MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Mỹ và châu Âu vẫn mua nhiên liệu hạt nhân của Nga?

04-09-2023 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Nga đã xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Rosatom

Nga đã xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Rosatom

Tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga vừa là biểu hiện sức mạnh địa chính trị, vừa là một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cho Điện Kremlin.

Tập đoàn Rosatom của Nga tiếp tục là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới - đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu về uranium đã làm giàu, khiến các nước phương Tây phải chạy đua để khôi phục năng lực xử lý của chính họ, tờ Bloomberg ngày 2/9 lưu ý.

Không giống như các công ty phương Tây trong lĩnh vực kinh doanh hạt nhân, Rosatom tham gia vào mọi khâu của chuỗi cung ứng, từ khai thác quặng đến làm giàu và phân phối nhiên liệu. Công ty này vừa là biểu hiện sức mạnh địa chính trị, vừa là một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cho Điện Kremlin.

Khi các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng quay lưng với năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima năm 2011, một số công ty phương Tây tham gia vào chu trình xử lý nhiên liệu hạt nhân như Areva SA (Pháp), Enrichment và Westinghouse Electric (Mỹ) đã phá sản.

Kể từ đó, Nga đã phát triển thị phần không chỉ cho lò phản ứng hạt nhân hiện có mà còn cung cấp nguồn tài chính cho các dự án mới ở nước ngoài. Hiện nay, Rosatom cung cấp nhiên liệu cho nhiều lò phản ứng cũ ở Đông Âu và Nga, đồng thời đang xây dựng 33 tổ máy điện mới tại 10 quốc gia, cả Trung Quốc và Ấn Độ, với nhiều hợp đồng ràng buộc trong nhiều thập kỷ tới.

Các quốc gia "vệ tinh" thời Liên Xô cũ ở Đông Âu hiện vẫn vận hành hàng chục lò phản ứng được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh. Hầu hết các tổ máy cũ này đều sử dụng nhiên liệu từ Rosatom. Đến cả Ukraine cũng phụ thuộc vào nguồn cung của Rosatom và sẽ không thể đa dạng hóa hoàn toàn khỏi Nga cho đến cuối thập kỷ này.

Trường hợp này là tương tự với Bulgaria hay CH Séc và Phần Lan, nơi việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế sẽ mất nhiều năm. Nhìn chung, Nga đáp ứng khoảng 30% nhu cầu uranium đã được làm giàu của EU.

Tại Mỹ, thương mại nguyên tử với Nga đã tăng lên sau Chiến tranh Lạnh theo chương trình được gọi là "Megatons to Megawatts" (Thỏa thuận mua Uranium làm giàu cao giữa Mỹ và Nga), nhằm chuyển đổi 500 tấn uranium cấp độ vũ khí của Nga thành nhiên liệu phù hợp cho các lò phản ứng của Mỹ.

Nga đang là nhà cung cấp chính các dịch vụ khai thác, chuyển đổi và làm giàu uranium cho các cơ sở của Mỹ. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, vào năm 2022, Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng uranium đã làm giàu cho các lò phản ứng điện hạt nhân của Mỹ.

Sự phụ thuộc của EU bắt nguồn từ ảnh hưởng quá lớn của ngành công nghiệp hạt nhân Nga trên toàn cầu. Dữ liệu của Cơ quan Cung cấp Euratom cho thấy gần 20% lượng uranium thô mà EU nhập khẩu đến từ Nga, với 23% khác đến từ Kazakhstan, nơi Rosatom cũng có ảnh hưởng lớn. Nga cũng cung cấp một tỷ lệ lớn thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu.

Các nước Trung và Đông Âu đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Có tổng cộng 18 lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế - ở Slovakia, Bulgaria, Hungary, CH Séc và Phần Lan - hiện đang hoạt động bằng nhiên liệu của Nga và dựa vào công nghệ của Nga.

Ngoài ra, Rosatom đã có mối quan hệ lâu dài với công ty điện lực EDF của Pháp với việc hai bên đã ký "thỏa thuận hợp tác dài hạn" vào năm 2021 để tăng cường hơn nữa mối quan hệ.

Sonja Schmid, Giáo sư nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Đại học Công nghệ Virginia cho biết: "Rosatom là một trong số ít công ty trên thế giới đã làm chủ được toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân, tức là làm giàu, sản xuất nhiên liệu và cả tái xử lý".

Nga đã xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở ở Anh cho thấy.

“Trên thực tế, giá trị xuất khẩu liên quan đến hạt nhân của Nga không chỉ không bị suy giảm kể từ tháng 2/2022, mà dữ liệu mới cho thấy rằng có sự gia tăng, với một số khách hàng trung thành vẫn mong muốn hợp tác kinh doanh với lĩnh vực hạt nhân của Nga”, RUSI kết luận.

Theo Công Thuận

Báo Tin Tức

Trở lên trên