MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao thị trường nông nghiệp nước ta quá phụ thuộc Trung Quốc?

23-02-2017 - 19:18 PM | Xã hội

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển trăn trở tại sao thị trường nông nghiệp nước ta lại quá phụ thuộc Trung Quốc để mỗi khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách biên mậu, hoặc thương lái Trung Quốc o ép thì sản phẩm nông nghiệp lại bị lao đao.

Sáng 23-2, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Quốc hội (QH) do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Tại buổi làm việc, dù đánh giá những nỗ lực của ngành nông nghiệp, những thành tựu mà nền nông nghiệp nước nhà đã đạt được thời gian qua, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng nêu ra những tồn tại, đã được cử tri cũng như đại biểu QH nêu nhiều lần trong các kỳ họp, cần phải được xem xét để khắc phục.

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, đó là vì sao chúng ta là quốc gia có địa lý thuận lợi, khí hậu, đất đai màu mỡ, nước đủ, biển rộng, sông dài; người nông dân có kinh nghiệm ngàn đời nay, không thua kém quốc gia nào trong khu vực, vậy mà sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa ngang tầm với một số nước trong khu vực và các nước thế giới.

“Đây là câu hỏi phải nói là rất trăn trở của nhiều đại biểu, cử tri”- ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề tại sao thị trường nông nghiệp nước ta lại quá phụ thuộc Trung Quốc, chưa vươn ra xa được. “Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, hoặc thương lái Trung Quốc o ép thì sản phẩm nông nghiệp lại bị lao đao. Bài này diễn ra thường xuyên từ quả dưa tới con lợn. Luôn luôn có bài được mùa, mất giá, được giá mất mùa”- ông Hiển nêu.

Ông Hiển cũng đặt cậu hỏi tại sao chưa bảo vệ tốt được môi trường để sản xuất canh tác sạch; sản phẩm nông nghiệp đã đảm bảo an toàn chưa? đảm bảo rau, thịt cá sạch đáp ứng dược mong mỏi người dân hay chưa?

“Có tình trạng sản xuất sạch nhưng dùng trong nước không sạch, thậm chí bẩn. Đây là câu hỏi cần giải quyết. Có người nói rằng của ngon cho khách ăn, của không ngon mình ăn”- ông Hiển cho hay.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều vùng mang nặng tính tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa, tập trung chưa lớn, chưa tốt. Tính thị trường và trình độ nông dân ở các vùng khác nhau, có chênh lệch. Nền tảng kỹ thuật chưa tốt, kể cả tổ chức, hướng dẫn và mối quan hệ liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp) chưa tốt.

“Bốn nhà là đồng sàng dị mộng, nằm trên một giường nhưng mơ 4 giấc mơ khác nhau”- ông Hiển ví von.

Khai thác thị trường chưa tốt, chỉ chú ý tới thị trường dễ tính như Trung Quốc, chưa thực sự quan tâm tới thị trường khó tính và có phần nào chưa quan tâm tới thị trường trong nước.

Vì vậy, ông Hiển cho rằng phải có nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, phải có cuộc đấu tranh lợi ích giữa sản xuất nóng, bẩn phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng kháng sinh với một bên sản xuất bền vững, sạch từ canh tác, chế biến, bảo quản và bón phân hữu cơ, hạn chế dùng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.

“Đây là cuộc đấu tranh gay gắt, không khoan nhượng để có nền nông nghiệp hữu cơ. Phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa, đi theo sản xuất lớn, đưa ngay công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Vấn đề là phải tạo ra được nền nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch”-Phó chủ tịch QH nói.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên