MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao lệnh hạn chế di chuyển không giúp ích cho việc ngăn chặn Covid-19 lây lan từ nước này sang nước khác?

05-03-2020 - 13:12 PM | Tài chính quốc tế

Nhằm ứng phó với virus corona, hiện tại đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành lệnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đây không phải là động thái bởi WHO khuyến khích, bởi sẽ có rất nhiều trường hợp "lách luật" để đi từ ổ dịch đến các quốc gia khác.

Khi cả thế giới đối mặt với loại virus có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, thì đóng cửa biên giới và hạn chế việc di chuyển là một động thái hiển nhiên. Khi số ca nhiễm Covid-19 vượt con số 95.000 và lây lan đến hàng chục quốc gia, thì các chính phủ và doanh nghiệp đã cân nhắc về việc hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại không ủng hộ việc "hạn chế đi lại hoặc giao thương" khi các chính phủ đang nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

1. Các quốc gia đã thực hiện những biện pháp nào?

Theo số liệu được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), hiện đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành lệnh hạn chế đi để ứng phó với dịch bệnh. Trung Quốc là nước đầu tiên áp dụng quy định này và thực hiện nghiêm ngặt nhất, khi thực hiện phong toả "tâm dịch" thành phố (với 11 triệu người sinh sống) Vũ Hán và xung quanh tỉnh Hồ Bắc.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho biết sẽ cấm người nước ngoài đã đến Trung Quốc nhập cảnh trong vòng 2 tuần. Úc, Nhật Bản, Singapore, Philippines và New Zealand cũng có quy định cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đến Trung Quốc đại lục và nhiều hãng hàng không phải huỷ, hoãn các chuyến bay.

Hồng Kông cũng có động thái tương tự. Thậm chí, một số thành phố của Trung Quốc lục địa cũng bắt đầu kiểm soát chặt chẽ khách từ nước ngoài.

Ngược lại, theo hãng tin Toronto Sun, Canada sẽ không ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách trên các chuyến bay trực tiếp hoặc nối chuyến từ Trung Quốc, cũng như đóng cửa biên giới. Quy định tương tự cũng được áp dụng với những hành khách đến từ Italy và Iran.

2. Tại sao quy định hạn chế di chuyển bị phản đối?

Có thể xét trường hợp của Italy, quốc gia này đã đột ngột huỷ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi trở thành "ổ dịch" của châu Âu. Quyết định này của chính phủ đã được nhận được nhiều chỉ trích, bởi du khách từ Trung Quốc vẫn có thể đến các nước EU và sau đó di chuyển đến Italy mà không bị kiểm tra hộ chiếu. Điều này sẽ tạo ra sự thiếu sót trong quá trình kiểm tra lịch trình di chuyển, y tế tại sân bay.

Catherine Worsnop - giáo sư trợ lý tại Trường Chính sách công tại thuộc Đại học Maryland, nghiên cứu về tác động của lệnh hạn chế di chuyển trong những đợt dịch bệnh bùng phát. Bà nhận định, những động thái như vậy có thể chỉ trì hoãn sự lây lan trong vài tuần, và hậu quả đối với nền kinh tế, xã hội là đáng kể. Hơn nữa, lo ngại đối với hạn chế giao thương và du lịch có thể khiến các chính phủ cố gắng che đậy sự bùng phát để tránh những tổn hại về kinh tế và chính trị.

3. WHO nói gì?

Tổ chức này cho biết không ủng hộ lệnh hạn chế đi lại và giao thương đối với các quốc gia đang có dịch bệnh bùng phát, bởi chi phí của sự gián đoạn xã hội và nhiều lĩnh vực khác thường cao hơn lợi ích. Chỉ một số khu vực có ít sự kết nối với cộng đồng quốc tế và nguồn tài nguyên có thể thấy được hiệu quả tạm thời. Trong bản báo cáo ngày 29/2, WHO đã lưu ý rằng các quốc gia ra lệnh cấm nhập cảnh đối với khách hoặc hoãn các chuyến bay đến, đi từ Trung Quốc hoặc các quốc gia bị ảnh hưởng khác đang chứng kiến số lượng ca nhiễm bệnh gia tăng.

Ngay cả khi dịch Ebola bùng phát vào năm ngoái, người đứng đầu WHO cho biết bất kỳ lệnh hạn chế nào đối với việc đi lại hoặc giao thương có thể cản trở cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan, bởi các quy định đó có thể là nguyên nhân khiến nhiều người di chuyển qua vùng biên giới không chính thức hoặc không được giám sát.

4. Kiểm tra sức khoẻ ở vùng biên giới có thực sự hiệu quả?

Hồi cuối tháng 2, WHO đã khuyến cáo rằng đo thân nhiệt ở vùng biên giới là không hiệu quả, đó là bởi một số người có thể đang trong thời gian ủ bệnh và không có triệu chứng, hoặc họ cố gắng che giấu triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc. Những người đang mắc các bệnh khác cũng có thể bị hiểu lầm. Phương thức thực sự hiệu quả là nhận tờ khai tình hình sức khoẻ cùng thông tin liên lạc chi tiết.

5. Các quốc gia nên làm gì?

Thay vì ban hành lệnh hạn chế đi lại, WHO khuyến cáo người dân nên ở nhà nếu bị sốt hoặc ho và đến các cơ sở y tế để khám bệnh trong thời gian sớm, nếu triệu chứng nặng hơn. Nếu trở về từ khu vực bị ảnh hưởng, thì họ nên cách ly 14 ngày.

Trước sự lây lan nhanh chóng của virus corona, các chính phủ đang bị người dân chỉ trích ngày càng nặng nề. Tại Hàn Quốc, người dân nước này đã phàn nàn rằng giới chức không nên cho phép người Trung Quốc nhập cảnh từ trước. Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe, cũng hứng chịu những chỉ trích tương tự, khi có những bước đi hời hợt trong việc hạn chế khách đến từ Trung Quốc.

Tham khảo Bloomberg

 

 
Tại sao lệnh hạn chế di chuyển không giúp ích cho việc ngăn chặn Covid-19 lây lan từ nước này sang nước khác? - Ảnh 2.

Giang Ng

Trở lên trên