MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao 1 + 1 < 2? Hiệu ứng "người ngoài cuộc" khiến cuộc sống nhiều người không khá lên nổi!

15-03-2020 - 17:41 PM | Sống

"Vô trách nhiệm tập thể" là một hiện tượng nguy hiểm thường thấy trong lối sống của đại bộ phận người trong xã hội ngày nay. Kiểu tâm lý này thường khiến mọi người trở nên "lười" vì sợ gặp phiền phức và "đùn" trách nhiệm cho người khác, dẫn đến hiệu quả công việc thấp và nhiều tai hại nguy hiểm.

Câu chuyện về ba nhà sư:

Trên một ngọn núi nọ có một ngôi chùa, trong chùa có một nhà sư trẻ. Mỗi ngày, cậu ta đều siêng năng gánh nước, niệm kinh, gõ mõ, thêm nước vào bình cam lộ trên tay Quan Âm Bồ Tát. Đêm nào, cậu ta cũng thức dậy vài lần để ngăn chuột ăn vụng đồ, cuộc sống trôi qua rất tự tại.

Không lâu sau đó, có một vị nhà sư lớn tuổi đến đây, sau khi nhận được sự đồng ý của nhà sư trẻ, đã sống ở đây luôn.

Ông ấy vừa mới đến chùa, đã uống sạch một nửa số nước. Nhà sư trẻ thấy vậy mới yêu cầu nhà sư lớn tuổi đi gánh nước thêm về, nhưng nhà sư lớn tuổi lại cảm thấy đi gánh nước một mình rất bất lợi cho bản thân, cảm thấy mình phải chịu thiệt thòi, vì vậy yêu cầu nhà sư trẻ đi mang nước về cùng mình.

Thế là ngày nào, hai người cũng phải đi gánh nước cùng nhau. Nhưng để công bằng, hai người quyết định thùng nước phải để ở giữa đòn gánh, như vậy họ mới thấy an tâm. Mặc dù quá trình đi khá phiền phức, nhưng cuối cùng hai nhà sư cũng có nước uống.

Lại qua một đoạn thời gian, đột nhiên xuất hiện một vị nhà sư béo, anh ta vừa đến đã phá tan sự cân bằng này. Nhà sư béo cũng muốn uống nước, nhưng nước trong bình đã hết. Nhà sư trẻ và nhà sư lớn tuổi kêu nhà sư béo tự mình đi lấy nước. Nhưng nhà sư béo vừa lấy nước về xong, đã lập tức uống hết một mình.

Từ đó, ba người họ không ai muốn đi lấy nước nữa, đều đợi đối phương mang nước về. Kết quả, cả ba nhà sư đều không có nước uống. Mỗi lần đọc kinh, họ mạnh ai nấy đọc, mạnh ai nấy gõ mõ, cành dương liễu trong bình cam lộ của Quan Âm đã héo vì không ai thêm nước.

Mỗi tối, những con chuột ra ngoài tìm thức ăn, cả ba người họ đều thấy cả, nhưng chẳng ai quan tâm. Cuối cùng có một hôm nọ, khi mấy con chuột đi kiếm ăn, vô tình làm ngã ngọn nến, lửa lan ra khắp nơi, đốt cháy cả ngôi đền.

Cái này trong tâm lý học, người ta gọi là "vô trách nhiệm tập thể." Bởi vì 3 nhà sư không muốn bỏ công sức, đều ỷ lại và đùn đẩy cho người khác, nên cả 3 đều phải nhịn khát.

Trong một nhóm, mọi người thường hay có tâm lý "phân tán trách nhiệm", nghĩa là khi số người được giao cùng nhiệm vụ tăng lên, ý thức trách nhiệm của những người này lại giảm xuống, vì họ sẽ cảm thấy rằng, dù sao đi nữa cũng không phải chỉ một mình mình chịu trách nhiệm.

Chẳng những bản thân họ không làm việc hết sức, mà cả tập thể người nào cũng vậy, ai cũng không muốn nỗ lực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc, thậm chí đôi lúc còn tạo ra hậu quả nghiêm trọng.

Tại sao 1 + 1 < 2? Hiệu ứng người ngoài cuộc khiến cuộc sống nhiều người không khá lên nổi! - Ảnh 1.

Có một trường hợp như vậy đã từng xảy ra:

Năm 1964, ở New York xảy ra một vụ án mạng. Một nữ quản lý quán bar bị giết gần công viên. Vào lúc đó, có đến 38 cư dân trong khu phố nhìn thấy nữ quản lý bị giết hoặc nghe thấy tiếng cô kêu cứu, nhưng không có ai dám đứng ra giúp đỡ.

Sau đó, trên các phương tiện truyền thông đều lên án sự thờ ơ của những người này. Hiện tượng này trong tâm lý học được gọi là "hiệu ứng người ngoài cuộc", nghĩa là khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, khi có người bị tấn công tại hiện trường, ý thức trách nhiệm của mọi người sẽ bị suy yếu, trở thành một người ngoài cuộc, một người xem lạnh nhạt.

Dưới ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý này, khi số lượng kẻ tấn công tăng lên, ý thức trách nhiệm của mọi người lại giảm xuống càng thấp.

Kiểu tâm lý này thường khiến mọi người trở nên "lười" vì sợ gặp phiền phức, thậm chí dù biết người khác gặp nguy hiểm, cần sự giúp đỡ, vẫn lựa chọn không quan tâm để giữ an toàn cho bản thân, bởi vì họ nghĩ: "Dù tôi không cứu, người khác cũng sẽ cứu."

Cuối cùng, ai cũng không chịu cứu, dẫn đến cái chết của một người vô tội do tình trạng "thờ ơ tập thể."

Khi một người gặp phải vấn đề nào đó, nếu chỉ có một mình họ, vậy họ nhất định sẽ cố gắng tỉnh táo, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân để giải quyết ngay tình huống trước mắt.

Nhưng nếu có nhiều người ở đó, trách nhiệm xử lý vấn đề tất nhiên sẽ phải phân đều cho mọi người, tạo thành "phân tán trách nhiệm".

Tại sao 1 + 1 < 2? Hiệu ứng người ngoài cuộc khiến cuộc sống nhiều người không khá lên nổi! - Ảnh 2.

Dù làm công việc nào cũng vậy, nếu mỗi cá nhân đều giữ nguyên tâm lý này, sẽ làm giảm hiệu quả công việc rất nhiều.

Đối với bất cứ sự việc nào, nếu cá nhân một người lãnh toàn bộ trách nhiệm, tuy nghe có vẻ nặng nề, nhưng chắc chắn họ sẽ không dám buông lỏng, mà sẽ luôn tập trung tinh thần, cho ra thành quả tích cực nhất. Bởi vì một người làm, thành tích dù tốt hay xấu, cũng do bản thân tự lãnh hết.

Ai cũng muốn cống hiến hết sức, nhận phần thưởng cao. Nhưng khi làm tập thể, làm theo nhóm, khó tránh khỏi vài người có "tư tâm", nghĩ rằng bản thân mình dù làm nhiều, phần thưởng cũng quy về của cả nhóm thôi, thế là mặc sức mà "bơi tự do", không nguyện ý làm hết sức mình. Họ trở nên chùn bước và lười biếng, chỉ muốn "bỏ công ít, hưởng lợi nhiều".

Nếu càng nhiều người có suy nghĩ như vậy, thì kết quả của 1 + 1 chỉ có thể < 2. Định luật "càng nhiều người càng mạnh" cũng nên được viết lại.

Do đó, chúng ta không thể chỉ đơn giản tính toán hiệu suất công việc dựa trên số lượng người được.

Mất hai ngày để hai người đào hết một cái mương, nhưng với sự hợp tác của bốn người lại không thể hoàn thành xong con mương trong một ngày.

Qua câu chuyện này muốn nói cho chúng ta biết một điều, trong thực tế, không chỉ phải giỏi tuyển người, còn cần giỏi quản lý tổ chức, cần thông qua một số hệ thống và quy tắc để bất cứ ai cũng phải thực hiện trách nhiệm cá nhân và tập thể một cách nghiêm túc.

Điều này sẽ giúp giảm đi những hành vi vô trách nhiệm của cá nhân và cải thiện hiệu quả chung công việc. Tránh tình trạng nhiều người mà không ai chịu làm việc.

Theo Thiên Tuyết

Trí thức trẻ

Trở lên trên