹ so với USD, kết thúc ngày 11/10 ở mức 0,9702 EUR/USD, sau 4 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, là 0,9528 USD. Đồng tiền này đã chạm "đáy" vào ngày 26 tháng 9.
Đồng bảng Anh cũng trồi sụt trong phiên vừa qua, tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, có thời điểm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29 tháng 9, là 1,0999 USD, trước khi kết thúc ngày 11/10 theo giờ Việt Nam ở mức 1,1055 USD.
Các thị trường của Anh vẫn trong tình trạng rất căng thẳng và không được xoa dịu bởi động thái mua mạnh trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và việc Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết sẽ đưa ra một số thông tin về ngân sách.
Hôm thứ Ba (11/10), BoE đã một lần nữa hành động để ngăn chặn sự sụp đổ trên thị trường trái phiếu chính phủ bằng cách thông báo chuyển sang mua nợ liên quan đến lạm phát cho đến cuối tuần. Vốn đã trong thế khó, BoE đón nhận thêm dữ liệu thị trường lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 trong ba tháng tính đến tháng 8, mặc dù sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi số người rời khỏi thị trường lao động tăng kỷ lục.
Trong khi đó, đồng đô la Úc, vốn nhạy cảm với rủi ro, trong phiên vừa qua đã chạm mức thấp nhất trong 2,5 năm, là 0,6248 USD. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết đồng AUD đã "bị hạ gục" trong đợt bán tháo và thời gian tới có thể sẽ còn lao dốc tiếp xuống mức thấp hơn nữa do tâm lý nhà đầu tư đối với đồng tiền này rất mong manh.
Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Hầu hết các đồng tiền châu Á suy yếu trong phiên vừa qua do chịu tác động bởi sự giảm sút tâm lý đối với các tài sản rủi ro khi các nhà đầu tư tiếp tục thoát khỏi trái phiếu khu vực, trong khi đồng ringgit của Malaysia chạm mức thấp nhất 24 năm.
Kết thúc phiên, ringgit Malaysia giảm 0,5% xuống 4,670 MYR/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 1998. Cổ phiếu ở Malaysia giảm tới 1,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020 và lợi tức trái phiếu tăng 2 điểm cơ bản lên 4,404%.
Đồng baht Thái Lan và đô la Singapore giảm lần lượt 0,6% và 0,2%.
Thâm hụt thương mại của Philippines trong tháng 8 ở mức kỷ lục 6 tỷ USD, với nhập khẩu tăng 26%, so với ước tính của ING là 22%. Tuy nhiên, peso đã tăng 0,1%, được hỗ trợ bởi động thái của ngân hàng trung ương.
Tỷ giá nhân dân tệ Trung Quốc liên tục biến động trong phiên vừa qua. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ tăng 0,3% lên 7,177 CNH vào lúc kết thúc phiên 11/10. Trái lại, trên thị trường nội địa, nhân dân tệ giảm 0,5% xuống 7,1909 CNY. Tính từ đầu năm đến nay, CNY đã giảm 11,6%.
Các nhà giao dịch cho rằng sự giảm giá của đồng nhân dân tệ là do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, Trung Quốc tăng cường các biện pháp chống Covid-19, và đồng USD mạnh lên.
Trên thị trường tiền tệ, Bitcoin giảm giá trong phiên vừa qua, xuống 19.130 USD theo xu hướng đi xuống của các tài sản rủi ro cao.
Giá Bitcoin ngày 11/10.
Các nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ. Theo đó, giá vàng phiên vừa qua dao động quanh mức thấp nhất một tuần.
Xu hướng giá giảm được hạn chế bởi các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ, được cho là sẽ củng cố lập trường tiếp tục tăng mạnh lãi suất của Fed.
Lúc kết thúc ngày 11/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay vững ở 1.668,70 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% lên 1.676,10 USD.
Michael Matousek, nhà giao dịch hàng đầu thuộc U.S. Global Investors, cho biết: "Đó là phiên giao dịch vắng vẻ… Mọi người không muốn thực hiện bất kỳ hoạt động mua hay bán lớn nào.
Giá vàng đã giảm gần 20% kể từ khi tăng trên mốc quan trọng, 2.000 đô la vào tháng 3, do kênh trú ẩn an toàn không thể tỏa sáng bất chấp bất ổn địa chính trị và xu hướng chứng khoán gần đây giảm khi hầu hết các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn là đồng USD.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường