MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao giới trẻ cùng những chiếc smartphone lại trở thành cơn ác mộng của ngành ngân hàng?

07-05-2019 - 08:19 AM | Tài chính quốc tế

Không chỉ là Alipay, WeChat Pay ở Trung Quốc mà những quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc cũng bắt đầu triển khai các dịch vụ thanh toán trên điện thoại, thu hút được nhóm khách hàng chủ yếu là "digital native" dưới 30 tuổi.

Meet the Cow là cửa hàng bán trà sữa của Peng Xuia tại Hàng Châu, Trung Quốc. Khách hàng ở đây chủ yếu là khách vãng lai, nhưng số lượng đơn đặt hàng từ xa qua điện thoại lại ngày càng tăng. Gần đây, Xuia đã đăng ký sử dụng một chương trình kinh doanh nhỏ của Ant Financial và khách hàng có thể đặt hàng trước bằng cách sử dụng ứng dụng thanh toán của Alipay hay Ant. Theo đó, cô nhận thấy số lượng khách hàng đã tăng lên từ khoảng 50 lên gần 70 khách/ngày. Thủ tục thanh toán cực kỳ dễ dàng, chỉ cần quét mã QR.

Tại một khu vực khác ở Hàng Châu, Zeng Ping'en nhìn quanh cửa hàng xe máy điện của mình với vẻ mặt đầy tự hào. Anh sử dụng một khoản vay từ Mybank - ngân hàng số của Ant, để trang trí lại cửa hàng. Thủ tục vay chỉ mất vài phút, anh nói: "Chỉ một cú click trên điện thoại là tôi đã nhận được tiền". Hơn nữa, điều kiện rút tiền và trả tiền cũng cực kỳ thuận tiện, lãi suất chỉ là vài NDT mỗi ngày - hoàn toàn hợp lý với những người như Ping'en. Các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc hầu hết chỉ tạo điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp, nên nếu không có Mybank thì Ping'en phải đi vay bạn bè, người thân.

Tại sao giới trẻ cùng những chiếc smartphone lại trở thành cơn ác mộng của ngành ngân hàng? - Ảnh 1.

Ant là công ty Fintech của Alibaba. Khi Alibaba phát triển, lĩnh vực thanh toán của họ bắt đầu cho phép thực hiện những giao dịch giữa người với người và sau đó là hỗ trợ mua hàng tại các cửa hàng vật lý. Alipay được thành lập vào năm 2011 và đổi tên thành Ant Financial. Hiện tại, đây là một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới. Ở vòng huy động vốn gần đây nhất hồi năm ngoái, Ant được định giá tới 150 tỷ USD. Alibaba cho biết sẽ mua 33% cổ phần của công ty này.

Đối thủ của Ant là WeChat Pay của WeChat - ứng dụng nhắn tin hàng đầu của Trung Quốc. WeChat Pay và Alipay đã thay đổi hình thức thương mại cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, tạo điều kiện cho họ sử dụng phương thức thanh toán qua điện thoại bằng cách quét mã QR, bỏ qua hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Tất cả mọi thứ đều có thể thực hiện qua những ứng dụng này, kể cả mua vé máy bay, vé tàu, vé xem phim, gọi taxi, trả tiền điện, đặt đồ ăn và rất nhiều hoạt động khác.

Trong 5 năm qua, Ant đã phát triển không chỉ trong lĩnh vực thanh toán hay các dịch vụ tài chính khác. Năm 2013, họ cho ra mắt quỹ MMF có tên Yu'e Bao (tích trữ kho báu), chỉ bằng một cú click chuột, người dùng có thể hưởng khoản lợi nhuận trên số dư của tài khoản Alipay bằng cách gửi tiền vào Yu'e Bao. Tính đến tháng 3/2018, quỹ này đã nắm giữ khối tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ NDT (250 tỷ USD), đưa Yu'e Bao trở thành một trong những quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới.

Năm 2015, Ant bắt đầu cung cấp dịch vụ tín dụng xoay vòng. Năm sau đó, Mybank ra đời - đây là dịch vụ sử dụng dữ liệu của Alipay để đặt ra mức lãi suất và hạn mức tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ. Cùng năm đó, Ant Fortune được "trình làng", cho phép người dùng truy cập Yu'e Bao cùng các quỹ tiền số khác và một loạt những sản phẩm quản lý tài sản từ 30 công ty.

Cơn ác mộng của ngành ngân hàng

Quá bất ngờ về sự bành trướng của Ant, trong vài năm qua, các nhà quản lý của Trung Quốc phải tìm cách kìm chế tốc độ phát triển của họ, đưa ra hạn mức hàng ngày đối với các giao dịch trong Alibay và giới hạn lượng truy cập - thoát ra của Yu'e Bao. Tương tự, các cơ quan quản lý ở nước ngoài cũng dè chừng với tham vọng của Ant. Năm ngoái, Mỹ đã chặn thương vụ thâu tóm MoneyGram của Ant, bởi đây là công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền có thể sử dụng tại 350 nghìn cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu và còn là một công ty có tiếng ở Mỹ - thị trường Fintech lớn nhất thế giới.

Tại sao giới trẻ cùng những chiếc smartphone lại trở thành cơn ác mộng của ngành ngân hàng? - Ảnh 2.

Thương vụ thất bại này khiến Alibaba phải thay đổi chiến lược. Ở quê nhà, đội ngũ lãnh đạo của Ant đang thảo luận về việc, hỗ trợ những "ông lớn" ngành ngân hàng, tìm kiếm những đối tượng khách hàng mới và trở nên nhanh nhạy hơn. Kế hoạch bành trướng ra nước ngoài cũng được cân nhắc lại. Hiện tại, công ty này đang tập trung vào việc cho phép người Trung Quốc sử dụng Alipay ở nước ngoài, ứng dụng này hiện đã có mặt ở 54 quốc gia và hàng trăm nghìn cửa hàng. Hơn nữa, họ cũng mở rộng kinh doanh tới các quốc gia đang phát triển. Ant hiện nắm giữ cổ phần hoặc hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ở Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Philippines và Thái Lan.

Tốc độ bành trướng đáng kinh ngạc của Ant vừa là nguyên nhân và là hệ quả của những thay đổi lớn trong cuộc sống của người Trung Quốc: sự phát triển, đô thị hoá nhanh chóng và tầng lớp trung lưu mới với quan điểm hào phóng xuất hiện. Dẫu vậy, tình trạng này cũng là ví dụ minh chứng cho sự thay đổi lớn hơn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính. Những biến chuyển này đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.

Nhiều ông chủ ngân hàng ở các quốc gia phát triển lo ngại rằng kế hoạch bành trướng ra bên ngoài Trung Quốc của Ant chỉ tạm thời bị hoãn lại. Không chỉ vậy, những "ông lớn" khác trong giới nhà giàu cũng phải dè chừng, bởi một kẻ "chân ướt chân ráo" với tham vọng lớn lao sẽ khiến "miếng ngon" không còn nhiều như trước. Và cách tiếp cận "nền tảng" của Ant, cung cấp dịch vụ kết hợp giữa các sản phẩm tài chính và phi tài chính từ các công ty khác trên ứng dụng của họ, đặt ra một thách thức với tài khoản vãng lai. Thách thức đó là mối quan hệ trọng tâm với các ngân hàng của hầu hết những người tại các nước giàu. Nếu nó bị phá vỡ, thì các ngân hàng sẽ phải làm gì để bán chéo các khoản vay, thế chấp hoặc bảo hiểm, lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất và hoa hồng, hoặc phí của các dịch vụ không thường xuyên như ngoại hối hay thấu chi?

Leiming Chen - trưởng ban pháp chế của Ant, cho biết các ngân hàng không có gì phải lo sợ bởi Ant biết rõ vai trò của mình là không phải thay thế họ, mà là giúp họ phục vụ khách hàng trong lĩnh vực họ không thể tiếp cận. Mục đích của Ant là tạo ra giá trị công nghệ, chứ không phải triển khai vốn để hỗ trợ các khoản vay. Ông chia sẻ: "Những ý kiến cho rằng chúng tôi là kẻ gây rối hay mối đe doạ đối với các tổ chức tài chính truyền thống là hoàn toàn sai lầm."

Dẫu vậy, các tổ chức này vẫn cảm thấy run sợ. Bị ảnh hưởng bởi sự tiếp cận của Ant chỉ là một trong những cơn ác mộng của họ. Ở phía bên kia bán cầu là Amazon, thường được nhiều người đồn đoán là sẽ "lấn sân" sang các dịch vụ tài chính. Trường hợp khác là ứng dụng tin nhắn KakaoTalk của Hàn Quốc, hoặc Grab và Gojek ở Đông Nam Á. Bởi vậy, một số ông chủ ngân hàng lo ngại rằng khách hàng có thể đã "mở cửa" cho "neobank", như Monzo tại Anh hay N26.

Các ngân hàng cần phải hành động như thế nào?

Điện thoại di động cho phép các sản phẩm tài chính liên kết với các dịch vụ khác theo những cách thức khá mới lạ. Ví dụ như đối thủ của Ant, "gã khổng lồ" Tencent. Công ty này bước vào lĩnh vực thanh toán vào năm 2013. Ở thời điểm đó, họ vẫn chưa thu hút được khách hàng cho tới khi tung ra chương trình gửi lì xì cho bạn bè, người thân trong dịp năm mới. Năm 2014, WeChat Pay tung ra tính năng "hầu bao đỏ", đã có 40 triệu NDT được gửi đi trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2015, 500 triệu NDT được gửi đi chỉ trong 1 ngày.

Tại sao giới trẻ cùng những chiếc smartphone lại trở thành cơn ác mộng của ngành ngân hàng? - Ảnh 3.

Alibaba cũng cho ra mắt tính năng tương tự, nhưng không thể đạt được sự phổ biến như WeChat, bởi WeChat Pay đã trở thành ứng dụng cố định trên điện thoại của người Trung Quốc. WeChat tiếp tục được hưởng lợi từ vị trí ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất của đất nước tỷ dân này. Tỷ lệ giao dịch trên điện thoại di động của WeChat Pay đã tăng đều đặn và chiếm 39% giá trị còn Alipay là 54%. Tencent còn cung cấp các khoản vay cá nhân và ra mắt một ngân hàng online, WeBank. Việc tiến sâu hơn vào thị trường dịch vụ tài chính của Tencent sẽ gây áp lực cho vị trí hiện tại của Ant.

Theo Economist, các ngân hàng sẽ phải tự sáng tạo để tồn tại trong quá trình tái cơ cấu cả ngành công nghiệp. Quá trình này sẽ mang đến một cách thức cho họ hiểu về cuộc chiến sắp tới, đó là các ngân hàng, công ty fintech, neobank và khách hàng cùng đổi mới. Cùng với đó sự phát triển ở mỗi quốc gia được thúc đẩy bởi quyền lực của các ngân hàng, thói quen của thị trường địa phương và quan điểm của các cơ quan quản lý.

Các công ty fintech sẽ phải tập trung vào châu Á, nơi có dân số trẻ, thị trường dành cho các sản phẩm tài chính giá rẻ đang phát triển nhanh và những nơi các cơ quan quản lý tài chính đang tìm cách thúc đẩy cạnh tranh bằng cách khuyến khích những ngân hàng mới, đáng chú ý là ở Anh. Họ chưa có nhiều cơ hội ở Mỹ, nơi ngân hàng số chưa phát triển hay có ảnh hưởng lớn tới ngành. Các ngân hàng ở đây được "bao bọc" bởi một loạt những quy định của tiểu bang và liên bang, việc điều hành một ngân hàng số độc lập là điều không thể.

Bởi áp lực đổi mới đến từ chính những chiếc điện thoại di động, nên cách tốt nhất để nhìn nhận cuộc chiến này là quan sát dưới quan điểm của nhóm người dùng tích cực nhất: dưới 30 tuổi. Dù rất nhiều người đang dần chuyển sang sử dụng mobile banking, nhưng tương lai của ngành công nghiệp này rõ ràng nằm trong tay của các "digital native". Hiện tại, địa điểm tiềm năng nhất để bắt đầu khai thác là Hàn Quốc.

Hương Giang

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên