Tài xế xe buýt ‘cự phách’ nhất thế giới, trở thành biểu tượng đất nước nhờ hằng ngày lái đường đèo
Tài xế xe buýt màu vàng đưa hành khách đi qua những vùng ngoắt ngoéo nhất dãy Alps đã trở thành biểu tượng của đất nước Thụy Sĩ.
- 19-09-2022CEO công ty lớn ở Mỹ khẳng định thành công nhờ một truyền thống gia đình
- 17-09-2022CMO của Microsoft bật mí chìa khoá thành công đắt giá nhất khi làm việc với Bill Gates: Có những thời điểm phải chắt chiu từng phút một!
- 12-09-20223 câu nói cha mẹ cần tránh nếu không muốn con lớn lên thiếu tự tin
Các tài xế xe buýt PostBus phục vụ các khu vực xa xôi nhất của Thụy Sĩ, khi đi qua những con đường hẹp, ngoằn ngoèo mà nhiều tài xế ô tô bình thường sẽ phải chần chừ - Ảnh: Swiss Info
Hằng ngày, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 10, những chiếc xe buýt PostBus khởi hành từ thị trấn nghỉ mát Meiringen ở Bernese Oberland đi qua dãy Alps trong hành trình kéo dài 9 giờ.
Trên đường đi, xe buýt đi qua bốn trong số những con đèo cao nhất Thụy Sĩ, Grimsel, Nufenen, Gotthard và Susten, trước khi quay trở lại Meiringen một lần nữa.
Gotthard được mệnh danh là “vua của những ngọn đèo”, một nơi đặc biệt khi có tới ba đường hầm đào xuyên qua. Đường hầm hoàn thành sớm nhất vào năm 1872 và đường hầm dài nhất, gần đây nhất là Gotthard Base, dài 56km mở cửa vào năm 2016.
PostBus đi qua những con đèo hẹp và ngoằn ngoèo nhất Thụy Sĩ - Ảnh: Post Auto
Để có thể lái chuyến xe buýt đặc biệt này, tài xế phải là những người có thần kinh thép. Đối với họ, cung đường như thể đường tàu lượn vẫn hay thấy trong các công viên giải trí này chẳng khác gì một đường đua.
“Các chuyến tàu Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với dân du lịch, nhưng chính những chiếc xe buýt PostBus và các tài xế mới thực sự được xem là người hùng ở vùng núi này”, Financial Times viết.
Marcus Bosch là một tài xế xe buýt PostBus. Theo phóng viên của Mirror trong một chuyến đi trải nghiệm, Bosch chưa bao giờ lẩm bẩm, chửi thề. Số lần phanh gấp cũng rất hạn chế. Anh chậm rãi lái xe đúng tiêu chuẩn, phớt lờ tiếng còi inh ỏi từ những chiếc Porsche hay BMW đi qua, toát ra bầu không khí điềm tĩnh, như thể anh đang dự bữa tiệc của những người cao niên trong một ngày đi chơi biển.
Các tài xế xe buýt thực sự là người hùng của vùng đất này. Họ có sự điềm tĩnh và thần kinh thép đến đáng kinh ngạc, không thua kém bất kỳ tay đua F1 nào - Ảnh: Post Auto, Twitter
“Hãy ngả mũ bái phục. Các tài xế xe buýt PostBus không chỉ lái xe giỏi mà còn đỗ tốt”, blogger du lịch Peter von Stamm, sinh ra ở Hamburg, Đức, viết trên Twitter kèm theo hình ảnh như bên dưới.
Bức ảnh được von Stamm chụp lại khi có dịp đến Davos Klosters Monstein ở độ cao 1.625m. “Một con đường hẹp dẫn từ Davos đến Monstein, gần như chỉ có thể đi xe buýt PostBus. Rẽ và đỗ xe ở Davos Monstein là công việc đòi hỏi chính xác cao độ. Một người lái xe thiếu kinh nghiệm sẽ không bao giờ làm được.
Là hành khách trên xe, bạn sẽ không nhận thấy được điều gì. Chỉ khi đi ra ngoài, bạn mới có thể thấy chiếc xe trong cảnh cheo leo như thế nào”, anh nói với 20 Minuten, tỏ ra rất ấn tượng trước những tài xế xe buýt của Thụy Sĩ.
Không chỉ là những tay lái điềm tĩnh nhất thế giới, các tài xế xe buýt PostBus còn biết cách đậu xe ở dải đất hẹp của dãy núi Alps, như hình ảnh trên. Bức ảnh được chụp tại Davos Monstein ở bang Graubünden cho thấy bánh sau của một chiếc xe buýt đang dừng lại ở mép lớp đường bê tông, một vị trí trông có vẻ nguy hiểm. Phần đuôi xe nằm lơ lửng trên một con dốc đầy cỏ - Ảnh: @petervonstamm/Twitter
Ngược dòng lịch sử, những chiếc xe buýt PostBus màu vàng từ lâu đã là biểu tượng của đất nước Thụy Sĩ.
Chiếc PostBus chạy bằng xăng đầu tiên đi từ Bern đến Detligen vào năm 1906, nhưng phải đến những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, xe buýt sử dụng động cơ mới thực sự thay thế hoàn toàn xe ngựa trên cung đường này. 40 xe bán tải quân sự được chuyển thành xe buýt, và nâng lên con số 104 vào năm 1920.
PostBus đã chuyển từ một dịch vụ giao thông công cộng đơn giản thành một tổ chức xã hội thực sự, kết nối cuộc sống dân dã nông thôn với cuộc sống hiện đại của các thị trấn và thành phố. Không chỉ thâm nhập vào các vùng xa xôi và miền núi, PostBus còn hoạt động ở đồng bằng trung tâm của Thụy Sĩ để phục vụ các làng mạc và thị trấn. Những chiếc xe buýt không chỉ chở học sinh, dân làng và khách du lịch mà còn cả thư từ, bưu kiện, hộp sữa, tủ lạnh, thậm chí cả gà - Ảnh: House of Switzerland
Những chiếc xe buýt đời đầu gặp phải khá nhiều va chạm trên đường đi. Theo một bài báo trên trang House of Switzerland, do Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ quản lý, “hành trình PostBus chính thức đầu tiên diễn ra giữa Bern và Detligen vào năm 1906. Nhưng xe buýt sử dụng nhiều nhiên liệu và có nhiều vấn đề về kỹ thuật”.
Do đường đi rất hẹp, mỗi xe buýt trong số 2.500 phương tiện được trang bị một chiếc còi đặc biệt (với tiếng còi rất khác những loại thông thường, đủ để trở thành một phần của vở kịch opera, theo mô tả của The Local) để thông báo có xe sắp đến.
Ban đầu, khi đội xe buýt mới hình thành, tai nạn xảy ra khá thường xuyên đến mức PostBus quyết định độ lại còi để cảnh báo các phương tiện khác trên những đoạn đường có tầm nhìn kém. Vì những chiếc còi vận hành bằng tay truyền thống không đủ dùng, những chiếc còi điện đặc biệt đã được tạo ra, và vang danh khắp vùng núi Thụy Sĩ lần đầu tiên vào năm 1923 - Ảnh: House of Switzerland
Đội xe buýt PostBus ngày nay đã được bổ sung một số phương tiện, chẳng hạn như xe buýt “mui trần” (đi chuyến này chắc chắn phải mặc đủ ấm), xe buýt điện... - Ảnh: The Local, Post Auto
Một số hình ảnh những cung đường mà xe buýt Thụy Sĩ đi qua - Ảnh: Freepik, Mirror, Novalca
Tuổi trẻ