MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Donetsk và Luhansk lại quan trọng đối với cả ông Putin và phương Tây?

23-02-2022 - 16:40 PM | Tài chính quốc tế

Tại sao Donetsk và Luhansk lại quan trọng đối với cả ông Putin và phương Tây?

Việc Nga công nhận các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ly khai của Ukraine đã làm gia tăng những sóng gió ở một vực vốn đã nhiều căng thẳng trong 8 năm qua.

1. Donetsk và Luhansk ở đâu?

Từ lâu, Don Cossacks là khu vực miền Đông Ukraine, nằm dưới quyền kiểm soát của Đế chế Nga vào giữa thế kỷ 18. Sau khi phát hiện bể than khổng lồ, nó được gọi là Donbas. Than đã thu hút ngành công nghiệp khai mỏ và những người Nga tới định cư từ giữa thế kỷ 19, biến Donetsk và Luhansk trở thành trung tâm công nghiệp của Ukraine.

Với rất đông dân số nói tiếng Nga, Donbas sau đó trở thành khu vực hậu thuẫn ông Viktor Yanukovych - vị cựu tổng thống Ukraina gốc Nga, sinh ra ở Donetsk, đã bị lật đổ vào năm 2014 do chính biến.

Sau khi chính quyền của ông Yanukovych bị lật đổ, các lực lượng ly khai - được phương Tây cho là có sự hậu thuẫn của Nga - đã giành quyền kiểm soát phần lãnh thổ nằm dọc theo biên giới giữa Nga với Ukraine. Các sự kiện đó xảy ra đồng thời với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Lực lượng ly khai kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ của hai tỉnh Donetsk và Luhansk, lập nên hai nhà nước tự xưng là Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hoà Nhân dân Luhansk. Chưa có quốc gia nào công nhận hai nhà nước này cho tới khi Nga có động thái công nhận vào ngày 21/2.

Tại sao Donetsk và Luhansk lại quan trọng đối với cả ông Putin và phương Tây? - Ảnh 1.

2. Rắc rối bắt đầu như thế nào?

Sau khi ông Yanukovych bị lật đổ trong cuộc đảo chính mà Nga cáo buộc do phương Tây hậu thuẫn, Crimea tổ chức trưng cầu dân ý và trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Những người phản đối chính phủ Kiev mới thân phương Tây đã cố gắng tham gia vào sự kiện đó bằng cách giành quyền kiểm soát ở các thành phố khác trên khắp các vùng phía đông và nam của Ukraine. Nhưng lần này có sự phản kháng.

Các cuộc đụng độ nổ ra và một cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở Donbas. Nga phủ nhận các cáo buộc rằng họ đã kích động các cuộc biểu tình. Trên thực tế, có nhiều người trong khu vực muốn có mối quan hệ bền chặt hơn với Nga, mặc dù họ không muốn tham gia hoặc chiến đấu. Một trong những chỉ huy đầu tiên của lực lượng ly khai, Igor Girkin, hay còn được gọi là Strelkov, là một công dân Nga, người đã tham gia vào chiến dịch bảo vệ Crimea của Moscow.

3. Tại sao Nga lại tập trung vào khu vực này?

Ít nhất từ năm 2007, ông Putin đã nói rõ rằng ông không chấp nhận cấu trúc an ninh do Mỹ thống trị thời hậu Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, ông đã cố gắng tạo ra một phạm vi ảnh hưởng cho Moscow trong không gian của Liên Xô cũ, đẩy lùi những nỗ lực của các nước láng giềng của Nga trong việc gia nhập hoặc liên kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thay vào đó, ông đã cố gắng xây dựng các tổ chức tương đương do Nga lãnh đạo - Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Liên minh Á - Âu. Nga kịch liệt phản đối Ukraine gia nhập NATO, điều mà Chính quyền Kiev đang nỗ lực thúc đẩy.

4. Không phải Nga nói rằng họ muốn thực hiện Hiệp định Minsk?

Đúng vậy. Trong bảy năm, Nga đã cố gắng để Ukraine thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk II 2015, được ký kết sau khi Kiev thất bại trên chiến trường. Cách giải thích của Nga về các hiệp định sẽ liên kết Ukraine đến mức Moscow - thông qua các nhà lãnh đạo thân Nga của Donetsk và Luhansk - sẽ có thể tác động hoặc ngăn chặn sự thay đổi trong định hướng của Ukraine.

Đồng ý thực hiện các hiệp định như Nga muốn sẽ được coi là đầu hàng và nguy hiểm về mặt chính trị đối với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Chính vì thế, Ukraine đã đưa ra cách giải thích riêng của mình về cách thực hiện các thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, bằng cách công nhận các lãnh thổ ly khai là các quốc gia độc lập, ông Putin đã khiến các thỏa thuận không còn phù hợp.

Một thoả thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine đã duy trì hơn 7 năm, nhưng luôn trong trạng thái mong manh, mỗi năm bị vi phạm tới hàng nghìn lần – theo các giám sát viên quốc tế. Với hàng trăm nghìn quân Nga đang tập trung ở khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine hiện nay, xung đột âm ỉ bấy lâu nay rất dễ bùng nổ thành một cuộc xung đột quân sự trên diện rộng. Nga đã cấp hộ chiếu cho cư dân ở các vùng ly khai này, nên bất kỳ mối nguy nào đối với sinh mạng của họ cũng có thể trở thành cớ để Nga có hành động xa hơn.

5. Giá trị của các tỉnh đó như thế nào?

Các lãnh thổ ly khai hiện nay chủ yếu có giá trị đối với nước ngoài ở chỗ gây ra sự gián đoạn cho Ukraine, cắt đứt các liên kết giao thông quan trọng và chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra các rủi ro chính trị làm tăng chi phí đi vay và ngăn cản các nhà đầu tư ở phần còn lại của đất nước.

Các vùng lãnh thổ sản xuất than và là nơi có một số nhà máy lớn, nhưng nền kinh tế ở đó phần lớn đã bị phá hủy, với khoảng 14.000 người đã bị thiệt mạng do chiến tranh, theo thống kê của Ukraina. Một số lớn dân cư ở đó đã chạy trốn khỏi các vùng lãnh thổ này vì các cuộc giao tranh và thiếu pháp quyền, rời sang Ukraine hoặc Nga. Một nghiên cứu năm 2020 ước tính chi phí tái thiết là 21,7 tỷ đô la.

6. Các quốc gia mới sẽ hình thành như thế nào?

Điều đó vẫn chưa rõ ràng. Những người ly khai nắm giữ khoảng 1/3 tỉnh Donetsk và Luhansk, 2/3 còn lại phía sau chiến tuyến dài khoảng 450 km (280 dặm) được bảo vệ bởi khoảng 30.000 binh sĩ Ukraine. Các chính phủ ly khai, do Denis Pushilin lãnh đạo ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Leonid Pasechnik ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk, tuyên bố toàn bộ khu vực Donbas thuộc về lãnh thổ của họ. Các tài liệu được ông Putin ký vào ngày 21/2 không xác định mức độ của các lãnh thổ này.

7. Tại sao phương Tây quan tâm đến khu vực này?

Ông Putin đang yêu cầu tái cấu trúc toàn bộ cơ sở hạ tầng an ninh của châu Âu và đến nay đã thay đổi 4 lần các biên giới xuất hiện sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ - hai lần ở Gruzia và  hai lần ở Ukraine (Crimea và Donbas). Ông cũng đã xây dựng một liên minh chặt chẽ hơn với nhà lãnh đạo nổi tiếng của Belarus, Alexander Lukashenko, với kết quả là quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tập trận ở Belarus gần biên giới Ukraine.

Đó là điều đáng lo ngại đối với các nước láng giềng Baltic và Ba Lan, những nước đã bắt đầu yêu cầu NATO hiện diện mạnh mẽ hơn để đáp trả, ngay cả khi chỉ một số ít nhà phân tích tin rằng Nga sẽ mạo hiểm để đụng độ với NATO.

Theo giới quan sát, Nga muốn Donetsk và Luhansk giành được quyền tự trị để hai vùng này có thể phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Kiev nhằm xích lại gần hơn với phương Tây. Một sự phủ quyết như vậy đồng nghĩa với một cuộc "tự sát chính trị" đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đang chật vật vực dậy tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng.

Ông Volodymyr nói với các nhà ngoại giao rằng Ukraine cần một "triển vọng rất rõ ràng" về khả năng trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh này tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm trở thành một thành viên. Trong khi đó, yêu cầu lớn nhất mà ông Putin đưa ra trong vấn đề Ukraine là nước này không bao giờ trở thành thành viên NATO.

Ngoài ra, phương Tây cũng đã rót nhiều tiền vào Ukraine và có nhiều lợi ích ở nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hỗ trợ Ukraine, Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp hàng tỷ USD vốn vay và EU và Mỹ đã bảo lãnh nhiều khoản vay và viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vượt qua cả căng thẳng sau khi Nga sáp nhập Crime và xung đột trước đó ở miền Đông Ukraine.

Tham khảo: Washington Post

https://cafef.vn/tai-sao-donetsk-va-luhansk-lai-quan-trong-doi-voi-ca-ong-putin-va-phuong-tay-20220223095109723.chn

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên