MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Sài Gòn Water mãi vẫn chỉ là khoản đầu tư “tiềm năng” của CII?

31-08-2017 - 20:12 PM | Doanh nghiệp

Với lĩnh vực hạ tầng nước, CII hiện tại chỉ duy trì và giữ vững những khoản đầu tư cũ chứ không đầu tư mới.

Vào năm 2014, CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) công bố việc tái cấu trúc thành mô hình holdings gồm 5 mảng chính cầu và đường, hạ tầng nước, dịch vụ, bất động sản và thi công xây dựng. Trong 5 mảnh ghép này thì CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn – Sài Gòn Water (HOSE: SII) chính là đối tượng trên sàn đầu tiên CII thực hiện thâu tóm để biến thành một trong năm mảnh ghép của mình đảm nhiệm phần đầu tư hạ tầng nước. Sau đó, CII còn thâu tóm thêm LGC - mảng cầu và đường, tương lai là NBB cho mảng bất động sản.

Cụ thể, CII nhảy vào thâu tóm và chi phối hoạt động của Sài Gòn Water vào năm 2013. Lúc CII nhảy vào cũng là lúc SII đổi tên từ Đầu tư Hạ tầng BĐS Sài Gòn thành Hạ tầng nước Sài Gòn và chuyển hướng kinh doanh từ lĩnh vực bất động sản sang lĩnh vực hạ tầng nước. Cũng kể từ khi bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nước, SII vắng hẳn cổ tức cho cổ đông mà theo chia sẻ của ban lãnh đạo là cần dồn vốn mở rộng thị trường.

Đầu tư đã 4 năm nay (2013 – 2016), mảng nước của SII thực sự chưa đem lại nhiều hiệu quả. Kết quả kinh doanh 4 năm qua chính là minh chứng, ngoại trừ năm 2015 thì các năm còn lại SII có lãi là nhờ nguồn thu tài chính. Tuy nhiên, khoản doanh thu thuần đột biến trong năm 2015 cũng là nhờ đến từ công ty con – CTCP Kỹ thuật Enviro hoạt động lĩnh vực cung cấp vật tư thiết bị ngành nước thực hiện một số hợp đồng giá trị lớn xây nhà máy nước. Năm 2016, SII quay lại mức lãi bình thường 33,5 tỷ đồng, giảm còn chưa đến 1/3 thực hiện năm 2015. Có được mức lãi này là nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 46,5 tỷ đồng với riêng nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia là 32,1 tỷ đồng.

Tình hình thêm phần u ám khi 6 tháng đầu năm 2017, SII đành ngậm ngùi kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận khoản lỗ gộp 13 tỷ đồng. Hoạt động tài chính đem về nguồn thu chỉ 18 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) ở mức cao 58,9 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng và chi phí quản lý gia tăng khiến Công ty bị lỗ thuần lên đến 77,6 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 20 tỷ đồng. Tuy hoạt động khác mang về lợi nhuận đến gần 60 tỷ đồng nhưng Công ty vẫn bị lỗ ròng 17,8 tỷ đồng, riêng cổ đông công ty mẹ chịu lỗ 13,7 tỷ đồng.

Chia sẻ tại các buổi tiếp xúc cổ đông cách đây hơn 1 năm, ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII (công ty mẹ SII) vạch rõ lộ trình giai đoạn 2013 – 2017 là giai đoạn chiếm lĩnh thị trường và từ năm 2018 trở đi mới là giai đoạn gặt hái lợi nhuận của Sài Gòn Water. Do vậy, SII dự kiến mở rộng thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên đến các tỉnh Tây Nguyên, trong đó chú trọng các thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo dự phóng mới được chia sẻ tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 29/8 vừa qua, mảng nước tiếp tục là lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng của CII cùng các dự án trong tương lai như Đường đô thị trên cao số 1, Cầu Cổ Chiên… Đồng thời, CII cũng chỉ tập trung vào việc điều hành các danh mục đầu tư hiện hữu của lĩnh vực nước, đặc biệt các dự án trọng điểm mới đang hoạt động trong năm 2017 như dự án Tân Hiệp 2 và dự án Củ Chi.

Với diễn biến mới này thì kỳ vọng của CII đối với SII đã giảm đi khá nhiều, đồng thời điều này cũng có thể hiểu như dự đoán năm 2018 sẽ là thời điểm hái lộc từ lĩnh vực nước của CII gần như bị phá sản. Trong kế hoạch kinh doanh CII đề ra cho giai đoạn 3 năm tiếp theo (2018 – 2020) mới được công bố với các con số lãi ròng lần lượt 1.459 tỷ, 1.761 tỷ và 2.019 tỷ dựa trên danh mục đầu tư hiện hữu nhưng không bao gồm lĩnh vực nước.

Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư ngày 29/8, ông Bình cũng có chia sẻ rằng cả CII và cổ đông chiến lược của SII – Manila Water đang rất đau đầu trong câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, đặc biệt khi đầu tư lĩnh vực nước. Cụ thể, nếu phát triển mạng lưới ống nước trước tức bỏ tiền ra đầu tư nhưng không có người sử dụng thì công cốc, nhưng nếu ở nơi có người rồi mới đưa hệ thống tới chưa chắc người ta dùng do họ đã có hệ thống trước rồi. Ngành nước có cái hay là đã bước chân vào thị trường nào thì sẽ mãi giữ được thị phần đó nhưng đây cũng là điểm khó khăn cho những đơn vị đến sau.

Ngoài ra, một vấn đề nữa ông Bình chia sẻ là tỷ lệ thất thoát nước còn cao, điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động dự án. Do vậy, trong kế hoạch phát triển mảng nước của CII, dù hiện tại chỉ duy trì danh mục đang có nhưng nếu có doanh nghiệp Nhà nước ngành nước nào cổ phần hóa bán vốn trên 51% Công ty sẽ không ngần ngại mà tham gia thực hiện M&A. Việc mua nắm giữ với tỷ lệ chi phối rất quan trọng và CII cũng chỉ tham gia vào những thương vụ có thể nắm được quyền chi phối.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên