Tại sao Apple khó rời bỏ Trung Quốc?
Trung Quốc có một hệ sinh thái cung ứng mà Apple khó kiếm được ở nơi khác.
- 30-07-2022Startup fintech SuperAtom gọi vốn 22 triệu USD trong vòng Series C
- 30-07-2022Bị thu hồi sổ hộ khẩu có làm được CCCD gắn chip không?
- 30-07-2022Sắp đến 1/8, chủ phương tiện ô tô có thể nạp tiền thanh toán thu phí không dừng online theo cách dưới đây
Theo hãng tin CNN, Trung Quốc và Apple có một mối quan hệ cực kỳ khăng khít. Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ có nhiều nhà máy sản xuất cho Apple mà còn là thị trường lớn đóng góp cho doanh số nhà táo khuyết.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến một số nhà máy sản xuất cho Apple tại Trung Quốc bị gián đoạn và CEO Tim Cook đã phải cảnh báo vào tháng 4 rằng tình hình này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý III/2022. Thậm chí, với việc tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc còn phức tạp, nhiều chuyên gia đánh giá nỗi đau của Apple sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa.
Đúng như dự đoán, doanh thu của Apple trong quý II/2022 đạt 83 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 36% cùng kỳ năm 2021 và 8% của quý I/2022.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Apple lo lắng về Trung Quốc. Trước khi đại dịch bùng phát 1 năm, nhà táo khuyết đã cảnh báo giảm tốc doanh số iPhone do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Thậm chí Apple cũng đã phải đối mặt với các lời cáo buộc về môi trường lao động tại các nhà máy hợp đồng của họ tại Trung Quốc.
Với những lý do trên, nhiều chuyên gia nhận định Apple có khả năng sẽ tìm đường sống sót bằng cách dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng của họ.
"Không nghi ngờ gì nữa, nhiều hãng công nghệ đang muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Họ không thể mạo hiểm với những rủi ro đức gãy chuỗi cung ứng liên tục như trên được, đồng thời các thương hiệu cũng muốn được kiểm soát tốt hơn với khả năng phục vụ khách hàng của mình. Dẫu vậy, việc dịch chuyển khỏi một thị trường lớn như Trung Quốc là điều không dễ dàng bởi chúng tốn thời gian và cần nhiều vốn đầu tư", CEO Lisa Anderson của LMA Consulting Group nhận định.
Sức mạnh... điện năng
Hãng tin CNN nhận định mối "lương duyên" giữa Apple và Trung Quốc có sự tham dự vô tình của CEO Tim Cook. Vị giám đốc này gia nhập Apple vào năm 1998, chỉ vài năm trước khi Apple bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc.
Tim Cook tại thời điểm đó là người giúp đỡ xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng dưới vai trò COO cho Apple trước khi trở thành CEO vào năm 2011. Đích thân CEO Cook đã có chuyến thăm Trung Quốc vài lần và khẳng định tầm quan trọng của thị trường này với Apple.
Nguồn: BP Statistical Review of World Energy 2020.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Apple (WSJ) nhận định Apple vẫn sẽ có phương án dự phòng khi nguồn tin riêng của họ cho biết vào đầu năm nay, nhà táo khuyết đang dự định tăng cường sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.
"Chuỗi cung ứng của chúng tôi mang tính toàn cầu hóa nên có thể sản xuất ở bất cứ đâu. Chúng tôi vẫn đang xem xét việc tối ưu hóa, học hỏi và thay đổi liên tục mỗi ngày", CEO Tim Cook nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, hãng tin CNN nhận định không dễ gì mà Apple có thể từ bỏ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất nhiều năm phát triển công nghiệp, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực trình độ cao và cả một hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho các thương hiệu như Apple. Điều này khó có thể lặp lại dễ dàng ở những quốc gia khác.
Ví dụ như nguồn cung điện, báo cáo năng lương toàn cầu năm 2020 của BP Statistic Review cho thấy Trung Quốc chiếm đến 27,8% tổng sản lượng điện của thế giới, cao hơn cả Mỹ (6,3%), Ấn Độ (5,8%).
Trong một bài phỏng vấn năm 2015, chính CEO Tim Cook đã phải thừa nhận hệ sinh thái cung ứng tại Trung Quốc là vô cùng dồi dào, giúp giảm chi phí sản xuất so với Mỹ.
Theo chuyên gia Bryan Ma của hãng IDC, dù áp lực dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đang gia tăng nhưng để thực hiện không hề dễ bởi hệ thống sinh thái cung ứng dồi dào tại đây khó lòng có thể xuất hiện ở nơi khác.
"Tôi chắc chắn các công ty có lựa chọn để dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhưng nếu cả chuỗi cung ứng không thể đi theo họ thì bài toán xây dựng nhà máy ở nơi khác là một thách thức quá lớn", chuyên gia Ma nhấn mạnh.
Thị trường lớn
Theo CNN, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Apple ngoài Mỹ đang là rào cản lớn nhất hiện nay khiến nhà táo khuyết khó rời bỏ nền kinh tế này.
Hiện Apple chiếm đến 18% thị phần smartphone của Trung Quốc trong khi quốc gia 1,4 tỷ người đóng góp ¼ doanh số toàn cầu cho nhà táo. Nói cách khác, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chủ chốt cho Apple.
"Apple có quá nhiều lý do để không thể rời bỏ Trung Quốc", chuyên gia Gad Allon của trường đại học Pennsylvania cho biết.
Thậm chí trong một động thái cực kỳ hiếm hoi, Apple gần đây đã giảm giá 600 Nhân dân tệ, tương đương 89 USD cho mẫu iPhone mới nhất trong thời gian có hạn vì lo ngại suy giảm nhu cầu ở Trung Quốc.
Chuyên gia Allon nhận định dù chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày một đắt đỏ đi kèm những rủi ro gián đoạn nhưng Apple giờ đây không có nhiều lựa chọn.
"Ở cấp độ của Apple thì khó có thể tìm kiếm một thị trường đầy đủ nguồn cung ứng, nhân lực... thay thế được như Trung Quốc’, chuyên gia Allon đánh giá.
*Nguồn: CNN, SCMP, Reuters
Nhịp sống kinh tế