MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái hoạt động, doanh nghiệp vừa mừng vừa lo

Được lệnh mở cửa trở lại sau thời gian cách ly, đa số doanh nghiệp (DN) phấn khởi nhưng nỗi lo “sẽ lắm chông gai” hiện rõ từng ngày.

Lưa thưa, ế ẩm

Trưa 26/4, ghi nhận của phóng viên tại nhiều trung tâm thương mại vừa mở cửa trở lại ở TPHCM, cho thấy nhiều quầy hàng đã trưng bày hàng hóa, nhân viên đứng cửa mời khách xem hàng. Tuy sản phẩm đa dạng, nhiều chương trình khuyến mãi lên tới 50%, mua 1 tặng 1… nhưng khách hàng đến mua hàng khá thưa thớt.

Chị Lâm Thị Minh Trang, nhân viên quầy quần áo thời trang ở trung tâm Diamond, quận 1 buồn thiu cho biết: “Cửa hàng của em khai trương trở lại sau thời gian nghỉ phòng dịch mới được 2 ngày. Dù công ty áp dụng nhiều chương trình ưu đãi nhưng gần như không có khách mua”. Chị Trang lý giải sự ế ẩm một phần do khách còn lo ngại khi đến nơi công cộng, phần khác do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu đồ dùng không cần thiết trong thời điểm này.

Quầy hàng “sale off” của trung tâm thương mại Takashimaya ở quận 1 có đông khách hơn, nhất là quầy đồ chơi trẻ em. Anh Võ Tấn Thanh (42 tuổi, nhân viên văn phòng) nói gần 2 tháng nay không dám cho con ra ngoài vui chơi vì sợ nhiễm COVID-19. Ngay khi thành phố hết cách ly, cửa hàng lại có chương trình giảm giá nên tranh thủ đưa con ra ngoài mua sắm món đồ chơi mới. “Do dịch bệnh, đây là lúc cần tiết kiệm, hạn chế chi tiêu nên tôi không còn mua sắm, ăn uống bên ngoài nhiều như trước”- anh Tuấn tâm sự.

Lướt chiếc điện thoại đọc báo cho hết ngày, bà Thu (kinh doanh phụ kiện thời trang) ở Sài Gòn Square, quận 1, thở dài: “Tôi mới ra sạp hôm nay, quanh quẩn chỉ thấy người bán. Trước đây, công ty du lịch còn đưa các đoàn khách nước ngoài đến mua sắm rất đông nhưng nay thì hết rồi, ế thảm!”. Theo bà Thu, ở nhà buồn nên ra quầy ngồi chứ thực tế không có khách.

Anh Nguyễn Hữu Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiên Sa chuyên sản xuất chăn, ga, gối, nệm sau khi hết cách ly cũng tái khởi động kinh doanh bằng cách giảm giá, tặng 1,5 triệu đồng cho khách hàng mua sắm. Thế nhưng, mục đích  của chương trình để kéo khách trở lại xem ra không mấy dễ dàng. “Bây giờ, chúng tôi như trở lại vạch xuất phát từ con số 0, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể hồi phục” - anh Duy chia sẻ.

“Ðóng cửa quá lâu, lấy gì chi trả”

Đắt khách nhất sau ngày hết cách ly có lẽ là các hàng ăn, quán nước. Tuy nhiên, chủ quán cũng lúng túng khi thực hiện giãn cách theo quy định. “Tôi buôn bán ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (Q.1, TPHCM), mỗi quán có diện tích rất nhỏ, vừa kê đủ 2 chiếc bàn nhựa thì không biết thực hiện giãn cách thế nào” - bà Minh bán bún bò, cho biết.

Tương tự, phố nail hẻm 136 Lê Thánh Tôn (Q1, TPHCM) cũng lác đác vài tiệm mở cửa đón khách. Chị Thủy (chủ một tiệm nail - tóc) thắc mắc: “Tôi không biết làm nail có phải là ngành nghề thiết yếu không, nhưng thấy nhiều người mở thì mình cũng theo vì nếu đóng cửa quá lâu mất hết khách; tiền mặt bằng, nhân viên, thuế các loại không biết lấy gì chi trả”.

Nhiều tiệm cà phê khu vực Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TPHCM), khách ngồi từng nhóm gần nhau và không mang khẩu trang. Tại một số quán cà phê khu vực Hoàng Sa (Q.3, TPHCM), khách ngồi kín các bàn trong và ngoài vỉa hè, trò chuyện rôm rả đến mức “quên” đeo khẩu trang phòng dịch.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, Ban đã có công văn gửi 24 quận huyện tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh ăn uống sau thời gian cách ly. Đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thì người kinh doanh, chế biến phải mang các phương tiện bảo hộ an toàn thực phẩm và phòng dịch, bảo đảm khoảng cách giữa hai khách tối thiểu là 1 mét.

“TPHCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Các cơ sở dựa vào các tiêu chí để tự đánh giá, nếu thấy đạt thì hoạt động. Những cơ sở nào nào đạt dưới 50% sẽ không được phép hoạt động” - bà Phong Lan cho biết.

Chị Trang lý giải sự ế ẩm một phần do khách còn lo ngại khi đến nơi công cộng, phần khác do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu đồ dùng không cần thiết trong thời điểm này.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên