MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài khoản vãng lai sẽ cải thiện trong năm 2022

20-12-2021 - 16:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Khối nghiên cứu toàn cầu vừa phát hành báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong đó dự báo tài khoản vãng lai (TKVL) năm nay thâm hụt ở mức 0,5% GDP, nhưng sẽ phục hồi nhanh lên mức thặng dư 2,3% GDP trong năm 2022.

"Tấm khiên" mỏng đi

Là một bộ phận quan trọng trong cán cân thanh toán quốc tế, TKVL (hay cán cân vãng lai – Current account) là một trong những chỉ số vĩ mô quan trọng phản ánh khả năng ứng phó của một quốc gia trước các rủi ro bên ngoài. Vì thế, đây là yếu tố không thể thiếu trong phân tích KTVM đối với bất kỳ một nền kinh tế mở nào.

"Tấm khiên đã mỏng đi" là cụm từ được các chuyên gia HSBC sử dụng để nói TKVL của Việt Nam trong năm 2021 trước những tác động nghiêm trọng của làn sóng dịch Covid lần thứ 4, với dự báo TKVL sẽ thâm hụt ở mức 0,5% GDP trong năm nay. Một trong những nguyên nhân chính là vì cán cân thương mại hàng hóa (yếu tố quan trọng nhất trong TKVL) chỉ thặng dư ở mức khiêm tốn trong năm nay.

Tài khoản vãng lai sẽ cải thiện trong năm 2022 - Ảnh 1.

Theo đó, cán cân thương mại đã thâm hụt liên tiếp trong quý II và quý III/2021, qua đó "xóa sạch" thành tích nhập siêu hơn 2 tỷ USD trong quý I cũng như khiến TKVL suy giảm. "Tin tốt là động lực tăng trưởng bên ngoài đã trở lại sau khi mở cửa nền kinh tế từ 1/10. Mặc dù chúng tôi vẫn kỳ vọng cả năm nay sẽ có thặng dư thương mại, nhưng nhiều khả năng thặng dư đó không đủ lớn để bù đắp cho thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính", chuyên gia Heidi Tang của HSBC cho biết.

Trước đại dịch, ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ đã mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng, giúp tình trạng thâm hụt trong dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 1,5 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, khi ngành du lịch bị "đóng băng" bởi Covid, thâm hụt trong dịch vụ nhanh chóng tăng lên đến 10 tỷ USD trong năm 2020. Theo các chuyên gia của HSBC, tình hình chưa mấy cải thiện trong năm 2021 và nhiều khả năng thâm hụt trong dịch vụ năm nay cũng sẽ không dưới mức năm ngoái.

Đồng quan điểm về khả năng TKVL năm này sẽ thâm hụt, nhưng TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, mức thâm hụt 0,5% GDP là không đáng lo ngại. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, không nên để tình trạng thâm hụt này kéo dài qua cả năm 2022.

Có nhiều cơ sở để củng cố

"Tôi tin rằng triển vọng TKVL năm tới chắc chắn sẽ tốt hơn năm nay. Ví dụ, 3 tháng xuất khẩu tăng mạnh vừa qua giúp chúng ta quay lại xuất siêu đã cho thấy điều đó. Vì thế khi các chính sách hỗ trợ được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát tốt, xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi, vốn ODA được giải ngân tăng mạnh… sẽ giúp TKVL nhanh chóng chuyển sang trạng thái thặng dư. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ (đặc biệt là du lịch) có thể phục hồi cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực thâm hụt", TS. Lê Duy Bình nhận định.

Thừa nhận bức tranh toàn cảnh không chỉ toàn màu xám, các chuyên gia HSBC nhận định TKVL sẽ cải thiện mạnh trong năm tới, với dự báo có thể ở mức 2,3% GDP. Hàng loạt cơ sở được HSBC chỉ ra, trong đó có yếu tố kiều hối – một nền tảng quan trọng của TKVL - vẫn duy trì ổn định, bền vững. Ví dụ, trong năm 2021 Việt Nam vẫn là nước nhận kiều hối cao thứ ba ở châu Á với tổng giá trị chuyển về đạt 18 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Philippines.

Trong khi đó, thương mại của Việt Nam dự kiến tiếp tục đà bình thường trở lại khi gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt. Những dữ liệu trong quá khứ cho thấy, sự cải thiện của TKVL luôn song hành và có đóng góp lớn từ sự phát triển vị thế của Việt Nam trong thương mại toàn cầu.

Một "con át chủ bài" khác của Việt Nam là dòng vốn vào của FDI vẫn duy trì ổn định. "Dòng vốn FDI duy trì ổn định vẫn là một trụ cột hỗ trợ vững chắc. Đây là một "con át chủ bài" của Việt Nam vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất đã giúp cải thiện tình hình TKVL của Việt Nam", chuyên gia Yun Liu của HSBC cho biết và khẳng định: "Mặc dù có những gián đoạn nặng nề trong chuỗi cung ứng gần đây và biến động trong ngắn hạn là khó tránh khỏi, chúng tôi vẫn tin rằng các quyết định đầu tư FDI phụ thuộc vào tiềm năng trong trung và dài hạn của nền kinh tế. Theo đó, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về các điều kiện cơ bản của Việt Nam nếu xét tới lợi thế cạnh tranh trong hiệu quả chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các cụm công nghiệp có sẵn và một loạt FTA".

Tất nhiên khi dịch bệnh Covid với những biến thể đã có và mới xuất hiện còn diễn biến phức tạp, áp lực phía trước đối với các cân đối vĩ mô nói chung, TKVL nói riêng cũng chưa thể loại trừ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, về cơ bản không có áp lực nào lớn đến triển vọng như đã nêu ở trên.

Nhận định ngắn gọn về dự báo triển vọng TKVL thặng dư 2,3% GDP trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV bày tỏ đồng tình và cho rằng các số liệu nhanh chóng cải thiện vừa qua cũng đã cho thấy xu thế này. Bên cạnh đó, TS. Lực còn kỳ vọng ngành dịch vụ (nhất là du lịch và các dịch vụ liên quan) sẽ có sự phục hồi mạnh hơn dự báo của HSBC khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và nền kinh tế mở cửa trở lại qua đó giúp thâm hụt trong dịch vụ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý đến việc cần xem xét thận trọng trong việc có nhất thiết phải sử dụng một phần nguồn dự trữ ngoại hối cho Chương trình phục hồi sắp tới hay không (giữa lợi ích mang lại và những tác động, hệ lụy có thể có). "Theo tôi, đây chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng. Bởi ngoài những vấn đề như tôi đã từng chia sẻ thì còn cần tính đến các tác động đến TKVL", TS. Lực nêu quan điểm.

Các chuyên gia HSBC cũng lưu ý, để triển vọng tươi sáng trên có được thì kiểm soát dịch Covid-19 vẫn là điểm mấu chốt. "Ưu tiên lúc này là lấy lại đà tăng trưởng và củng cố niềm tin của các NĐT. Trong đó, nhiệm vụ cấp thiết nhất là làm sao kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 thứ 5, đồng thời đưa ra những hỗ trợ phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút công nhân trở lại nhà máy làm việc an toàn, ổn định", báo cáo của HSBC khuyến nghị.

Theo Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên