MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp?

25-09-2020 - 13:55 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 15/9, Huawei không còn quyền mua bất kỳ con chip nào có sử dụng dây chuyền hay bằng sáng chế của Mỹ nữa. Nhưng chỉ vài ngày sau, AMD và Intel đã lần lượt công bố một quyết định bất ngờ từ Tổng thống Trump: các công ty này có quyền hợp tác kinh doanh với Huawei.

Khi mọi cánh cửa tưởng chừng đã khép lại với Huawei, chính phủ Mỹ đã ném ra một chiếc phao cứu mạng vô cùng bất ngờ. AMD và Intel, 2 ông lớn chip của Mỹ, đã trở thành công ty đầu tiên được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép được "kinh doanh" với Huawei.

Phải tới năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, vũ khí để tận diệt Huawei mới dần lộ rõ khi bắt buộc tất cả các công ty trên toàn cầu phải xin phép nước Mỹ khi muốn bán chip cho Huawei. Vậy, tại sao khi chiến thắng tuyệt đối đã cận kề, ông Trump bỗng dưng lại nương tay?

Không cần phải tận diệt

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp? - Ảnh 1.

Không cần phải "nhổ cỏ tận gốc", nước Mỹ vẫn có thể loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi các vị trí quan trọng trong nền công nghiệp hi-tech toàn cầu.

Thực chất, Huawei không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên bị nước Mỹ kìm kẹp. Năm 2013, một công ty viễn thông lớn khác từ Đại Lục là ZTE cũng bị tổng thống Obama đưa vào danh sách cấm. Cũng như Huawei, ZTE cũng phải chịu các biện pháp kiểm soát ngày một nặng nề và chỉ 1 năm sau đã không còn giữ được vị trí trong top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu.

Lệnh cấm sử dụng Android của Google và lệnh cấm mua chip có sử dụng công nghệ Mỹ đã gây ra tác hại tương tự với Huawei. Mất quyền sử dụng Android có Google Play, YouTube và các dịch vụ Google khác, Huawei mất hoàn toàn đà tiến trên các thị trường quốc tế. Tuy rằng điều này đã gián tiếp giúp Huawei thống trị thị trường quê nhà (và nhờ vậy, chiếm luôn vị trí số 1 toàn cầu), lệnh cấm mua chip được đưa ra vào tháng 5 cũng sẽ chặn nốt đường sống tương lai của gã khổng lồ Trung Quốc. Tính đến ngày 15/9 – là ngày các công ty phải ngừng bán chip cho Huawei, công ty này chỉ kịp tích trữ 8,8 triệu đơn vị chip Kirin dùng cho dòng Mate 40 sắp ra mắt.

Thậm chí, nhiều dòng smartphone Huawei giờ đã rơi vào tình trạng khan hàng và/hoặc hết các màu đang có. Chuỗi cung ứng khẳng định Huawei thậm chí còn sẵn sàng mua chip "vừa ra lò", chưa qua kiểm thử chất lượng. Ming Chi-Kuo, một nhà phân tích thị trường nổi tiếng, cho rằng Huawei có thể từ bỏ kinh doanh smartphone để sử dụng số chip ít ỏi còn lại cho các mục đích thiết yếu hơn – hạ tầng 5G và máy chủ chẳng hạn.

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp? - Ảnh 2.

Đòn đánh từ ông Trump đủ mạnh để Huawei sớm gục ngã trước các đối thủ khác.

Những tín hiệu này có nghĩa rằng, khả năng sản xuất của Huawei đã thực sự bị bóp nghẹt bởi lệnh cấm của nước Mỹ. Trong quý 4 sắp tới và trong cả năm 2021, sức công phá mạnh mẽ từ Apple, Samsung, Xiaomi, OPPO/Vivo... sẽ không hề giảm sút khi các hãng này vẫn được quyền thiết kế và sử dụng những con chip mới nhất, mạnh nhất. Từ vị thế số 1 thế giới, Huawei có thể sẽ sớm trở thành một tên tuổi ngồi chiếu dưới.

AMD và Intel không phải là TSMC 

Nếu đã không cần phải tận diệt Huawei, ông Trump cần nghĩ đến mục tiêu còn lại: đảm bảo quyền lợi cho các công ty Mỹ. Từ khi bắt đầu bị đưa vào danh sách đen, Huawei đã lên tiếng khẳng định rằng mỗi năm hãng này chi trả tới 11 tỷ USD cho các công ty Mỹ. Nếu gã khổng lồ Trung Quốc đã chắc chắn gục ngã, nước Mỹ có thể nghĩ đến chuyện phục hồi một phần trong số doanh thu này.

Vậy, tại sao lại chọn AMD và Intel?

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp? - Ảnh 3.

AMD hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành quân bài chiến lược trong cuộc chiến giữa Trump và Huawei.

Lý do đầu tiên là bởi cả 2 đều là các công ty Mỹ. Vì vậy, chính quyền Trump có thể dễ dàng gây ảnh hưởng lên AMD hay Intel hơn là Samsung hay TSMC (Đài Loan) chẳng hạn. Tuy vẫn mở cho Huawei một con đường sống (vật vờ), thông điệp từ nước Mỹ là hết sức rõ ràng: con đường sống này do Mỹ kiểm soát và có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào.

Ít người nhìn ra được lý do thứ hai, cũng quan trọng không kém: không như TSMC, AMD và Intel không phải là các công ty gia công. Điều có nghĩa rằng ông Trump vẫn đang cắt đứt khả năng tự thiết kế chip của Huawei. Sẽ không có chuyện Huawei tự thiết kế chip rồi đặt hàng gia công từ AMD và Intel.

Thay vào đó, Huawei sẽ phải mua chip do 2 ông lớn từ nước Mỹ kiểm soát toàn bộ. Khối lượng sở hữu chất xám của người Trung Quốc trên mỗi con chip sẽ ngày càng giảm sút, mức độ phụ thuộc vào người Mỹ sẽ càng gia tăng. Nếu như trước đây Huawei có thể dùng Kirin để hiện thực hóa tầm nhìn của riêng mình về AI hay đồ họa chẳng hạn, giờ đây smartphone Huawei/Honor sẽ phải chấp nhận mọi giới hạn công nghệ có trên chip Intel và AMD.

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp? - Ảnh 4.

Trái tim của các thiết bị Huawei sẽ là một con chip do nước Mỹ nắm quyền kiểm soát.

Cán cân quyền lực của nước Mỹ

Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất: đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Intel và AMD sản xuất chip theo kiến trúc ARM, vốn là kiến trúc cốt lõi của smartphone, tablet và nhiều thiết bị điện toán cá nhân khác. Việc dùng chip x86 (kiến trúc phổ biến nhất của chip AMD và Intel) cho smartphone không phải là không thể, nhưng hai công ty Mỹ sẽ phải mất ít nhất là một năm để tạo ra một con chip phù hợp cho thiết bị di động. Trong thời gian tới, Huawei buộc phải phụ thuộc vào số chip mua vội vàng trong thời gian vừa qua. Các vấn đề chất lượng hoàn toàn có thể sẽ xảy ra, và điện thoại Huawei sẽ thua kém đáng kể trước đối thủ.

Kể cả trong trường hợp Intel/AMD có thể chế tạo thành công chip di động cho các dòng smartphone Huawei P hay Honor của tương lai, chắc chắn con chip này cũng sẽ thua kém rất nhiều so với chip Qualcomm, Exynos hay MediaTek ra mắt cùng năm. Một lần nữa, việc Huawei tụt xa lại phía sau Apple, Samsung và các "đồng hương" Trung Quốc trong cuộc chiến smartphone là tất yếu.

Song, AMD và Intel cũng là lựa chọn DUY NHẤT của Huawei vào lúc này. Một số nguồn tin còn cho rằng vì chỉ có AMD và Intel được cấp phép nên Huawei phải tính chuyển sang bán PC và màn hình . Đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn: không như smartphone, PC và màn hình của Huawei chỉ chiếm một phần rất, rất nhỏ trên thị trường Trung Quốc và toàn cầu. Chưa kể, PC và màn hình cũng có doanh thu và lợi nhuận rất thấp, trong khi doanh số smartphone đã liên tục đạt mức 1,5 tỷ đơn vị trong nhiều năm qua.

Tại sao đang bị dồn đến bước đường cùng, Huawei bỗng nhiên được AMD và Intel cùng đưa tay cứu giúp? - Ảnh 5.

Chắc chắn chuyển sang dùng chip AMD sẽ là bước lùi của Huawei, nhưng ông lớn Trung Quốc không có lựa chọn nào khác cả.

Như bạn có lẽ đã nhận ra, trên mọi khía cạnh, bước đi này của ông Trump là sự cân bằng giữa 2 yếu tố đối nghịch: trừng phạt Huawei đủ nặng nề nhưng cùng lúc vẫn giữ được lợi ích cho các công ty Mỹ. Huawei được quyền sống tiếp, nhưng sớm hay muộn gã khổng lồ Trung Quốc này rồi cũng sẽ thu nhỏ thành một dấu chấm nhỏ trong cuộc chiến smartphone mà thôi.

Theo Liam

Pháp Luật và Bạn đọc

Trở lên trên