Tại sao Hải Phòng được đề xuất trở thành khu thương mại tự do thế hệ 4.0?
"Chúng tôi cũng đang đề xuất xây dựng Hải Phòng, hoặc biến toàn bộ Hải Phòng thành khu thương mại tự do. Hiện đang thảo luận để định hình, khu thương mại tự do thế hệ 4.0 như thế nào? Phải là trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu", PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại một hội nghị mới đây.
- 23-04-2022Siêu sân bay Long Thành: Vẫn nhiều trở ngại ảnh hưởng tiến độ
- 23-04-2022Lào Cai khởi công dự án truyền tải điện 1.500 tỷ đồng
- 23-04-2022Cần giải pháp căn cơ để “gỡ khó” cho doanh nghiệp taxi sau… “bão dịch”
Vào ngày 23/4, tại Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản”. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, Hải Phòng là một đô thị sớm hình thành gắn liền với sự phát triển của cảng biển, ngành công nghiệp.
"Với hai điều kiện đó, cư dân của các địa phương khác có sự dịch chuyển về Hải Phòng để sản xuất kinh doanh, làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Chính vì vậy, Hải Phòng có mật độ dân số cao hơn một số địa phương khác", ông Tùng cho hay.
Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao. Đặc biệt từ 2015 đến nay, GRDP dao động tăng 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước. Trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỷ đồng. Từ đó, thành phố có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường…, đặc biệt khu vực nội đô.
Thành phố cũng kết hợp với các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông. Qua đó tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc. Bên cạnh đó, Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hiện nay riêng FDI thu hút hơn 23 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất.
Về mặt kinh tế với tư cách trung tâm nhập quốc tế, Hải Phòng có vai trò quan trọng hơn Hà Nội
Phát biểu tại hội thảo, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, trong 7 năm vừa qua, cụ thể từ năm 2016, Hải Phòng đã có những đột phá phát triển, chân dung Hải Phòng được định hình. Theo đó, Hải Phòng có cảng trung chuyển quốc gia, có sân bay quốc tế, có thể tiếp tục xây dựng thêm sân bay, có đường cao tốc đến Hải Phòng...
Về tăng trưởng kinh tế, Hải Phòng trong 7 năm qua tăng trưởng 14,7%, đứng thứ ba cả nước, đây là một tốc độ tăng trưởng thần kỳ. Xét quá trình 10 năm, Hải Phòng vượt lên về tăng trưởng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Đều là những nguồn lực lớn chứ không phải nhỏ lẻ.
Theo ông Thiên, bên cạnh những kết quả Hải Phòng đạt được, điểm hạn chế thành phố cần lưu ý hiện nay là chất đô thị hiện đại của Hải Phòng chưa thực sự thể hiện rõ. Thành phố vẫn còn thiếu trường Đại học, thiếu bệnh viện.
Điểm hạn chế thứ hai cần lưu ý là sức hấp dẫn dân cư và lao động của Hải Phòng đang rất thấp. Ông Thiên cho biết, đây là yếu tố quyết định triển vọng chất lượng đô thị, khi làm đô thị, làm phát triển cần tính đến.
"Số dân di chuyển ra ngoài thành phố Hải Phòng tương đương với dân đẻ ra. Người đi khỏi Hải Phòng nhiều thanh niên, trong khi dân số để ra chưa có năng lực lao động. Cân bằng dân số của Hải Phòng được hiểu theo nghĩa số lao động có chất lượng đang bị hút đi", PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.
"Theo chúng tôi đánh giá khi làm tầm nhìn cho Hải Phòng, về mặt kinh tế với tư cách trung tâm nhập quốc tế, Hải Phòng có vai trò quan trọng hơn Hà Nội vì đây là tọa độ kinh tế bậc nhất", ông Thiên cho hay.
Trên cơ sở đó, PGS.TS Trần Đình Thiên đã chỉ ra 3 nhóm vấn đề cho Hải Phòng. Thứ nhất là phải nhận diện được thế và lực, thực lực của Hải Phòng như thế nào, Hải Phòng cần gì để tiếp tục phát triển.
Hai là định hướng phát triển cho Hải Phòng như là 1 tọa độ phát triển quốc gia như thế nào. Đây không phải định hướng của riêng Hải Phòng, mà là định hướng phát triển vùng. Cuối cùng là cách tiếp cận tầm vĩ mô.
"Chúng tôi cũng đang đề xuất xây dựng Hải Phòng, hoặc biến toàn bộ Hải Phòng thành khu thương mại tự do. Hiện đang thảo luận để định hình, khu thương mại tự do thế hệ 4.0 như thế nào? Phải là trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
"Vì đây là đầu sóng ngọn gió cùng với Quảng Ninh, giữ mạch liên thông hàng hải quốc tế. Hải Phòng không chỉ có Nghị quyết 45 mà còn được Quốc hội thông qua cơ chế vượt trội, tuy nhiên Hải Phòng vẫn còn khiêm tốn. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu đầu tư vào Hải Phòng, đặc biệt là quy hoạch đất đai", ông Thiên nói thêm.
Về yếu tố cơ cấu, theo ông Thiên, chân dung Hải Phòng là một chân dung hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thể bổ sung thông minh hóa. Khu cảng biển, đô thị Hải Phòng gắn Vịnh Lan Hạ với Vịnh Hạ Long trong khuôn khổ vùng trung tâm du lịch quốc gia, cộng hưởng sức mạnh của du lịch để cả đất nước có vùng du lịch mà thế giới không nơi nào có. Di tích lịch sử Hải Phòng, Quảng Ninh gắn với nhau sẽ tạo nên tiềm năng du lịch to lớn.
Hiếm có tỉnh nào ở khu vực phía Bắc lại có đầy đủ lợi thế như Hải Phòng
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, GS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, tiềm năng, lợi thế phát triển của Hải Phòng còn rất lớn, tạo yếu tố thu hút đầu tư.
Theo ông Cường, Hải Phòng có thuận lợi rất lớn khi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho bốn tỉnh, thành, trong đó có thành phố Hải Phòng. Nghị quyết trao nhiều cơ chế đặc thù cho thành phố, trong đó cho phép được quyền tự quyết định trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất với những dự án dưới 500 ha; được tự quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
"Như vậy khi đầu tư phát triển công trình, bây giờ thành phố không phải xin ai cả mà tự mình quyết định. Đây là điều kiện vô cùng tốt để Hải Phòng biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực", ông Cường cho hay.
"Hiếm có tỉnh nào ở khu vực phía Bắc lại có đầy đủ lợi thế như Hải Phòng. Cho nên, bài toán đặt ra với thành phố là: Hải Phòng lựa chọn phát triển cho lợi ích trước mắt hay cho sự phát triển lâu dài trong 30 năm, hay 50 năm tới?", ông Cường đặt vấn đề.
Với lợi thế đặc biệt lớn về cảng biển, theo ông Cường, Hải Phòng nên tập trung phát triển các trung tâm logistic, hệ thống hạ tầng, và điều này không chỉ dành riêng cho thành phố mà còn cho cả khu vực phía Bắc.
"Khi ưu tiên phát triển lâu dài, giá trị bất động sản sau này càng tăng lên. Nếu đầu tư mà không nghĩ đến các hạ tầng cho 30 năm sau sẽ không có sự phát triển lâu dài. Do vậy, thành phố nên cân nhắc giữa cái trước mắt và tương lai lâu dài, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra tiềm năng phát triển", ông Cường lưu ý.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Hải Phòng cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút nguồn lực. Nếu chờ vào ngân sách sẽ vô cùng khó, vì thế phải làm sao huy động được nguồn lực từ tư nhân.