MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao người Nhật luôn cởi giày trước khi vào cửa, dù cực kỳ bất tiện?

15-04-2023 - 23:58 PM | Sống

Tại sao người Nhật luôn cởi giày trước khi vào cửa, dù cực kỳ bất tiện?

Không hề cởi giày một cách tùy tiện, người Nhật còn có những nguyên tắc riêng, qua đó thể hiện ý thức văn minh của mình. Nguyên nhân đằng sau đó là gì?

‏Nếu bạn đã từng đến thăm Nhật Bản, sống ở Nhật Bản hoặc thậm chí có một số tương tác với văn hóa Nhật Bản ngay tại nước ngoài, bạn có thể nhận thấy rằng việc cởi giày để vào trong nhà là một thói quen rất phổ biến. Hành động này "ăn sâu" trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. ‏

‏Tuy nhiên, những lý do đằng sau hành động này thường có rất ít người biết.‏

‏Tại sao người Nhật thường cởi giày?‏

‏Có nhiều lý do khác nhau cho hành động này, nhưng khi được kết hợp lại, chúng sẽ tạo ra một tập quán văn hóa lâu dài.‏

‏Sạch sẽ‏

‏Một trong những lý do chính đơn giản là sự sạch sẽ. Cởi giày trước khi bước vào sẽ giúp bụi bẩn từ giày của bạn chỉ nằm ở cửa. Bên trong nhà hoặc cơ sở kinh doanh sẽ luôn được giữ nguyên sự sạch sẽ. ‏

‏Với người Nhật Bản, dường như mọi sinh hoạt của họ thường tập trung trên sàn nhà. Vì thế họ luôn giữ chúng được sạch sẽ và ấm cúng.‏

‏Điều này đặc biệt phù hợp với thói quen trải sàn bằng chiếu tatami truyền thống của người Nhật. Loại chiếu này rất dễ bị hư hỏng, bị bẩn và khó loại bỏ vết bẩn.‏

‏Trên hết, chiếu tatami theo truyền thống cũng được sử dụng với nhiều mục đích, chứ không đơn thuần chỉ là lót sàn. Chúng cũng là nơi để ngồi, ăn và thậm chí là ngủ (người Nhật thường trải thêm một tấm nệm mỏng lên trên mặt chiếu, sau đó trực tiếp ngủ dưới đất). ‏

photo-1681531218905

‏Trong khi nhiều ngôi nhà Nhật Bản hiện nay được xây dựng theo phong cách phương Tây, vẫn có không ít phòng trải chiếu tatami, lan tỏa nét đẹp truyền thống. Do đó, thói quen cởi giày từ ngoài cửa vẫn được duy trì phổ biến. ‏

‏Ngoài ra, độ ẩm cao trong mùa mưa ở Nhật Bản là một yếu tố rủi ro đối với cả thảm tatami và các loại sàn khác. Cởi giày ra để không bị ngấm nước và hơi ẩm dư thừa là điều cần thiết để tránh nấm mốc, cũng như các vấn đề tương tự khác.‏

‏Thể hiện sự tôn trọng‏

‏Ngoài lý do sạch sẽ, cởi giày cũng được coi là một dấu hiệu của sự tôn trọng khi vào nhà hoặc nơi kinh doanh của ai đó. ‏

‏Theo truyền thống, việc mang giày vào nhà của ai đó có thể bị coi là thiếu tôn trọng. Cách nghĩ này đã không còn quá nghiêm ngặt trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn có rất nhiều người để ý. Do đó, trước khi bước vào cửa, người Nhật vẫn thường hỏi ý chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh để biết chắc chắn rằng, họ có được thoải mái đi giày dép bên ngoài vào hay không.‏

‏Nên cởi giày khi nào và ở đâu?‏

‏Sự thay đổi trong nếp sống truyền thống và hiện đại khiến không ít người mới đến Nhật Bản bị nhầm lẫn, khó phân biệt thời điểm nào cần phải cởi giày, và nên đặt giày ở đâu cho phù hợp. ‏

‏Một nguyên tắc chung là nếu địa điểm mang đậm nét văn hóa truyền thống, có chiếu tatami hoặc là không gian cá nhân của ai đó như phòng riêng, nơi ở riêng tư, thì bạn nên cởi giày ra. Nếu không, bạn cần hỏi ý kiến của chủ nhà.‏

‏Bên cạnh đó, nếu đó là địa điểm cần phải tháo giày, thường sẽ có một khu vực được gọi là genkan, đọc theo tiếng Hán Việt là "huyền quan" nằm ở ngay lối vào. Đây là các khu vực lối vào truyền thống của Nhật Bản cho một ngôi nhà, căn hộ hoặc tòa nhà, là sự kết hợp của mái hiên và thảm chùi chân. Nó thường nằm bên trong tòa nhà ngay trước cửa. Chức năng chính của genkan là để cởi giày trước khi bước vào phần chính của ngôi nhà hoặc tòa nhà.‏

photo-1681531234326

‏Khi bạn nhìn thấy khu vực genkan cùng với các tủ để giày bên cạnh, đây chính là dấu hiệu rõ ràng cho biết, bạn cần phải tháo giày trước khi bước vào trong. ‏

‏Ở những nơi công cộng như trường học, họ được trang bị tủ khóa để học sinh mang giày vào và sử dụng giày dép thích hợp để đi bộ bên trong trường. Ở một số nơi, giày được gọi là uwabaki hoặc surippa.‏

‏Một số địa điểm sau đây là nơi bạn cần lưu ý:‏

‏Nhà hàng kiểu truyền thống‏

‏Một số nhà hàng kiểu truyền thống ở Nhật Bản có thể yêu cầu bạn cởi giày. Điều này thường được yêu cầu nếu sàn trải chiếu tatami hoặc chỗ ngồi trong nhà hàng là một số biến thể của việc ngồi bệt (chẳng hạn như đệm sàn hoặc chỗ ngồi lõm).‏

‏Doanh nghiệp bán đồ truyền thống‏

‏Có một số tình huống cụ thể xung quanh các địa điểm có truyền thống văn hóa yêu cầu bạn phải cởi giày. Ví dụ, một số doanh nghiệp tuân thủ các thông lệ truyền thống, chẳng hạn như cửa hàng bán kimono và các doanh nghiệp mang tính chất tương tự khác.‏

‏Trường học‏

‏Bước vào trường học, để đảm bảo vệ sinh chung, đem tới môi trường sạch sẽ cho trẻ em và thanh thiếu niên, người Nhật thường yêu cầu cởi giày, sau đó sử dụng một loại giày đế mềm, chỉ dùng để đi trong trường.‏

photo-1681531238508

‏Bên trong đền thờ, chùa chiền‏

‏Thực tế, không phải khu vực nào ở các đền thờ, chùa chiền cũng yêu cầu phải cởi giày. Ở khu vực bên ngoài sân, những nơi tham quan, mọi người vẫn có thể sử dụng giày dép cá nhân. Nhưng khi bước vào tòa nhà chính, các khu vực thờ phụng bên trong nhà, thường sẽ xuất hiện khu vực huyền quan để mọi người cởi giày và cất giày gọn gàng. ‏

‏Nếu không hiểu rõ tập tục của mỗi một đền thờ, chùa chiền, bạn nên lưu ý đến cách phản ứng của mọi người xung quanh. Nếu nhìn thấy những đôi giày để ngoài cửa của bất cứ khu vực nào, bạn cũng nên làm tương tự. ‏

‏Suối nước nóng và nhà tắm công cộng‏

‏Một khu vực khác nên lưu ý là suối nước nóng và nhà tắm công cộng. Mặc dù việc cởi giày (kể cả dép xỏ ngón hoặc xăng đan) khi vào bồn tắm có vẻ hiển nhiên, nhưng ở Nhật Bản, điều quan trọng là bạn phải cởi giày ở lối vào tòa nhà, thay vì trong phòng thay đồ. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh suối nước nóng sử dụng chiếu tatami, cần được giữ sạch sẽ và khô ráo.‏

‏Điều cần biết khi cởi giày cho lịch sự‏

‏Mang vớ sạch, trang nhã, không có lỗ thủng‏

‏Mang giày thuận tiện cho việc cởi ra và đi vào‏

‏Xếp đôi giày của bạn gọn gàng ở khu vực huyền quan, trong khu vực được cung cấp, hoặc các hộc để giày‏

‏Nên xếp mũi giày hướng ra cửa, thuận tiện cho việc sử dụng ngay khi cần…‏

photo-1681531245168

‏*Nguồn: Japan Living Guide‏

Phương Thùy

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên