Tại sao tất cả các thành viên hoàng gia Nhật Bản chỉ có tên mà không có họ?
Minh Trị Thiên hoàng Mutsuhito, thái tử Naruhito hay công chúa Kako, công chúa Mako đều chỉ có tên mà không có họ. Vì sao vậy?
Họ vốn dĩ là điểm đặc trưng và là yếu tố thể hiện huyết thống cũng như niềm tự hào của mỗi gia đình đặc biệt là hoàng thất của một cường quốc. Ấy vậy mà, thành viên trong hoàng thất Nhật Bản chỉ có tên mà không có họ, lý do là gì?
Trước cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, toàn bộ người Nhật đều không có họ. Chỉ những người cai trị quý tộc mới lấy chức vụ và tước vị làm họ của mình, ví dụ như Shinshou Ninagawa - cái tên cho thấy tổ tiên người này sống ở Ninagawa và chức danh là người gác cổng (Shinshou).
Minh Trị Thiên hoàng Mutsuhito. Hình ảnh: Wikipedia
Sau Minh Trị Duy Tân, chính phủ Nhật Bản thực hiện hệ thống đăng ký hộ khẩu và để tiện quản lý, họ đã đặt ra "Lệnh tên họ", dùng biện pháp mạnh để dân thường có họ. Chính vào lúc này người Nhật mới bắt đầu có họ phổ biến hơn, thậm chí một số người Nhật còn vội vàng mà "tự chế" lấy một vài họ kì quặc như "Mitarashi" (nhà vệ sinh), "Nojiri" (đuôi thú)….
Tuy nhiên, Thiên hoàng và dòng dõi hoàng tộc vốn luôn được người Nhật coi là "thần linh" nên không cần có họ.
Theo Cổ Sự Ký và Nhật Bản Thư Kỷ, Đế quốc Nhật Bản được sáng lập bởi Thần Vũ Thiên hoàng (Thiên hoàng Jimmu) - hậu duệ trực tiếp của nữ thần Mặt trời Amaterasu. Do đó các thành viên trong hoàng tộc không cần có họ vì không cần phải thể hiện phạm vi quyền lực, thế lực, cũng không cần thể hiện chức danh hay quê quán.
Gia đình thái tử Hirohito với công chúa Aiko đứng ở giữa. Hình ảnh: Wikipedia
Dù không có họ nhưng tên của các thành viên trong gia đình hoàng gia lại rất đặc biệt.
Thiên hoàng Minh Trị đời thứ 122 đã quy định rằng tên của các hoàng tử đều phải có chữ "Nhân" (trong tiếng Nhật là "hito"), chẳng hạn như Minh Trị Thiên hoàng Mutsuhito, Đại Chính Thiên hoàng Yoshihito, Chiêu Hòa Thiên hoàng Hirohito, Bình Thành Thiên hoàng Akihito, và ngày nay là thái tử Naruhito.
Tên của các công chúa đều mang chữ "Tử" (trong tiếng Nhật là "ko"), chẳng hạn như công chúa Sayako hay công chúa Aiko.
Trí Thức Trẻ