MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tai nạn kép: Máy bay cứu nạn mất tích

17-06-2016 - 09:09 AM | Xã hội

Trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay Su30-MK2 gặp nạn, thêm một tai nạn nữa xảy ra: 12g30 ngày 16-6, trên đường bay tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30-MK2, máy bay CASA-212 số hiệu 8983 đã mất liên lạc, trên máy bay có 9 người.

Máy bay CASA-212 xuất phát từ sân bay quân sự Gia Lâm (Hà Nội) lúc 9g30. Trên máy bay có 9 người, bao gồm 3 thành viên tổ lái do đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân 918, lái chính. Cho đến 0g ngày 17-6, tất cả các nguồn tin của Tuổi Trẻ đều cho biết vẫn chưa có tung tích nào về máy bay CASA-212.

Điều tàu ra nơi có dù rơi xuống biển

Chiếc CASA mất tích trên đường tìm kiếm chiếc máy bay tiêm kích Su30-MK2 và thượng tá phi công Trần Quang Khải (43 tuổi), người còn mất tích trong vụ máy bay tiêm kích Su30-MK2 rơi trên vùng biển Nghệ An hôm 14-6 đến nay vẫn chưa tìm thấy. Trước đó, các đơn vị cứu nạn nhận được một số tín hiệu cấp cứu được cho là của phi công Trần Quang Khải. Khi nhận được tín hiệu này, máy bay CASA đã được cử đi tiếp cận vị trí để tìm kiếm và mất liên lạc sau đó.

Tối 16-6, đại tướng Ngô Xuân Lịch - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã chủ trì cuộc họp bàn tìm biện pháp cứu nạn. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, vị trí máy bay mất liên lạc cách phía nam tây nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng hải quân, các bộ tư lệnh: biên phòng, cảnh sát biển tập trung tìm mọi biện pháp triển khai các tàu có tốc độ cao đến khu vực xác định máy bay mất liên lạc, đồng thời thông báo cho các tàu, thuyền, ngư dân đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc bộ tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn khác cũng dồn lực lượng để tìm kiếm máy bay CASA-212. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thành - bí thư kiêm chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết chiều 16-6, huyện đảo Bạch Long Vĩ điều tàu tìm kiếm số 1 ra khu vực cách bờ khoảng 32 hải lý để tìm kiếm máy bay CASA. Hải Phòng đã thành lập nhanh một ủy ban tìm kiếm cứu nạn do phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo. Ông Đào Quang Thức, chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, cũng thông tin đã điều hai tàu tuần tra phối hợp với các lực lượng khác ra khu vực đảo Bạch Long Vĩ để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Đồng thời toàn bộ tàu cá trên đảo Bạch Long Vĩ cũng được thông tin về sự cố của máy bay CASA để tích cực tham gia tìm kiếm.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, ông Đào Trọng Tuệ - phó chủ tịch UBND huyện - cho hay huyện đã huy động ba tàu gồm tàu cá và tàu của biên phòng ra hai vị trí nghi máy bay CASA-212 mất liên lạc và nơi phát hiện có chiếc dù rơi xuống biển.

Ông Nguyễn Xuân Sang - cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cũng thông tin tất cả các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng hải Việt Nam đang trong tình trạng sẵn sàng, khi có yêu cầu sẽ tham gia ngay việc tìm kiếm máy bay CASA rơi trên vùng biển Bạch Long Vĩ.

Vì sao CASA mất liên lạc tại Bạch Long Vĩ?

Thông tin thêm về việc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 mất liên lạc tại vùng trời gần đảo Bạch Long Vĩ, ở vị trí khá xa so với vùng biển Hòn Mắt nơi Su30-MK2 8585 mất liên lạc, một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong những ngày qua, các máy bay tìm kiếm cứu nạn Su30-MK2 đã bay tìm dọc biển từ Đà Nẵng đến Thái Bình.

Máy bay Casa bị mất tín hiệu trưa 16-6 khi bay qua khu vực Bạch Long Vĩ đã nhìn thấy vật thể giống thuyền phao mà các phi công Su30-MK2 được trang bị khi gặp sự cố bay trên biển. Ngay sau đó, máy bay CASA xin hạ thấp độ cao để quan sát thì bị mất tín hiệu.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong phương án cứu hộ cứu nạn máy bay CASA, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã chọn đảo Bạch Long Vĩ làm nơi đặt trạm tiếp nhận các thành viên trên máy bay khi được tìm thấy. Sau đó, các thành viên sẽ được chuyển về đất liền bằng máy bay trực thăng.

Tiếp tục xuyên đêm 
tìm kiếm phi công 
Su30-MK2

Trong khi đó, các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục duy trì lực lượng tìm kiếm xuyên đêm 16-6 tại vùng biển vị trí cuối cùng của 
Su30-MK2 rơi với hi vọng tìm thấy phi công Khải còn sống sót. Tại cuộc họp ở sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm máy bay 
Su30-MK2 đóng tại thị xã Cửa Lò chiều 16-6, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo lực lượng tăng cường phối hợp với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Nghệ An tìm kiếm mở rộng thêm phạm vi tập trung về phía bắc, kéo dài từ vùng biển tỉnh Ninh Bình đến Đà Nẵng.

“Do thời tiết thay đổi hướng gió và luồng chảy của nước biển cũng đã có sự thay đổi so với hai ngày trước nên phương án tìm kiếm được triển khai theo hướng tập trung ra vùng biển phía bắc” - ông Nguyễn Hồng Kỳ, giám đốc Sở GTVT Nghệ An, nói.

Cuối cuộc họp này, đại tá Nguyễn Văn Tư - đại diện lực lượng tìm kiếm Cảnh sát biển Việt Nam - đã thông tin về việc một tàu cứu hộ của cảnh sát biển đã trục vớt được một vật thể nghi là trục lốp trước của chiếc máy bay tiêm kích Su30-MK2. Sau khi nhận được thông tin, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã cử một số tàu và các thiết bị dò tìm tới khu vực phát hiện để tiếp tục tìm kiếm.

Tính đến ngày 16-6, đã có hơn 100 tàu của các lực lượng bộ đội, biên phòng, tàu kiểm ngư, tàu cá ngư dân cùng khoảng 1.200 người dồn lực phối hợp với máy bay trực thăng, thủy phi cơ đang quần thảo trên biển để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải và máy bay Su30-MK2. Thượng tá Phan Văn Xuân, hải đội trưởng hải đội 2, cho biết trong ngày 16-6 tình hình thời tiết tại vùng biển Nghệ An xấu, biển động rất mạnh, gió cấp 6-7, tầm nhìn xa rất hạn chế nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.


Đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân 918. Ảnh chụp ngày 9-3-2014, khi đại tá Toàn vừa lái chiếc CASA-212 xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bay tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia - Ảnh: V.SỰ

Đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân 918. Ảnh chụp ngày 9-3-2014, khi đại tá Toàn vừa lái chiếc CASA-212 xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bay tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia - Ảnh: V.SỰ

Phi công lái chính dày dạn kinh nghiệm

Đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân 918, là một phi công dày dạn kinh nghiệm, có giờ bay tích lũy gần 3.000 giờ. Ông là một trong những phi công đầu tiên của không quân Việt Nam lái máy bay CASA-212 khi được mua về từ Tây Ban Nha. Đại tá Toàn chính là người đã lái chính máy bay CASA-212 tham gia chiến dịch của không quân Việt Nam tìm kiếm máy bay MH370 mất tích vào tháng 3-2014.

Đại tá Lê Kiêm Toàn, 56 tuổi, quê ở Thanh Oai (Hà Tây cũ).

Theo Nhom PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên