Tại sao Tổng thống Trump lại chấm dứt cuộc chiến chống đói nghèo kéo dài 52 năm của Mỹ?
Kể từ khi chương trình trợ cấp cho người nghèo bắt đầu, nước Mỹ đã tốn khoảng 22 nghìn tỷ USD tính đến năm 2014. Nếu tính cả lạm phát thì số tiền này nhiều gấp 3 lần tổng số chi phí cho chiến tranh của Mỹ kể từ cuộc cách mạng giành độc lập nhưng kết quả đem lại không được như ý. Rõ ràng, không phải cứ có tiền là hết nghèo.
- 03-05-2017Ông Trump muốn chính phủ đóng cửa để dẹp ‘lộn xộn’ ở Quốc hội
- 02-05-2017Thuế quan mà ông Trump áp dụng sẽ vô dụng trong cuộc chiến với Trung Quốc?
Bản dự thảo ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Nghị viện nước này tranh cãi quyết liệt khi chúng cắt giảm phần lớn các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt, ông Trump đã đề nghị cắt bỏ hoàn toàn chương trình “Cuộc chiến chống đói nghèo” (War on Poverty) từ thời cựu tổng thống Lyndon Johnson, qua đó loại bỏ viện trợ cho những chương trình từ thiện tại Campuchia hay Appalachia.
Cụ thể, những chương trình cho nước sạch, trường học cho trẻ em nghèo... sẽ bị cắt giảm viện trợ, thay vào đó ngân sách sẽ được dùng cho an ninh quốc phòng. Tổng thống Trump cho rằng kế hoạch này sẽ giúp ngân sách Mỹ giảm thâm hụt, vào khoảng 587 tỷ USD năm tài khóa 2016.
Bản kế hoạch này của ông Trump vấp phải sự phản đối dữ dội của nhiều nhóm xã hội cũng như nhà hoạt động môi trường. Nhiều người thậm chí cho rằng nước Mỹ đang thua toàn diện trong cuộc chiến chống đói nghèo với bản ngân sách mới.
Dẫu vậy, nếu xem xét kỹ thì nước Mỹ chưa bao giờ thực sự thắng trong cuộc chiến tiêu diệt đói nghèo dù là nền kinh tế số 1 thế giới. Tồi tệ hơn, họ tốn cả đống tiền cho chống đói nghèo nhưng kết quả lại không được như ý và rất có thể kế hoạch mới của Trump sẽ đem lại nhiều thay đổi.
Tuyên chiến vào năm 1964
Ngày 8/1/1964, cựu tổng thống Lyndon B.Johnson giới thiệu bản dự thảo không chính thức về một chương trình chống đói nghèo khi tỷ lệ này tại Mỹ đã đạt mức 19%. Đây là một điều trớ trêu với nước Mỹ khi họ giành chiến thắng trong Thế chiến II nhưng lại không thể đảm bảo mọi người dân của mình được ấm no. Ngay trong năm đó, bản dự thảo này được ký thành luật với hàng loạt chương trình viện trợ cho người nghèo.
Chỉ 10 năm sau đó, tỷ lệ đói nghèo tại Mỹ đã giảm mạnh xuống còn hơn 11%. Tuy nhiên vào thập niên 80-90, chương trình này bắt đầu vấp phải sự chỉ trích của các chính trị gia khi quá lạm dụng ngân sách khiến tình trạng thâm hụt gia tăng.
Kể từ khi chương trình này bắt đầu, nước Mỹ đã tốn khoảng 22 nghìn tỷ USD tính đến năm 2014. Nếu tính cả lạm phát thì số tiền này nhiều gấp 3 lần tổng số chi phí cho chiến tranh của Mỹ kể từ cuộc cách mạng giành độc lập.
Năm 2013, chính quyền Washington đã chi tới 943 tỷ USD viện trợ cho người nghèo Mỹ, không bao gồm các khoản bảo hiểm y tế đặc biệt. Hơn 100 triệu công dân Mỹ, tương đương 1/3 dân số đã nhận các khoản trợ cấp này, tương đương mỗi người được nhận 9.000 USD/năm. Nếu chuyển hết số trợ cấp này ra tiền mặt, nó nhiều gấp 5 lần số tiền cần để biến tất cả người nghèo Mỹ thành tầng lớp bình dân.
Trớ trêu thay, số liệu của Cục thống kê Mỹ năm 2013 cho thấy tỷ lệ nghèo đói tại nước này vẫn ở mức 14,5%, tương đương với thời kỳ năm 1967 khi chương trình chống đói nghèo mới áp dụng được 3 năm. Tại sao lại có chuyện như vậy? Chẳng lẽ Mỹ tốn 9.000 USD/năm cho mỗi người nghèo là vô ích?
Theo Cục thống kê, một hộ gia đình nghèo tại Mỹ được xác nhận cần trợ cấp khi thu nhập của họ nằm dưới một mức tối thiểu nào đó. Tuy nhiên, mức tối thiểu này lại không bao gồm khoản trợ cấp trước đó và dẫn đến những sự nhầm lẫn.
Một cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy 80% số hộ gia đình được xác nhận là nghèo đói ở Mỹ năm 2014 có điều hòa, khoảng 2/3 có truyền hình cáp, 50% có máy tính cá nhân và thậm chí 40% có tivi màn hình phẳng cỡ lớn. Trớ trêu hơn, 3/4 số “người nghèo” có xe hơi hoặc xe tải và gần 1/4 có 2 chiếc xe trở lên.
Khảo sát cũng cho thấy 96% số cha mẹ thuộc diện nghèo đói cần trợ cấp nói rằng con cái họ chưa bao giờ phải chịu đói do thiếu thốn thức ăn. Trong khi đó 82% số “người nghèo” thừa nhận rằng họ chẳng bao giờ bị đói.
Những đứa trẻ của các gia đình nhận trợ cấp cũng không phải chịu thiệt nhiều so với những gia đình bình dân khi khẩu phần vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng của chúng đều đầy đủ, nếu không muốn nói là thừa.
Chưa đến 2% số người “nghèo khổ” tại Mỹ là người vô gia cư và chỉ 10% là phải sống trong các khu nhà tạm bợ.
Đây là những con số khá buồn cười so với những người nghèo đói sống ở Châu Á hay Châu Phi và chính điều này đang khiến nước Mỹ trở thành trò hề trong cuộc chiến chống nghèo đói.
Ban đầu, kế hoạch của cựu tổng thống Johnson là giúp người nghèo thoát nghèo chứ không khiến họ ỷ lại vào trợ cấp. Mục tiêu của ông là biến những người nghèo đói từ thành phần ăn bám sang những người làm công đóng được thuế cho nhà nước.
Trên thực tế, trước khi chương trình chống đói nghèo của Mỹ bắt đầu, khả năng tự lập của nhiều người Mỹ được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên sau 45 năm thực hiện việc trợ cấp, người dân Mỹ ngày càng ỷ lại hơn, nhất là những người nghèo.
Chính chương trình trợ cấp này khiến người nghèo Mỹ không chịu tìm việc làm cũng như sinh con ngoài giá thú bừa bãi. Trước năm 1964, chỉ khoảng 7% số trẻ em Mỹ là ngoài giá thú trong khi tỷ lệ này là 41% vào năm 2014. Chính việc không có một gia đình bền vững là nguyên nhân khiến giới trẻ Mỹ có xu hướng lâm vào tình trạng nghèo đói, thu nhập thấp hiện nay.
Bởi vậy, việc dỡ bỏ phần lớn các chương trình trợ cấp của Tổng thống Trump có thể là bước đi hiệu quả nhằm thúc đẩy tính ỷ lại của một bộ phận người dân Mỹ, vốn đang ăn bám vào ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ nghèo đói sẽ giảm rất chậm trong những năm tới
Không riêng gì Mỹ, chiến dịch chống nghèo đói trên thế giới cũng đang bước vào giai đoạn khó khăn.
Trong một vài thập niên vừa qua, số người nghèo khổ trên thế giới đã giảm mạnh. Số liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy toàn cầu có khoảng 1,9 tỷ người nghèo với mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày vào năm 1981, chiếm 42% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống chỉ còn 767 triệu người vào năm 2013 và chỉ chiếm 11% tổng dân số.
Mặc dù dân số tăng trưởng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghèo đói trên giảm mạnh hơn nhưng theo các chuyên gia, chính sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc mới là yếu tố chủ chốt khiến tỷ lệ này đi xuống nhanh như vậy.
Vào năm 1981, khoảng 88% dân số Trung Quốc sống trong cảnh nghèo đói thì tỷ lệ này chỉ còn 2% vào năm 2013.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc giảm đói nghèo trong những năm tới sẽ vô cùng khó khăn khi Trung Quốc đã gần như thoát nghèo còn các quốc gia khác thì lại không có được điều kiện như nước này. Tăng trưởng tại những quốc gia như Indonesia hay Việt Nam sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo nhưng không nhiều bởi phần lớn tầng lớp này hiện nằm ở khu vực Châu Phi cận sa mạc Sahara.
Hơn nữa, tăng trưởng tại những nước Bangladesh hay Ấn Độ là khá tốt nhưng bất bình đẳng xã hội còn lớn và hệ thống chăm lo cho người nghèo tại những nước này còn yếu.
Năm 2013, lần đầu tiên Châu Phi cận Sahara chiếm hơn 50% số người nghèo khổ trên thế giới và việc xóa đói giảm nghèo tại nơi đây là vô cùng khó khăn do bất ổn địa chính trị cũng như các điều kiện về địa lý. Thậm chí nhiều quốc gia tại đây còn không có hệ thống chăm sóc người nghèo chính thức của chính phủ.
Liên hiệp quốc đã từng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo trên toàn cầu xuống còn 3% vào năm 2030 nhưng xem ra khó lòng đạt được trước những biến động chính trị, kinh tế hiện nay.
Thời Đại