Tại sao Giày Thượng Đình lại đánh mất hào quang khi từng là một thương hiệu nổi tiếng trong quá khứ?
Trước khi đột nhiên "dậy sóng" trên mạng xã hội nhờ ca sỹ Hiếu Thứ Hai, Giày Thượng Đình là một thương hiệu không nằm trong sự lựa chọn của đa số các bạn trẻ. Hoạt động kinh doanh của công ty những năm gần đây cũng gặp khó khăn khi lỗ nhiều năm liên tiếp và đối mặt với rủi ro thanh khoản khi vốn lưu động ròng âm.
- 15-03-2023Các thương hiệu giày nội địa và những bước chuyển mình: Biti's 'tái sinh' từ MV của Sơn Tùng MTP, giày Thượng Đình thành xu hướng được GenZ cưng hết mực
- 13-03-2023Không phải đôi giày đang gây bão của HIEUTHUHAI, đây mới là đôi giày quốc dân của Thượng Đình, nhìn qua là cả một trời ký ức ùa về
Được thành lập từ năm 1957, Giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục Quân Nhu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng và trở thành một thương hiệu khó quên của nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt.
Năm 2015, Giày Thượng Đình quyết định IPO trên sàn HNX và chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2016. Từ khi cổ phần hoá đến nay, vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 93 tỷ đồng. Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội hiện vẫn đang nắm giữ 68,67% cổ phần công ty.
Nhìn lại số liệu tài chính công bố trong 5 năm gần nhất, Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (UPCOM: GTD) đã có một chuỗi giảm dần về doanh thu, khi từ mức doanh thu 198 tỷ đồng năm 2017 về 104 tỷ đồng năm 2021. Cũng cần phải lưu ý, 2 năm 2020 - 2021 hoạt động kinh doanh của GTD nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid.
GTD lỗ liên tiếp từ 2017 đến 2021, mức lỗ nặng nhất là 17 tỷ đồng vào năm 2018 và giảm lỗ còn chưa đến 1 tỷ đồng năm 2021. Đến 31/12/2021, lỗ lũy kế của Giày Thượng Đình lên tới 49 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GTD 2017 - 2021 (Fireant)
Giày Thượng Đình là một thương hiệu đã có 25 năm lịch sử và từng rất quen thuộc với thế hệ 8x và thế hệ đầu 9x. Thế nhưng, khi sự cạnh tranh ngày một nhiều lên từ các thương hiệu trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu, thị phần giày Thượng Đình ngày một thu hẹp.
Người ta nhắc nhiều đến những nguyên nhân như chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm đa dạng, tính thẩm mỹ và thời trang không cao, thiếu những chiến dịch quảng cáo tiếp cận khách hàng,... Trong phạm vi bài viết này sẽ đề cập thêm một khía cạnh khác, đó là năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thể hiện qua hệ thống máy móc thiết bị đang sử dụng.
Báo cáo tài chính thể hiện, nguyên giá máy móc thiết bị (gọi tắt là MMTB) của GTD tại 31/12/2021 là 29,4 tỷ đồng, giá trị còn lại là 27,4 tỷ đồng. Theo thuyết minh, nguyên giá TSCD đã khấu hao hết vẫn còn sử dụng là 31,6 tỷ đồng.
Hệ thống máy móc thiết bị tại GTD được khấu hao theo phương pháp đường thẳng, từ 5-10 năm, nghĩa là những máy móc đã khấu hao hết nhưng vẫn phục vụ sản xuất có tuổi đời ít nhất trên 5 năm hoặc 10 năm.
Theo thống kê, trong vòng 5 năm từ 2017-2021, GTD chỉ sắm mới thêm 853 triệu đồng MMTB. Có năm, doanh nghiệp không mua sắm thêm MMTB nào như 2020, hay chỉ mua sắm vài chục triệu (2019: 60 triệu đồng; 2018: 79,5 triệu đồng). Năm 2021, GTD sắm mới nhiều nhất, có 606 triệu đồng máy móc thiết bị mới được ghi nhận trong năm này.
Hình ảnh Hiếu Thứ Hai mang đôi giày bata được cho là của thương hiệu Thượng Đình đã gây bão trên mạng xã hội
Bên cạnh những khó khăn, hạn chế, phải thừa nhận rằng Giày Thượng Đình vẫn còn rất nhiều lợi thế.
Đầu tiên, là một thương hiệu có lịch sử 25 năm , Giày Thượng Đình vẫn có đối tượng khách hàng riêng của mình với mức giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/sản phẩm. Đây là mức giá "bình dân" đối với một thương hiệu "có số má" so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2016, giày Thượng Đình chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM với mã chứng khoán GTD, vốn hóa trên thị trường khi đó đạt hơn 400 tỷ đồng, tương đương cổ phiếu có thị giá 43.000 đồng/cp.
Về mẫu mã, giày Thượng Đình thường ít được đánh giá cao về kiểu dáng mẫu mã. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, từ bài đăng của nam rapper Hiếu Thứ Hai với đôi giày trắng sọc đỏ trên mạng xã hội đầu tháng 3, khá đông bạn trẻ đã săn lùng sản phẩm của thương hiệu này, khiến cho lượng bán trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh, thậm chí hết hàng.
Mẫu giày được rapper này sử dụng vốn là của một thương hiệu khác, tuy nhiên có kiểu dáng khá giống với một mẫu giày của giày Thượng Đình. Hình ảnh trẻ trung, năng động cùng vẻ ngoài điển trai của Hiếu Thứ Hai đã thu về tới 74.000 lượt yêu thích trên Facebook và 125.000 lượt thích trên Instagram.
Bên cạnh sản xuất trong nước, GTD cũng có những đơn hàng xuất khẩu (có thể là gia công)
" Những tháng cuối năm 2021, Công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn của Công ty đã được thanh toán trước hạn và BTG Công ty cam kết duy trì hoạt động trong thời gian tới " - Trích ý kiến kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán AFCVN.
Cuối cùng, một lợi thế rất lớn, không thể không nhắc đến quỹ đất "vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đông đúc của Hà Nội.
Có thể điểm mặt như khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Hay khu đất 17.587m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, khu đất 18.403m2 tại khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Minh, Hà Nam, thời hạn thuê đến 2054… Các khu đất thuê tại phố trung tâm Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội và Hạ Đình, Thanh Xuân.
Tuy nhiên, trước đây những khu đất "vàng" là yếu tố giúp công ty thu hút nhà đầu tư thời điểm mới IPO thì nay lại trở thành gánh nặng trong việc thoái vốn nhà nước. Bởi việc nắm giữ quỹ đất có giá trị lớn khiến công tác định giá, sắp xếp và xử lý đất đai của công ty gặp nhiều khó khăn.
Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Công ty cổ phần Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.
Nhịp sống thị trường