Tại sao sự sụp đổ của ngân hàng SVB lại là ‘tin tốt’ cho thị trường chứng khoán?
Mặc dù thông tin về việc ngân hàng SVB phá sản tạo ra nhiều hoang mang và lo sợ, đây có thể lại là một tin vui cho các nhà đầu tư.
- 13-03-2023Goldman Sach: Fed có thể sẽ không tăng lãi suất sau vụ sập ngân hàng SVB
- 13-03-20232 ngân hàng Mỹ ‘thân thiện nhất với Bitcoin’ đóng cửa trong chưa đầy 1 tuần, ngành tiền số bị ảnh hưởng đến mức nào?
- 08-03-2023Một chỉ báo suy thoái gióng hồi chuông lớn chưa từng thấy khi Chủ tịch Fed phát tín hiệu tăng lãi suất
Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Silvergate Capital và Signature Bank trong những ngày gần đây có thể tạo ra những thông tin đáng sợ. Nhưng đây lại là cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư chứng khoán.
Lý do là vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải giảm tốc độ tăng lãi suất vốn đã nâng lên liên tục từ tháng 3/2022. Đây sẽ là một tin vui với các nhà đầu tư. Họ phải chịu khó khăn khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt và thị trường chứng khoán khởi đầu năm 2023 một cách yếu ớt.
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng này. Xét cho cùng, môi trường lãi suất cao là nguyên nhân khiến các công ty rơi vào tình thế bấp bênh, vì trái phiếu chính phủ phi rủi ro sinh lợi nhiều hơn nợ của họ. Khách hàng rút tiền và chạy đến những nơi lãi suất cao hơn. Tình trạng hoảng loạn đã dẫn đến việc tháo chạy ồ ạt khỏi ngân hàng.
Giờ đây, với khả năng tốc độ tăng lãi suất giảm đi, các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá lại ý nghĩa của hai động lực chính dẫn đến cổ phiếu tăng giá. Đó là tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro.
Dựa trên diễn biến thị trường hôm 13/3, những dấu hiệu này đều tích cực. Cả ba chỉ số của Mỹ đều tăng. Trong đó, Nasdaq đã tăng 1,4%.
Một số công ty ở Phố Wall đã dự báo Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất và ngân hàng Goldman Sachs dẫn đầu trong số đó.
"Trước những căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi dự đoán FOMC sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3", nhà kinh tế trưởng toàn cầu Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết.
Đây là một vấn đề quan trọng. Mới tuần trước, cổ phiếu đã bị bán tháo khi Chủ tịch Fed Jerome Powell trình bày lập trường diều hâu trước Quốc hội Mỹ.
Giờ đây, khi chứng kiến những gì xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, kỳ vọng của thị trường đang nghiêng về điều không tưởng trước đây. Đó là Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Nếu đúng sự thật, đây sẽ là nhiên liệu cho “tên lửa” cổ phiếu tăng vọt.
Chủ tịch Fed Ferome Powell.
Thay đổi chính sách lãi suất sẽ là yếu tố then chốt cho một thị trường năng động. Lãi suất tăng nhanh trong năm 2022 khiến định giá của nhiều công ty giảm. Thị trường chứng khoán rơi vào thị trường giá xuống, hay còn gọi là “thị trường gấu”.
Hiện tại, động lực trái ngược hoàn toàn đang diễn ra. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm hơn 40 điểm cơ bản vào 13/3 và đã giảm gần 90 điểm cơ bản kể từ cuối tuần trước. Cổ phiếu đột nhiên hấp dẫn hơn so với trái phiếu phi rủi ro.
Từ những hỗn loạn trên thị trường tài chính cuối tuần qua và tâm lý e ngại rủi ro, công ty tài chính Barclay cho rằng mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần tới là điều không thể. Họ dự đoán rằng cùng lắm Fed sẽ lựa chọn giữa tăng 25 điểm cơ bản hoặc tạm dừng tăng lãi suất.
Những gì các nhà đầu tư đang dự đoán đã từng xảy ra trước đây. Một số người đã chỉ ra vụ phá sản năm 1994 của Quận Cam tương tự với môi trường lãi suất ngày nay.
Năm 1994, Fed đã mạnh tay tăng lãi suất lên mức 3% - 6% để kìm hãm nền kinh tế. Động thái tăng lãi suất mạnh mẽ đã khiến cho Quận Cam phá sản. Sau đó, Fed quyết định tạm dừng tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm vào mùa hè năm 1995.
Thị trường chứng khoán hoạt động rất tốt trong những năm sau đó. Nếu Fed có cùng lo ngại rằng họ đã gây ra hệ lụy và quyết định thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất, thị trường chứng khoán có thể sẽ khởi sắc.
Theo MI
Nhịp Sống Thị Trường