Tại sao lạm phát tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu?
Lạm phát toàn cầu bùng phát mạnh, riêng tại Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, do giá lương thực, năng lượng tăng cao.
- 17-06-2022Khi mì ăn liền trở thành chỉ báo lạm phát: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lo món ăn “quốc dân” tăng giá
- 16-06-2022Giới phân tích đồng loạt cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vì Fed tăng lãi suất
- 16-06-2022Bloomberg: Chạy đua tăng lãi suất trước áp lực lạm phát, các NHTW đang khiến kinh tế toàn cầu phải trả giá đắt
Tuy nhiên, lạm phát tại Trung Quốc lại tương đối thấp, nhờ vào việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sử dụng gói kích thích kinh tế quy mô giới hạn trong đại dịch, cùng với đó là cơ cấu hàng hóa, dịch vụ trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tỉ lệ lạm phát tại Trung Quốc gần như đối lập hẳn với nhiều nền kinh tế phát triển, tạo dư địa để nước này có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Chỉ số CPI tại Trung Quốc trong tháng năm tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó tỉ lệ này tại Mỹ cùng thời điểm là 8,6%, các nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) là 8,1%. Riêng tại Anh, lạm phát trong tháng 4 vừa qua đã vọt lên mức 9%.
CPI lõi, chỉ số loại trừ các mặt hàng biến động mạnh như lương thực, năng lượng, tại Trung Quốc trong tháng 5 chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, vẫn hoàn toàn trong biên độ mục tiêu tăng tối đa 3% cho cả năm 2022. Câu hỏi đặt ra là Tại sao lạm phát của Trung Quốc lại thấp hơn các nước phương Tây?
Giới quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng đó là do khác biệt trong cách thức triển khai, vận hành các gói kích thích kinh tế giữa nước này với phương Tây. Mỹ và nhiều nước châu Âu đã tung các gói kích thích quy mô cực lớn, với tốc độ in tiền chưa có tiền lệ, nhằm phục hồi kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch.
Tại Mỹ, bản cân đối của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đã phình to gấp đôi, lên mức 8.900 tỉ USD chỉ trong hai năm qua. Ngược lại, Trung Quốc cẩn trọng hơn trong kích thích kinh tế, không chấp nhận nới lỏng tài khóa, tiền tệ ồ ạt.
Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến là cách tính rổ CPI tại Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chú trọng nhiều hơn đến quần ào, lương thực, phù hợp với thực tế Trung Quốc vẫn là nước thu nhập trung bình. Ngược lại, rổ CPI tại Mỹ phân bổ tỉ trọng lớn hơn về nơi ở, đi lại - cũng chính là hai mảng dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều bởi giá nhiền liệu tăng cao cùng với điều kiện chính sách tiền tệ trong nước.
Giới chức Trung Quốc chưa tiết lộ cấu trúc trong rổ CPI của nước này, vốn có sự thay đổi về tiêu chí, cách đánh giá trong năm 2021. Tuy nhiên, theo Huang Wentao, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán China Securities Co, mặt hàng lương thực chiếm tỉ trọng 18,4% trong rổ CPI (tại Mỹ là 7,8%), quần áo chiếm 6,2% (Mỹ là 2,8%), chỉ số nhà ở chiếm 16,2% (Mỹ khoảng 32%), vận tải, đi lại chiếm 10,1% (tại Mỹ là 15,1%).
Ngoài ra, kinh tế Mỹ phụ thuộc lớn vào hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Còn Trung Quốc lại là công xưởng sản xuất của thế giới, với khả năng chế tạo vượt trội, giúp nhà điều hành có thêm dư địa để ứng phó hiệu quả hơn trước đà tăng giá của các loại hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc vẫn cảnh giác cao độ trước lạm phát, bởi đây là nhân tố tiềm ẩn mất ổn định xã hội. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang hồi tháng 4 vừa qua đã khẳng định mục tiêu trong chính sách tiền tệ của PBoC là ổn định giá cả, ổn định thị trường việc làm.
Lạm phát cũng ảnh hưởng đến tỉ trọng nợ hộ gia đình tại Trung Quốc trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lên mức 61,1% trong năm 2021 so với mức 17,9% trong năm 2029, một diễn biến xấu do tác động của đại dịch.
Trên thực tế, cảm nhận của người tiêu dùng Trung Quốc về lạm phát có thể còn lớn hơn so với con số được công bố chính thức. Đơn cử, giá xăng dầu tại Trung Quốc tăng cao – do chịu ảnh hưởng của việc dầu thô trên thị trường thế giới hiện tăng tới 68% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nhiều gia đình buộc phải chuyển hướng sang sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe điện.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, giá gạo tăng 2,2%, giá trứng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của dầu ăn và rau xanh tương ứng là 3,7% và 8,7%. Bảo đảm chuỗi cũng ứng nội địa về lương thực và năng lượng vì thế là nhiệm vụ hàng đầu đối với chính phủ Trung Quốc trong kiềm chế lạm phát.
Báo Tin tức