Tại sao công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ?
Doanh nghiệp Trung Quốc đơn giản không quan tâm đến những gì chính phủ đang làm. Nửa đầu năm 2018, chỉ có 4 doanh nghiệp công nghệ, viễn thông hoặc truyền thông niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải.
- 02-10-2018Tổng thống Mỹ: Còn quá sớm để đàm phán thương mại với Trung Quốc
- 01-10-2018“Nhân dân tệ sẽ giảm giá thêm 10% nếu Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng Trung Quốc”
- 01-10-2018Lĩnh vực chế tạo sản xuất của Trung Quốc "ngấm đòn" chiến tranh thương mại
Cũng giống như nhiều đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) khác, công ty dịch vụ tin tức Qutoutiao đã có một khởi đầu ấn tượng khi cổ phiếu của công ty bắt đầu giao dịch vào ngày 14/9/2018. Đóng cửa, cổ phiếu tăng đến 128,1%.
Tuy nhiên, Qutoutiao đã không chọn niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải hay Hồng Kông mà chọn niêm yết trên sàn Nasdaq dù nhiều nhà đầu tư tin rằng tên của công ty không hề dễ phát âm và tại Mỹ, cũng hiếm có người từng sử dụng ứng dụng của công ty.
Đối với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc , thị trường Mỹ - nơi Alibaba niêm yết cổ phiếu - vẫn được họ ưu tiên lựa chọn hơn bất chấp việc chính phủ Trung Quốc rất cố gắng để khuyến khích doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán nội địa, theo bài báo mới được Nikkei đăng tải.
Trong năm 2018, số lượng các công ty Trung Quốc chọn niêm yết cổ phiếu trên sàn New York, trong đó đó chủ yếu các công ty công nghệ, cao hơn bất kỳ năm nào tính từ năm 2010. Sắp tới, thị trường sẽ chào đón đợt niêm yết cổ phiếu của Tencent Music, một công ty con của tập đoàn Tencent. Đợt IPO này ước tính sẽ thu về khoảng 2 tỷ USD. Những thông tin về hoạt động IPO của doanh nghiệp Trung Quốc tại New York xuất hiện nhan nhản với tần suất dầy trên truyền thông.
Việc các công ty công nghệ đua nhau niêm yết trên sàn New York diễn ra ở thời điểm giới chức quản lý sàn chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc nới lỏng các quy định liên quan đến IPO để giúp hoạt động niêm yết cổ phiếu diễn ra tại Trung Quốc, đồng thời thu hút các công ty đã niêm yết tại New York trở về Trung Quốc.
Dù đôi khi phải viện đến lý do lòng yêu nước, giới chức Trung Quốc cũng đã thông báo về ý định sẽ nới lỏng các quy định hơn nữa trong những tháng tới.
Và doanh nghiệp Trung Quốc đơn giản không quan tâm đến những gì chính phủ đang làm. Nửa đầu năm 2018, chỉ có 4 doanh nghiệp công nghệ, viễn thông hoặc truyền thông niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải, theo tính toán của công ty tư vấn quốc tế PwC.
Trong khi đó, trên sàn Thâm Quyến, số lượng các công ty niêm yết cổ phiếu giảm xuống 10 từ con số 39 cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn Hồng Kông không thay đổi ở con số 17, theo công ty tư vấn KPMG.
Trưởng bộ phận tài chính của Aurora Mobile, ông Bong Shan-nen, chia sẻ với Nikkei: “Thậm chí chúng tôi chưa từng nghĩ đến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn Trung Quốc hoặc Hồng Kông”. Công ty chuyên phân tích dữ liệu cho ứng dụng trên điện thoại di động này niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq vào tháng 7/2018 và thu về 77 triệu USD.
Ông chỉ ra việc niêm yết trên sàn New York sẽ giúp cho công ty xây dựng được nhận diện thương hiệu trên toàn cầu và tuyển dụng được các nhà khoa học nước ngoài. Đồng thời, nó cũng khiến cho những nhà đầu tư còn hoài nghi về chuẩn quản trị doanh nghiệp trở nên yên tâm hơn.
Còn theo chia sẻ của phát ngôn viên công ty chuyên dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc, Pinduoduo, việc hàng loạt các doanh nghiệp đối thủ như Alibaba, JD.com hay Amazon đều niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ, đương nhiên, công ty cũng sẽ chọn niêm yết cổ phiếu ở Mỹ để thu hút được những nhà đầu tư tốt nhất thế giới.
Việc các thị trường New York có quy mô lớn cũng khiến các công ty phải cân nhắc rất nhiều. Chuyên gia chuyên theo dõi các vụ IPO và đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, ông Tim Atwill, chỉ ra các công ty muốn niêm yết trên một sàn lớn, thanh khoản cao và nhờ vậy mang lại lợi ích tài chính tối đa.
Chất lượng nhà đầu tư cũng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải băn khoăn. Giới đầu tư Hồng Kông thường thích những công ty có dòng tiền ổn định, lợi tức cao chứ không phải những công ty chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, theo phân tích của trưởng bộ phận tài chính công ty dịch vụ gia sư Puxin, ông Peng Wang.
Ông nhấn mạnh nhà đầu tư Mỹ, trái ngược với nhà đầu tư tại Hồng Kông, rất chuyên nghiệp và đa phần là những nhà đầu tư tổ chức chứ không phải nhà đầu tư cá nhân, chính vì vậy họ sẽ tập trung nhiều vào triển vọng dài hạn của doanh nghiệp bạn, và chính chuyên gia phân tích như ông cũng tin rằng nhà đầu tư Mỹ có trình độ hơn.
BizLIVE