Tái diễn việc trả vốn đầu tư công
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến ngày 31/7, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất điều chỉnh giảm hơn 7.112 tỷ đồng vốn ngân sách (vốn trong nước hơn 5.582 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.529 tỷ đồng) dù ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã có chỉ thị về thúc đẩy, phân bổ giải ngân đầu tư công, trong đó đặt yêu cầu giải ngân trên 95% kế hoạch và không trả lại vốn.
- 16-08-2023Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á 'đắp chiếu' hơn thập kỷ, dân phải bỏ nhà ra đi
- 16-08-2023Nô lực tháo gỡ 'điểm nghẽn' cản trở sự phát triển của ngành logistics
- 16-08-2023Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ vấn đề hoàn thuế VAT
Theo Bộ KH&ĐT, phần vốn đầu tư công cần giải ngân năm nay bao gồm cả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chương trình chỉ còn hơn 4 tháng để thực hiện, trong khi nguồn lực chưa giải ngân rất lớn. Đến cuối tháng 7/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình mới đạt hơn 93.800 tỷ đồng. Về chi đầu tư phát triển thuộc chương trình, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến ngày 31/7 đạt khoảng 30.260 tỷ đồng, tương ứng 17,3% số vốn đã được Thủ tướng giao.
Mới đây nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đưa 5 dự án ra khỏi danh mục của chương trình phục hồi với tổng vốn 950 tỷ đồng. Đây là các dự án triển khai tại: Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Cần Thơ (260 tỷ đồng); Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn (240 tỷ đồng); Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An; Dự án tăng cường kết nối cung cầu lao động (250 tỷ đồng) và dự án đầu tư chuyển đổi số cho đào tạo nghề chất lượng cao (100 tỷ đồng). Lý do Bộ LĐ-TB&XH muốn “trả” dự án do năm 2023 mới được giao vốn, nên việc lập, phê duyệt dự án, thiết kế, triển khai đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và giải ngân toàn bộ số vốn 950 tỷ đồng trong năm không khả thi.
Trước đề nghị nói trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn của 5 dự án này sang cho dự án khác. Tuy nhiên, chưa nơi nào đề xuất bổ sung vốn. Theo đó, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng cho phép tổng hợp đề xuất nêu trên vào báo cáo trình Quốc hội ở kỳ họp tháng 10 tới, trong đó kiến nghị cho phép không phân bổ 950 tỷ đồng vốn của chương trình phục hồi.
Điều hòa số vốn trả lại ra sao?
Về tình trạng tái diễn trả lại vốn đầu tư công, trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần xem xét kỹ nguyên nhân các đơn vị xin điều chỉnh kế hoạch vốn. Nếu do chủ quan, không tiêu được, tính toán sai, xin trả lại, thì cần chế tài xử lý nghiêm, như cắt giảm kế hoạch vốn năm sau. Còn nếu vì nguyên nhân khách quan, cần phân tách rõ khó khăn ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để khắc phục.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, giải ngân đầu tư công đang có xu hướng tích cực, tuy nhiên mục tiêu giải ngân 95% vốn vẫn là thách thức. Tổng vốn đầu tư công năm nay hơn 700 nghìn tỷ đồng, số vốn muốn trả lại (hơn 7.000 tỷ đồng) mới chiếm khoảng 1%. “Dù tỉ lệ nhỏ, nhưng đây là hiện tượng cần cảnh báo khi Thủ tướng đã có chỉ thị, các bộ, ngành không được trả lại kế hoạch vốn đầu tư công”, ông Long nói.
Bộ KH&ĐT đã xin ý kiến Chính phủ về bổ sung kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để đưa vào hoạt động, nhất là dự án ODA, dự án khởi công mới có khả năng giải ngân ngay trong năm 2023 và các nhiệm vụ, dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị này phải cam kết giải ngân hết số vốn của kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao và phần vốn được bổ sung.
Ông Long cho rằng, cần xem xét nguyên nhân, quy trình, từ thẩm định, lập dự án, kế hoạch, phân bổ vốn,... xem liệu đã khả thi chưa. Nguyên nhân gây vướng mắc trong thực hiện ở đâu, từ Trung ương, hay địa phương, dự án. “Việc xử lý phải làm sao để tránh tạo tiền lệ, và phần việc sau đó là điều hòa số vốn này như thế nào”, ông Long đặt vấn đề.
Theo Bộ KH&ĐT, với quy định của Luật Đầu tư công, việc trả vốn thực chất là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm. Có nơi tăng thì phải có nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua. Đến 31/7, đã có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư 5.093 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án.
Tuền phong