MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài lãnh đạo của một người là do trui rèn hay là khả năng thiên bẩm?

12-12-2020 - 16:54 PM | Sống

Tài lãnh đạo của một người là do trui rèn hay là khả năng thiên bẩm?

Tác giả Brian Tracy cho rằng khả năng lãnh đạo của họ đều do tôi luyện mà thành chứ không phải do thiên bẩm. Không ai sinh ra đã là một nhà lãnh đạo.

Brian Tracy vốn là tác giả nổi tiếng và nghệ thuật lãnh đạo trên thế giới. Ông đã nghiên cứu về thuật lãnh đạo trong nhiều năm. Từ thời niên thiếu, Hannibal xứ Carthage đã là nhà lãnh đạo đầu tiên mà ông dày công nghiên cứu. Brian Tracy đọc gần như mọi cuốn sách về các cuộc chiến Carthage, khả năng vượt dãy Alps của đàn voi chiến và những trận đánh của Hannibal với người La Mã. Hannibal có khả năng chỉ huy, huấn luyện một lực lượng rất nhỏ thành một đội quân thiện chiến, có khả năng chinh chiến hàng ngàn dặm và gần như đánh bại đế chế hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.

Sau đó, Brian Tracy nghiên cứu về Scipio, vị tướng đã đánh bại Hannibal. Ông cũng tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của Napoleon và Wellington, để hiểu được sự khác biệt giữa hai nhân vật này. Ngoài ra, tác giả này còn nghiên cứu những nhà lãnh đạo kiệt xuất như Washington, Lincoln, tướng George Patton, Dwight Eisenhower và Omar Bradley.

Brian Tracy nhận thấy khả năng lãnh đạo của họ đều do tôi luyện mà thành chứ không phải do thiên bẩm. Không ai sinh ra đã là một nhà lãnh đạo. Ngay cả Alexander Đại đế cũng phải học (từ năm lên 8 tuổi) để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba.

Học hỏi các vĩ nhân

Học hỏi các nhà lãnh đạo vĩ đại trước đây và hiện tại là một trong những cách nhanh chóng và chắc chắn nhất để phát triển phẩm chất lãnh đạo ở bản thân. Càng chịu khó tìm hiểu về những yếu tố làm nên phẩm chất của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, bạn sẽ càng có nhiều khả năng tiếp thu được các giá trị và hành vi tương tự – vốn sẽ được thể hiện ở việc làm và thành quả sau này của bạn.

Abraham Lincoln từng cho hay: "Thành công của một số người là bằng chứng cho thấy những người khác cũng có thể làm được như vậy." Bertrand Russell – triết gia vĩ đại – cũng có đồng quan điểm khi nói: "Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mọi người có thể làm được một việc là thực tế rằng có những người khác đã từng làm được việc đó."Hãy nghĩ đến những nhà lãnh đạo mà bạn ngưỡng mộ và bắt đầu noi gương họ. Bạn sẽ dần thấm nhuần phẩm chất của họ cũng như sớm trở thành một nhà lãnh đạo không kém.

Câu chuyện về Alexander

Câu chuyện về Alexander Đại đế là bài học hữu ích cho những ai khao khát đạt tới vị trí lãnh đạo cấp cao. Ở tuổi 15, Alexander tin rằng chinh phục thế giới là định mệnh của mình. Ước mơ của ông là thống nhất mọi dân tộc bằng tình bác ái. Ông đã học hỏi và rèn giũa bản thân với sự hỗ trợ từ người thầy Aristotle trong nhiều năm. Ông học nghệ thuật quân sự từ vua cha và những vị tướng tài ba nhất của người. Ông tin rằng mình là một vị vua vĩ đại và có một niềm tin bất biến về khả năng đạt được bất kỳ mục tiêu nào đã đặt ra.

Alexander giỏi cả văn lẫn võ. Ông cho thấy óc phán đoán tuyệt vời khi trao quyền và giao đúng việc, đúng người, đúng thời điểm. Ông có khả năng lên kế hoạch, tổ chức, suy nghĩ thấu đáo và thực hiện chúng một cách xuất sắc. Trong trận Arbela, ông đã dẫn dắt 50.000 binh sĩ tấn công trực diện đội quân Ba Tư hùng mạnh với quân số lên đến cả triệu người và khiến đội quân này thất trận trong nhục nhã. Ông không bao giờ sợ thất bại, luôn đặt niềm tin vào bản thân, các binh sĩ và khả năng vượt qua mọi khó khăn của họ, bất chấp lợi thế ít ỏi.

Giống như mọi nhà lãnh đạo kiệt xuất khác, Alexander có khả năng cầm quân và truyền nhiệt huyết để mỗi người lính có thể làm được những điều tưởng chừng không thể. Ông có khả năng tập trung vào thế mạnh của mình và nhắm vào các điểm trọng yếu có tính quyết định chiến thắng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương điển hình về sự pha trộn hài hòa mọi phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời từng được đưa ra trong các nghiên cứu về chủ đề này.

Tài lãnh đạo của một người là do trui rèn hay là khả năng thiên bẩm? - Ảnh 1.

Coi bản thân là nhà lãnh đạo

Theo Brian Tracy trên đời có 3 kiểu người, trong đó có kiểu người không có ý niệm gì dù là nhỏ nhất về công việc đang diễn ra (và họ cũng hoàn toàn chẳng quan tâm), nhưng cũng có những người giống như những chiếc bugi đánh lửa và nhóm này chỉ chiếm từ 1 đến 2% số người trong xã hội. Mỗi chúng ta đều nằm đâu đó trong 3 kiểu người này, tùy theo suy nghĩ và hành động của chúng ta trong cuộc sống.

Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, hãy nhớ rằng tất cả đều tùy thuộc ở bạn. Chìa khóa nằm trong tay bạn, hay quan trọng hơn, nằm trong tâm trí bạn. Suy nghĩ quyết định con người bạn. Sự tự nhận thức về bản thân quyết định việc làm của bạn. Bạn có thể trở thành một nhà lãnh đạo thành công hơn bằng cách thay đổi quan niệm về bản thân – hãy coi bản thân như một nhà lãnh đạo.

Mọi sự vật, sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống đều xoay quanh luật nhân quả. Nó cho rằng mỗi kết quả đạt được đều có một nguyên nhân. Không có gì là ngẫu nhiên. Luật này có ý nghĩa quan trọng, nó chỉ ra rằng thành công của mỗi người đều có khởi nguồn từ đâu đó. Do đó, nếu muốn thành công, muốn noi gương những người thành công khác, cách họ hành động và thành quả họ đạt được, hãy tìm hiểu về những điều họ đã làm và học hỏi một cách sáng tạo, bạn chắc chắn sẽ đạt được thành tựu không kém gì những "người thầy tâm tưởng" của mình.

Luật Niềm tin cũng có liên quan rất mật thiết đến khả năng lãnh đạo. Luật này cho biết nếu bạn vững tin vào một điều gì đó, điều bạn tin tưởng sẽ trở thành hiện thực. Triết gia William James đã nói: "Niềm tin làm nên thực tại."

Theo Thảo Nguyên

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên