Tại sao đồng nhân dân tệ sụt giá?
Việc đồng nhân dân tệ giảm nhanh không khỏi khiến nhiều người lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể đang tham gia vào trò chơi đua giảm giá đồng nội tệ, thực tế ra sao?
- 20-07-2018Nhân dân tệ lao dốc sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá mạnh nhất 2 năm
- 12-07-2018Nhân dân tệ xuống dưới ngưỡng quan trọng, thị trường hồi hộp chờ phản ứng của PBOC
- 12-07-2018Chiến tranh thương mại cản bước hành trình soán ngôi USD của đồng nhân dân tệ
- 04-07-2018Chứng khoán châu Á rơi xuống thấp nhất 9 tháng bất chấp nhân dân tệ đã hồi phục
Từ tháng 4/2018, đồng nhân dân tệ đã giảm gần 8% so với đồng USD. Điều này không khỏi khiến nhiều chuyên gia phân tích và chính trị gia đồn đoán rằng Trung Quốc đang cố tình giảm giá đồng nhân dân tệ để bù đắp cho những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ, thực ra không hẳn hoàn toàn như vậy, theo khẳng định của Bloomberg trong bài báo được đăng tải mới đây.
Trên lý thuyết, giá trị của đồng nhân dân tệ được quyết định bởi một giỏ khoảng 20 loại tiền tệ, phần lớn trong số đó được neo tỷ giá vào đồng USD hoặc có mối liên quan trực tiếp đến tỷ giá đồng tiền này. Kết quả, giá trị của đồng nhân dân tệ thường biến động ngược chiều với chỉ số USD. Khi đồng USD tăng giá, đồng nhân dân tệ giảm giá và ngược lại.
Những tuần gần đây, tuy nhiên đồng nhân dân tệ giảm giá nhanh. Trước khi Mỹ áp chính sách thuế mới và đồng USD đang tăng giá, Trung Quốc dường như cố gắng giữ đồng nhân dân tệ trên ngưỡng dự báo bởi giỏ tiền tệ.
Thế nhưng kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân tệ giảm nhanh, xuống gần với mức đúng theo biến động của giỏ tiền tệ. Việc đồng nhân dân tệ giảm nhanh không khỏi khiến nhiều người lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể đang tham gia vào trò chơi đua giảm giá đồng nội tệ.
Nếu xem xét kỹ hơn các con số, chắc hẳn bạn sẽ không còn nỗi sợ hãi trên. Từ tháng 1/2018, chỉ số đồng USD đã tăng 8,5%, trong khi đó đồng nhân dân tệ mới giảm giá 6,1% so với đồng USD.
Cùng thời gian trên, chỉ số MSCI của đồng tiền các nước mới nổi giảm 6,4% - gần tương đương với mức giảm của đồng nhân dân tệ, đồng thời nó cũng khiến người ta thấy rằng đồng nhân dân tệ lẽ ra cần giảm thêm chút nữa mới tương đương với mức giảm của chỉ số toàn thị trường.
Ngoài ra, ngay cả khi đồng nhân dân tệ giảm giá, Trung Quốc vẫn đón thêm 32 tỷ USD vốn. Thặng dư này kết hợp với việc đồng nhân dân tệ giảm giá cho thấy đơn giản Trung Quốc đang neo giá trị của đồng nội tệ vào giỏ này.
Quan trọng hơn, không có khả năng Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ giảm sâu và đều đặn. Trung Quốc chắc chắn không muốn kịch bản sau xảy ra: người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phải mua hàng hóa giá cao hơn khi thuế tăng lên và sức mua yếu đi khi đồng nội tệ mất giá. Theo nghiên cứu gần đây, Trung Quốc thường cố gắng hạn chế biến động của đồng nhân dân tệ khi đồng tiền này chạm ngưỡng 6,9 nhân dân tệ/USD ở ngưỡng dưới hoặc 6,3 nhân dân tệ/USD ở ngưỡng trên.
Rủi ro đối với tình hình tài chính ở Trung Quốc cho đến nay luôn nằm ở hướng chính sách tiền tệ của Mỹ. Khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rằng họ sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD tiếp đó sẽ tăng giá, đồng nhân dân tệ giảm giá, chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ - Trung Quốc dưới mức 1%, tình hình sẽ còn khó khăn với Trung Quốc hơn nữa.
Vấn đề đối với Trung Quốc hiện nay nằm ở việc khẳng định rõ ý định của Trung Quốc với công chúng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho đến nay thường công bố chính sách một cách gây nhiều bất ngờ và không giải thích cụ thể.
Trong những giai đoạn có nhiều biến động, sự im lặng đó thường làm nảy sinh ra nhiều đồn đoán. Thật ra, có quá ít lý do để tin rằng Trung Quốc đang hạ giá đồng nội tệ để bù lại tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Trump, và Trung Quốc cũng không có ý định sớm làm như vậy. Thị trường hẳn sẽ yên tâm hơn với điều này.
BizLIVE