MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tai họa dồn dập, Facebook đang trải qua cuộc khủng hoảng sống còn

28-03-2018 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Vụ bê bối rò rỉ dữ liệu xảy ra vào đúng thời điểm Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về sự tin tưởng cũng như vai trò với xã hội của nền tảng này.

Theo thông tin từ một nguồn đáng tin cậy, vụ bê bối của Cambridge Analytica (CA) đã gây tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu này. Facebook cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nỗ lực để lấy lại sự tin tưởng của người dùng về những cam kết bảo mật và bảo vệ dữ liệu. Với những bê bối liên tiếp trong 2 năm qua, Facebook đang thực sự trải qua một cuộc khủng hoảng sống còn.

Bê bối dữ liệu cũng khiến nhiều người nhận ra rằng việc kinh doanh của Facebook chính là khai thác dữ liệu. Facebook kiếm lời từ chính việc thu thập và bán dữ liệu cho các công ty phát triển dữ liệu và công ty quảng cáo. Ngăn chặn việc bán thông tin, dữ liệu cho bên thứ ba là gần như không thể.

Thật vậy, điều đáng báo động nhất về việc xâm phạm quyền riêng tư của CA lại không phải là một hành vi sai phạm, bởi nó không hề bị giấu diếm và phù hợp với chính sách của Facebook.

Giáo sư đến từ Đại học Cambridge, Aleksandr Kogan, đã thu thập dữ liệu của hơn 50 triệu người sử dụng Facebook với mục đích thực hiện khảo sát tâm lý với 270 nghìn người tham gia. Facebook cung cấp cho Kogan dữ liệu của bất kì người nào tham gia vào cuộc khảo sát và cả bạn bè của họ. Facebook đã phát biểu rằng: "Kogan được quyền truy cập những thông tin này một cách hợp pháp và thông qua các kênh dành cho các nhà phát triển trên Facebook ở thời điểm đó."

Theo thông tin từ phía Facebook, Kogan đã vi phạm chính sách của Facebook, ông này chia sẻ thông tin người dùng cho bên thứ ba, đó là CA, công ty cung cấp dịch vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, được rót vốn một phần Robert Mercer - nhà tài trợ cho Đảng Cộng hòa của ông Trump, và cựu chính trị gia Steve Bannon.

Nhưng thậm chí chính Facebook cũng thừa nhận với CNN rằng không thể giám sát toàn bộ việc các nhà phát triển và công ty quảng cáo làm gì với các dữ liệu khi họ sở hữu nó. Giống như là bán thuốc lá cho mọi người và yêu cầu họ không được chia sẻ cho bất kỳ ai.

Tai họa dồn dập, Facebook đang trải qua cuộc khủng hoảng sống còn - Ảnh 1.

Những giới hạn về khả năng giám sát dữ liệu càng rõ ràng hơn bởi phản ứng từ phía Facebook về vụ việc xâm phạm quyền riêng tư của Kogan. Facebook cho biết rằng đã phát hiện ra hành vi của Kogan vào năm 2015 và các bên được yêu cầu phải xoá bỏ toàn bộ dữ liệu, nhưng đến gần đây mới biết rằng CA đã không xóa dữ liệu như họ cam kết.

Paul Grewal, người đảm nhiệm chức vụ Phó tổng tham mưu của Facebook, đã phát biểu rằng "trọng tâm của mọi việc chúng tôi là chính là bảo vệ thông tin người dùng." Đây dường như là một lời bào chữa để công chúng chấp nhận việc Facebook kinh doanh bằng cách cung cấp thông tin người dùng cho các bên mà không thể xác định được mục đích cuối cùng của họ là gì.

Facebook cho biết, kể từ đầu năm 2014, người dùng có thể quản lý hiệu quả hơn thông tin cá nhân mà họ chia sẻ với các nhà phát triển ứng dụng và các công ty quảng cáo. Quá trình thử nghiệm các ứng dụng cũng đã được cải thiện với mục đích yêu cầu các nhà phát triển phải "giải thích rõ ràng về dữ liệu họ đang tìm kiếm để thu thập và sẽ sử dụng chúng như thế nào trước khi được phép lấy từ người dùng."

Tuy nhiên, một nguồn tin nội bộ cho hay, phương pháp này không thể đảm bảo rằng ai đó sẽ không thể khai thác dữ liệu và bán cho bên thứ ba.

Tại Đồi Capitol, việc bàn luận về các quy định ngày càng gay gắt hơn. Các nhà lập pháp đang tìm kiếm biện pháp quản lý chặt chẽ hơn sau vụ việc cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Thượng Nghị sĩ Amy Klobuchar đã yêu cầu Zuckerberg phải đứng trước Uỷ ban Tư pháp Thượng viện để giải trình về việc "Facebook sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng ở Mỹ nhằm mục đích quảng cáo chính trị và vận động các cử tri."

Vụ bê bối xảy ra vào đúng thời điểm Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về sức hấp dẫn của nền tảng này, ít nhất là tại Mỹ. Số người dùng hàng ngày tại Mỹ đạt khoảng 184 triệu Có đến 184 triệu người Mỹ sử dụng Facebook hàng ngày, con số này đã giảm so với quý trước. Theo eMarketer, Facebook mất 2,8 triệu người dùng dưới 25 tuổi vào năm ngoái và giảm thêm 2 triệu người năm nay.

Vụ việc tai tiếng liên quan đến CA có thể khiến số lượng người bỏ Facebook tăng nhanh hơn. Facebook ngày càng dễ bị thao túng bởi các tổ chức chính trị và các chính phủ nước ngoài.

Cuối cùng, thủ phạm trong vụ bê bối này trong mắt công chúng Mỹ không phải CA hay Nga mà chính là Facebook.

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên