Tại sao giá vé máy bay hiện nay lại đắt tới vậy, cao tới hơn 30% so với trước đại dịch?
Câu chuyện không đơn giản chỉ nằm ở giá xăng.
- 29-04-2022Nhiều người bị 'hớ' khi đặt mua vé máy bay sớm, giá vé sát nghỉ lễ rẻ bất ngờ chỉ còn 1/3
- 26-04-2022Giá vé máy bay tăng chóng mặt dịp 30/4 - 1/5
- 25-04-2022Vé máy bay nghỉ lễ 30/4-1/5: Cao nhưng trong khung giá
Theo hãng tin Bloomberg, thế giới chỉ bàn tán về đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Giờ đây khi đại dịch dần trôi qua và nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại thì một vấn đề mới lại xuất hiện: Giá vé máy bay quá đắt.
Vô số người tìm kiếm vé máy bay để đi lại, du lịch sau 2 năm giãn cách, thế nhưng hoặc là họ không tìm được vé hoặc giá cả quá cao.
"Nhu cầu đi máy bay là cực kỳ lớn nên giá vé máy bay có thể sẽ cao hơn 30% so với thời kỳ trước đại dịch. Hiện bất kể là ghế ngồi hạng sang hay hạng thường đều kín chỗ", CEO Ed Bastian của hãng hàng không Delta Air Lines nhận định.
Giá vé máy bay tăng cao ở Mỹ
Hãng tin Bloomberg cho biết tình trạng tăng giá vẽ đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng một số khu vực thì căng thẳng hơn. Ví dụ tại Hong Kong, giá vé bay đi London của hãng Cathay Pacific Airway trong tháng 6/2022 đã lên đến 42.051 Dollar Hong Kong (HKD), tương đương 5.360 USD, cao gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch. Tương tự, giá vé máy bay thẳng từ Bnew York đi London cũng đã tăng tới hơn 2.000 USD.
"Giá vé máy bay hiện nay quá đắt đỏ", chuyên viên du lịch Jacqueline Khoo nhận định.
Công ty của cô Khoo đã phải trả 5.000 Dollar Singapore (SGD), tương đương 3.632 USD cho chuyến bay từ đây đến Hamburg, cao hơn nhiều mức 2.000 USD trước đại dịch.
Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Mastercard Economics cho thấy chi phí hàng không tại Singapore đã tăng bình quân 27% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm 2019. Con số này tại Australia là hơn 20%.
Vậy tại sao giá vé hàng không lại đắt đỏ như vậy?
1. Thiếu cung
Hãng tin Bloomberg cho rằng việc nhiều hãng hàng không quá cẩn trọng trong việc trở lại thị trường là nguyên nhân đầu tiên khiến giá vé máy bay đắt đỏ vì thiếu cung. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng rủi ro suy thoái, lạm phát vẫn còn đó và việc tung lượng lớn máy bay, hao tốn thêm chi phí trong thời điểm này chưa chắc đã là quyết định sáng suốt.
Ngoài ra, các hãng hàng không đang chuyển từ sử dụng những máy bay to sang các loại tiết kiệm xăng hay có hiệu suất cao nhiều hơn. Hệ quả là những dòng máy bay A380 khổng lồ hay Boeing 747-8 vẫn bị cất kho, thay vào đó là các dòng A350 và Boeing 787 Dreamliner nhỏ hơn.
Thêm nữa, nhiều thị trường như Trung Quốc cũng chưa hoàn toàn mở cửa trở lại, khiến ngành hàng không càng cẩn trọng hơn với tình hình giá xăng và lạm phát khiến chi phí tăng cao như hiện nay.
Khu sân bay bảo dưỡng TARMAC, nơi hãng hàng không xếp kho các máy bay
Một nguyên nhân nữa khiến ngành hàng không thiếu cung là sau 2 năm chống dịch, chính phủ và các doanh nghiệp cần thời gian để chuyển mình, từ bỏ chính sách đóng cửa để kích thích lại nền kinh tế, dỡ bỏ lệnh giãn cách để xây dựng lại đội bay.
"Chúng ta mới ở điểm khởi đầu thôi, giờ mới là tháng 6 và ngành hàng không vẫn chưa hoàn toàn khôi phục trở lại", giám đốc Subhas Menon của Liên đoàn hàng không Châu Á Thái Bình Dương (AAPA) nhận định.
Thêm nữa, nhiều hãng hàng không cũng đã phải cắt giảm mạng lưới vận tải trong mùa dịch để hạ chi phí, đơn cử như hãng Cathay tại Hong Kong, nên giờ đây nhiều chuyến bay phải quá cảnh chứ không thể bay thẳng như trước. Chính điều này đã gián tiếp đẩy giá vé lên cao hơn so với trước dịch.
2. Giá xăng
Xin được nhắc là nhiên liệu hiện chiếm đến 38% tổng chi phí bình quân của ngành hàng không hiện nay, cao hơn nhiều so với mức 27% trước đại dịch. Với một số hãng hàng không giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên đến 50% khi giá xăng dầu phi mã.
Lấy ví dụ tại New York, giá xăng máy bay đã tăng hơn 80% từ đầu năm đến nay. Dù mức tính lệ phí và thuế ở từng bang là khác nhau nhưng nhiều hãng hàng không Mỹ đã buộc phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.
Tại Châu Á, phần lớn các hãng hàng không đều không có quỹ dự phòng giá xăng dầu nên họ rất nhạy cảm khi chi phí nhiên liệu biến động.
3. Du lịch trả thù
Theo Bloomberg, 2 năm bị giãn cách đã khiến người dân tích lũy được lượng tiền lớn và khi nền kinh tế mở cửa, họ bắt đầu dùng quỹ du lịch của mình để đi chơi trở lại, bất kể giá vé có đắt ra sao. Chuyên gia Hermione Joye của hãng du lịch Asia Pacific nhận định đây là hành vi "du lịch trả thù" do chịu ảnh hưởng từ tâm lý tù túng sau 2 năm giãn cách.
Người dân xếp hàng tại sân bay Schiphol-Amsterdam-Hà Lan
Hệ quả của hành vi này là không chỉ cầu cao mà hành khách còn sẵn sàng chấp nhận mức giá vé cao để thỏa mãn khát vọng đi chơi của mình, qua đó đẩy giá vé lên cao hơn nữa.
4. Thiếu nhân viên
Ngoài lý do chi phí xăng dầu, việc ngành hàng không thiếu nhân viên cũng là một yếu tố khiến giá vé đắt đỏ. Sau 2 năm giãn cách và phải giảm công suất, hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên, chuyên viên kỹ thuật... đã mất việc làm và phải chuyển sang ngành nghề khác. Thế rồi khi nhu cầu bật tăng trở lại, các hãng hàng không khó có thể tuyển dụng ồ ạt để lấp chỗ trống ngay được bởi những nhân viên cũ đã có công việc khác.
Ví dụ như ở sân bay Changi Airport thuộc Singapore, vốn từng được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới, đang phải đăng tuyển thêm 6.600 lao động. Rất nhiều cựu nhân viên không trở lại làm việc vì đã tìm được công việc khác, trong khi nhiều người tìm thấy được ưu tiên mới cho gia đình hơn là quay lại làm việc.
Tình hình tại Changi nghiêm trọng đến nỗi họ đã phải tuyên bố trả khoản thưởng 25.000 SGD cho những tình nguyện viên bán cảnh sát, vốn là công việc chỉ có mức lương tối đa 3.700 SGD/tháng, chuyển đến làm việc.
Tại Mỹ, tình hình còn thê thảm hơn khi các hãng hàng không nhỏ lẻ không thể chạy hết công suất do các phi công đã bị những hãng lớn thuê hết. Tại Anh, hàng trăm nghìn chuyến bay đã bị hủy, trì hoãn do thiếu phi công hoặc máy bay.
Tại Châu Âu, các sân bay lớn đều đang phải đối mặt rủi ro hoãn hoặc hủy chuyến do thiếu chuyên viên mặt đất.
5. Ngành tốn kém
Hãng tin Bloomberg cho rằng hàng không là một ngành tốn kém, thường gặp áp lực tài chính cao khi chi phí mỗi chuyến bay chẳng hề rẻ, chưa để đến giá thuê/mua máy bay, chi phí nhân công, bảo hiểm, lệ phí đáp đỗ, giá xăng... Hệ quả là lợi nhuận của ngành này khá mỏng và rủi ro thì khá lớn.
Trong 3 năm trước năm 2022, ngành hàng không đã lỗ hơn 200 tỷ USD vì đại dịch.
Với tình hình đó, các hãng sẽ buộc phải nâng giá vé để bù đắp những chi phí trước đây nhằm hồi phục nhanh hơn. Các khoản vay nợ, những chiếc máy bay bị thế chấp hay cho nằm đắp chiếu sẽ khó lòng được giải quyết nếu không tăng giá vé.
*Nguồn: Bloomberg
Nhịp Sống Kinh Tế