Tài khoản chứng khoán giảm 30-40%, nhà đầu tư nên xử lý như thế nào?
Một khoản lỗ lớn luôn bắt đầu từ những khoản lỗ nhỏ. Đối với một cổ phiếu mất 10% giá trị chỉ mất 11% để hòa vốn. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu mất 50% giá trị sẽ phải tăng trưởng 100%, tức là tăng mạnh gấp đôi mức giảm mới quay về được mức giá ban đầu. Vốn dĩ, leo lên núi thì khó mà ngã xuống vực thì rất dễ, nên nhà đầu tư cần tuân nguyên tắc kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ.
Chuỗi ngày giảm sâu vẫn tiếp tục, VN-Index lao dốc không phanh khi giảm 68 điểm lùi về mốc 1.310 – mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm . So với mức đỉnh đầu tháng 4, thị trường đã rơi hơn 200 điểm, mất hơn 14% giá trị chỉ trong nửa tháng.
Trên thực tế, mức thua lỗ của nhiều nhà đầu tư còn lớn hơn khi không ít cổ phiếu đã điều chỉnh giảm 30-40% trong 2 tuần qua. Thậm chí, nhiều người nắm cổ phiếu đầu cơ hay những mã dính tin đồn có thể thua lỗ tới 40%-50% tài khoản. Mặt khác, những nhà đầu tư dính bẫy "bull trap", mua cổ phiếu cơ bản trong những phiên tuần trước cũng ôm khoản lỗ khá lớn khi nhóm này đang giảm mạnh trong hai phiên gần đây.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đa số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán đang phải chịu thua lỗ lớn trong thời gian gần đây. Do đó, việc xử lý như thế nào khi tài khoản liên tục "bốc hơi" chắc hẳn là điều nhà đầu tư quan tâm trong lúc này.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán HSC, nhà đầu tư hiện thua lỗ rất lớn, song tâm lý chung là không dám bán cổ phiếu. Đó là điều rất nguy hiểm bởi thị trường chung còn nhiều rủi ro.
Về diễn biến tiếp theo, chuyên gia nhận định sẽ nhiều biến động khi bối cảnh thị trường thực sự chưa có nhiều điểm sáng. Về yếu tố tiêu cực, áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới, Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và ẩn số từ xung đột Ukraine là rất lớn. Đặc biệt là sau khi nghỉ lễ 4 ngày (30/04 và 01/05) chúng ta sẽ đối diện với kỳ họp tiếp theo của FED, được dự báo sẽ có những quyết định nâng lãi suất dứt khoát.
Trong nước, có hiện tượng bán ra để phân bổ lại dòng vốn giữa các kênh đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường đang ở thời điểm nhạy cảm, khúc cua của chính sách tiền tệ, tài khóa, bước ngoặt của thị trường cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa…. Lực bán lớn hơn có thể đến từ việc phân bổ lại nguồn vốn khi Covid kết thúc.
"Trước dự báo về diễn biến thị trường, tôi cho rằng những nhà đầu tư đang "gồng lỗ" khi tài khoản liên tục giảm cần phân định rõ nguyên tắc đầu tư là "lướt sóng" hay đầu tư dài hạn. Bởi trong trường hợp giá cổ phiếu giảm xuống thấp, cần kiểm tra lại nguyên tắc đầu tư của mình để chắc chắn sự biến động này vẫn nằm trong giới hạn của bạn. Đối với những cổ phiếu tốt, có yếu tố cơ bản thì nhà đầu tư vẫn có thể bình tĩnh nắm giữ. Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ khi sử dụng phương pháp bình quân giá, nhất là trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường như hiện tại", ông Bùi Văn Huy phân tích.
Trên thực tế, bài toán quản trị rủi ro đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, song khi thị trường biến động thì việc tiết chế cảm xúc để tuân thủ nguyên tắc giao dịch lại không hề đơn giản. Bởi khi càng thua lỗ, nhà đầu tư càng muốn gỡ gạc với tâm lý "chưa bán thì chưa lỗ". Điều này khiến khoản lỗ của bạn có thể càng phình to nếu thị trường tiếp tục diễn biến tiêu cực.
Trong một chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Duy Linh – Giám đốc chiến lược Mirae Asset cho biết, quy tắc chung là nên cắt lỗ bằng một nửa mức lãi trung bình, mức lỗ tối đa sẽ tuỳ thuộc vào tỷ lệ lợi nhuận kiếm được. Trên lý thuyết là vậy, song chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên tuân thủ cắt lỗ ở mức tối đa 7-8% so với mức giá mua. Bởi hồi phục thường khó hơn suy giảm nên thua lỗ càng lớn sẽ càng khó để trở về điểm hoà vốn.
Tỷ lệ hồi phục của một cổ phiếu để hòa vốn (Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset)
"Một khoản lỗ lớn luôn bắt đầu từ những khoản lỗ nhỏ. Đối với một cổ phiếu mất 10% giá trị chỉ mất 11% để hòa vốn. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu mất 50% giá trị sẽ phải tăng trưởng 100%, tức là tăng mạnh gấp đôi mức giảm mới quay về được mức giá ban đầu. Vốn dĩ, leo lên núi thì khó mà ngã xuống vực thì rất dễ, nên nhà đầu tư cần tuân nguyên tắc kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ", ông Nguyễn Duy Linh từng nhận định.
Trên thực tế, bài học "cắt lỗ" là bài học sơ đẳng đối với bất kỳ nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường chứng khoán, song không phải nhà đầu tư nào cũng "thuộc bài". Chuyên gia cho rằng, có nhiều nhà đầu tư có tư duy sai lầm khi âm tài khoản nhưng vẫn khẳng định: "Tôi chỉ bán khi cổ phiếu quay trở lại hoà vốn".
Sở dĩ, nguyên nhân dẫn đến điều này là nhà đầu tư không muốn chấp nhận thất bại và sai lầm của bản thân. Do đó, nhiều người biện hộ rằng cổ phiếu chỉ đang điều chỉnh và tiếp tục gồng lỗ với hy vọng giá sẽ tăng để chứng minh quyết định mua ban đầu là đúng. Song để tránh việc sẽ trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ, nhà đầu tư cần học cách chấp nhận thị trường luôn đúng và bản thân đôi khi sẽ gặp phải sai lầm.
Bên cạnh đó, Giám đốc chiến lược Mirae Asset phân tích đường trung bình động (MA) cũng là cách phổ biến nhất để thiết lập các điểm cắt lỗ bởi chúng dễ tính toán và được theo dõi rộng rãi. Các đường trung bình động chính bao gồm: Đường trung bình 5, 10, 20, 50, 100 và 200 ngày. Thông qua đường MA, nhà đầu tư xác định xem giá cổ phiếu đã đạt tới ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự chưa.
Theo đó, chuyên gia khuyến nghị nên dùng đường trung bình MA10 và M20 để quản trị rủi ro. Nhà đầu tư cần đóng vị thế 50% khi giá giảm dưới MA10, 50% tiếp theo khi MA10 cắt MA20 từ trên xuống.