Tài sản 'bốc hơi' hơn 50 tỷ USD chỉ trong 6 ngày: Vị tỷ phú này 'khổ' hơn cả Sam Bankman-Fried và nằm trong top người mất tiền nhanh nhất thế giới
Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã mất sạch 52 tỷ USD chỉ trong 6 ngày. Đà sụt giảm này được nhận định là chưa từng có trong lịch sử.
Thực ra, tỷ phú này không giống như “thần đồng” ngành tiền số, nhân vật từng nổi đình nổi đám một thời Sam Bankman-Fried hay Bill Hwang - nhà quản lý quỹ từ sở hữu 10 tỷ USD đến “mất trắng” chỉ trong nháy mắt.
Nhìn chung, ngay cả sau khi giá cổ phiếu sụt giảm vì cáo buộc của nhà bán khống Hindenburg Research, ông Adani vẫn đang quản lý một tập đoàn đang phát triển ở rất nhiều lĩnh vực, chuyên xây dựng các cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng và sân bay, phù hợp với mục tiêu phát triển của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tài sản của ông Adani sụt giảm mạnh hơn nhiều so với nhà tài phiệt Brazil Eike Batista – người sở hữu đế chế kinh doanh ngành hàng hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước như nhà máy đóng tàu và cảng với sự hậu thuẫn của chính phủ. Ông Bastita mất 35 tỷ USd trong khoảng 1 năm và trở thành vị tỷ phú mất nhiều tiền nhanh nhất đầu tiên.
Tỷ phú Gautam Adani.
Hơn nữa, dù Elon Musk là người đầu tiên trên thế giới mất 200 tỷ USD và từng có giai đoạn tài sản của ông sụt giảm tương đương với ông Adani, nhưng kể từ đó sự giàu có của Musk hồi phục ngoạn mục. CEO của Tesla đã “đút túi” thêm hơn 32 tỷ USD trong năm 2023, nhiều nhất trong số các tỷ phú được theo dõi bởi Bloomberg Billionaires Index.
Có thể thấy, trường hợp của tỷ phú Adani là một trong những đợt sụt giảm tài sản căng thẳng nhất cả về quy mô và tốc độ. Tài sản ông hiện là 61 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 150 tỷ USD vào tháng 9.
Hiện tại, ông Adani là người giàu thứ 3 ở châu Á, đứng sau tỷ phú Mukesh Ambani và “ông trùm” nước đóng chai Trung Quốc Zhong Shanshan. Ngoài ra, ông Adani cũng có thể sắp rời khỏi Top 20 người giàu nhất thế giới.
Đà lao dốc này cũng làm nổi bật cách thức mà ông Adani “góp mặt” trong bảng xếp hạng người giàu trong 2 năm qua, có thời điểm thành người giàu thứ 2 thế giới. Hindenburg đã cáo buộc đế chế của vị tỷ phú này là: quyền sở hữu cổ phần tập trung vào nội bộ, sử dụng đòn bẩy tràn lan và định giá được “thổi phồng” quá mức.
Tỷ phú Ấn Độ đã tích cực mở rộng tập đoàn của mình, đặc biệt là thúc đẩy hoạt động năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng, nhận các khoản đầu tư từ các công ty bao gồm Warburg Pincus và TotalEnergies. Ngoài ra, Adani Group sử dụng các khoản vay ký quỹ để đẩy mạnh tham vọng của mình và thế chấp số cổ phiếu khoảng 300 triệu USD để đi vay từ một nhóm các ngân hàng vào tuần trước, trong đó có Barclays.
Adani Group đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc của Hindenburg và nói rằng báo cáo của họ là “sai sự thật”, cảnh báo sẽ có những hành động pháp lý. Tuy nhiên, Adani Enterprises cũng hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD đã được đăng ký toàn bộ nhưng nhận được ít sự quan tâm từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngoài ra, các bộ phận của Credit Suisse cũng ngừng chấp nhận một số chứng khoán mà Adani dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ký quỹ.
Hiện tại, vẫn chưa ra chính phủ Ấn Độ sẽ can thiệp ở mức độ nào. Quốc hội nước này đã tạm dừng một cuộc họp 1 ngày sau khi Chủ tịch Thượng viện từ chối yêu cầu của các nhà lập pháp phe đối lập về cuộc thảo luận về Adani. Ông Modi cho đến nay vẫn chưa đưa ra thông báo nào.
Trong khi đó, NHTW Ấn Độ đã yêu cầu các bên cho vay cung cấp thông tin chi tiết về những giao dịch với tập đoàn này, theo nguồn tin thân cận. State Bank of India – định chế tài chính lớn nhất Ấn Độ, đã cho Adani vay tới 2,6 tỷ USD, tức là tương đương với khoảng 1 nửa số tiền được cho phép.
Ashok Swain – trưởng Khoa Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển, cho hay: “Adani và các quan chức đã chỉ trích những cáo buộc này là âm mưu nhằm phản đối sự trỗi dậy của Ấn Độ. Tuy nhiên, thị trường đã rất cẩn trọng.”
Nhịp sống thị trường