Tái xuất trong dự án 2,5 tỷ USD tại Bắc Giang, Saigontel của ông Đặng Thành Tâm làm ăn ra sao trong thời gian qua?
Saigontel vừa bắt tay với VinaCapital và công ty Aurous (Singapore) trong dự án tổ hợp công nghiệp - đô thị 2,5 tỷ USD tại Bắc Giang. Tuy được thành lập như một công ty viễn thông, con cưng của Đặng Thành Tâm đang ngày càng chuyển mình thành doanh nghiệp BĐS.
Khu tổ hợp công nghiệp - đô thị 2,5 tỷ USD với tổng diện tích 700ha được VinaCapital, Saigontel liên danh với công ty Aurous (Singapore) tại Bắc Giang là dự án mới nhất có sự góp mặt của Saigontel. Sau KCN Quang Châu với tổng diện tích 426ha, đây đã là dự án lớn thứ hai do các công ty trong hệ sinh thái của ông Đặng Thành Tâm thực hiện ở địa phương này.
Được thành lập như một công ty viễn thông vào 2002, thế nhưng trong hai năm qua Saigontel dưới sự chỉ đạo của tỷ phú Đặng Thành Tâm đã ngày càng chuyển hướng mạnh mẽ sang hướng cho BĐS, đặc biệt là cho thuê bất động sản công nghiệp.
Năm 2020, trong 485 tỷ đồng doanh thu của doanh nghiệp này có đến 45% đến từ việc cho thuê BĐS công nghiệp và văn phòng. Trong năm 2021, Saigontel đã tái cấu trúc để trở thành doanh nghiệp BĐS sở hữu đến 800ha quỹ đất công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Riêng quý 4 doanh thu thuần công ty này đạt 431 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lãi sau thuế của Saigontel lên 40 tỷ đồng, cao gấp 400 lần cùng kỳ. Lý giải cho nguồn thu tăng cao này không phải một sản phẩm công nghệ viễn thông công nghệ cao, mà từ việc chuyển nhượng đất, cụ thể là BĐS của chi nhánh Bắc Ninh.
SAIGONTEL cũng sở hữu một số dự án tại Thái Nguyên, như 130ha công nghiệp tại thị xã Phổ Yên và 40ha tại TP.Sông Công đang hoàn thiện GPMB để giao đất cho nhà đầu tư. Các dự án trọng điểm của doanh nghiệp này cũng không chỉ tập trung ở miền Bắc. Ví dụ, khu nhà xưởng sản xuất Công Nghệ Cao cho thuê tại Khu CNC Đà Nẵng với quy mô GĐ đầu 15ha chuẩn bị khởi công trong Q4/2021, dự kiến sẽ mang lại nguồn thu đều đặn hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, tại TP.HCM, Saigontel cũng đang có tòa nhà Saigon ITC 1 tại CVPM Quang Trung (Tp.HCM) hiện đã lấp đầy 100% tạo nguồn thu gần 20 tỷ đồng mỗi năm. Liền kề đó là Tòa Saigon ICT2 đang thi công dự kiến mang lại nguồn thu 50 tỷ đồng mỗi năm.
Song song đó, mảng đô thị và nhà ở cũng liên tục phát triển với các dự án như: chung cư Saigontel Central Park tại Bắc Giang; The Ori Garden, trong khu đô thị Bàu Tràm Lakeside Đà Nẵng với 4.000 căn hộ giá rẻ cho 10.000 người; Khu đô thị Nam Vũng Tàu có quy mô 69.46 ha.
Triển vọng là vậy, thế nhưng xét trên các mục tiêu Saigontel đặt ra, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khả quan. Năm 2021, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 950 tỷ đồng, gấp đôi 2020; lãi trước thuế 150 tỷ đồng, gấp 5,8 lần. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, SGT mới chỉ hoàn thành được 74% mục tiêu về doanh thu và 55,7% mục tiêu về lợi nhuận.
Các khoản nợ gia tăng đột biến cũng là một trở ngại mà Saigontel gặp phải. Tính đến thời điểm 31/12/2021, nợ phải trả của SGT ghi nhận hơn 3.393 tỷ đồng, gấp đôi hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay dài hơn tăng đột biến lên gần 1.217 tỷ đồng, gấp 15 lần so với đầu năm. Các chủ nợ của doanh nghiệp này bao gồm VietinBank gần 182,8 tỷ đồng (gấp gần 3 lần), CTCP Công viên Tâm Linh Bảo Lạc hơn 26 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên 982 tỷ đồng, CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc 218,6 tỷ đồng…
Để tái cấu trúc các khoản nợ, cuối năm vừa rồi Saigontel đã phải tính đến nước phát hành 74 triệu cổ, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự tính thu về 740 tỷ đồng. Với số tiền này, 706 tỷ đồng sẽ được dùng để cơ cấu lại các khoản nợ vay, 34 tỷ đồng còn lại dùng bổ sung vốn lưu động.