MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài năng Việt trên bản đồ start-up

30-12-2018 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

Thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không chịu nhiều thiệt hại, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm trong hơn 10 năm qua, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Sở hữu dân số trẻ thuộc loại lớn nhất thế giới - hơn 60% trong số 90 triệu dân dưới 35 tuổi - cũng là yếu tố giúp Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ start-up (khởi nghiệp) của thế giới.

Theo báo ASEAN Post, có 39.580 doanh nghiệp khởi nghiệp ở thị trường Việt Nam vào năm ngoái, hầu hết trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2017, cộng đồng start-up Việt Nam nhận được 291 triệu USD tiền đầu tư, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Tài năng Việt trên bản đồ start-up - Ảnh 1.

Văn Đinh Hồng Vũ tạo ra ứng dụng ELSA từ chính trải nghiệm với tiếng Anh của mình Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công thuộc về cô gái trẻ Văn Đinh Hồng Vũ. Tuy tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Stanford nổi tiếng của Mỹ nhưng cô cũng từng chịu cảnh bị bỏ lại phía sau khi nhập học vào năm 2009. "Các giảng viên không hiểu những gì tôi nói. Dù tôi có trình bày ý tưởng hay thì cũng không được chú ý nhiều. Tôi mất rất nhiều tự tin trong năm học đầu tiên" - Vũ kể với báo South China Morning Post (Hồng Kông). Từ kinh nghiệm "thương đau" này, Vũ tạo ra ứng dụng Hỗ trợ nói tiếng Anh (ELSA) sau khi về Việt Nam.

Ra mắt vào năm 2015, ELSA sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người học tiếng Anh phần phát âm. "Tôi làm khảo sát và 90% người trả lời thừa nhận họ sợ phần nói nhất nhưng lại không có giải pháp cải thiện" - Vũ nói. Tới nay, ứng dụng của cô nhận được 3,2 triệu USD góp vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill.

Ông Eddie Thai, đối tác tại một quỹ đầu tư vi mô của Mỹ (có vốn 14 triệu USD) mang tên 500 Startups, nhận xét Việt Nam vẫn còn thu hút so với các thị trường mới nổi khác. "Hệ sinh thái khởi nghiệp của một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia đã hoàn thiện. Còn Việt Nam đang nổi lên nhờ kinh tế ổn định, dân số trẻ và tài năng" - ông Thai nhận xét. Ngoài vốn từ Thung lũng Silicon (trung tâm công nghệ ở bang California - Mỹ), start-up Việt còn nhận được đầu tư của các công ty lớn trong khu vực, như Tencent, JD.com của Trung Quốc. Trang TechCrunch cho biết JD.com rót khoảng 50 triệu USD vào trang thương mại điện tử Tiki hồi đầu năm nay.

Ông Eddie Thai kỳ vọng nhìn thấy những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giao thông và logistics, giáo dục, y tế... trong vài năm tới, bởi theo ông, start-up Việt hiện mới đặc biệt tập trung vào giải quyết các vướng mắc của thị trường mới nổi. Trường hợp của Roy Nguyen, nhà khởi nghiệp người Mỹ gốc Việt, chứng minh nhận định của ông Thai. "Năm 2013, tôi đạp xe đạp dọc Việt Nam và chứng kiến nhiều người không có tài khoản ngân hàng không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính.

Tương tự, nhiều tài năng và doanh nhân trẻ cũng gặp khó khăn vì thiếu vốn" - anh Roy kể. Một năm sau, anh ra mắt dịch vụ tài chính Huydong.com và hiện hợp tác với Tập đoàn SparkLabs (Hàn Quốc) và Silicon Valley Vietnam (sáng kiến khởi nghiệp do Chính phủ Việt Nam điều hành). Theo Roy, việc chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển là một hỗ trợ rất lớn.

Theo Hải Ngọc

NLĐ

Trở lên trên