MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền có thực sự rút ra khỏi thị trường?

Các chuyên gia cùng có chung nhận định, thị trường khó có sự bứt phá trong tuần giao dịch cuối của tháng 7. Tuy nhiên chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn dòng tiền đầu tư hiện nay.

Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền có thực sự rút ra khỏi thị trường? - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ông Đỗ Bảo Ngọc, ông Bùi Văn Huy và ông Nguyễn Thanh Lâm.

VN-Index đã giảm từ đỉnh lịch sử trên 1.400 xuống dưới 1.270 điểm, thị trường đã về vùng định giá hấp dẫn chưa? Dòng tiền có dấu hiệu giảm, liệu chuyển qua kênh đầu tư khác hay đang trong trạng thái chờ? Đâu là kịch bản cho thị trường tuần cuối của tháng 7? Trong khi đó dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp...

BizLIVE ghi nhận một số nhận định của các chuyên gia công ty chứng khoán về triển vọng giao dịch của tuần cuối tháng 7 này.

TRÁNH GIAO DỊCH KHI TÂM LÝ BỊ CHI PHỐI BỞI CẢM XÚC

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam

Tôi cho rằng đợt điều chỉnh lần này là một đợt điều chỉnh giảm lớn nhưng đơn thuần xuất phát từ những lo ngại về dịch bệnh (yếu tố tâm lý) mà không phải bắt nguồn từ những thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô hay sự suy giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Hiện tại thì mức P/E của thị trường về lại vùng quanh 17 lần, là vùng bắt đầu hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư trung hạn trong kịch bản dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết là khoảng 25% - 30% trong năm 2021.

Về nhóm cổ phiếu, hiện tại đang trong giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết, chính vì vậy yếu tố khả quan về tăng trưởng lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 sẽ là yếu tố để hút dòng tiền trở lại, nhất là khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm về vùng định giá hấp dẫn.

Nhà đầu tư mới hãy xem xét đầu tư dựa trên những yếu tố cơ bản là sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và doanh nghiệp, nhất là khi mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn, tránh giao dịch khi tâm lý bị chi phối bởi cảm xúc

Ông Đỗ Ngọc Bảo

Giai đoạn đầu công bố kết quả kinh doanh quý 2 (sau 20/7), trước mắt đã ghi nhận kết quả khả quan ở những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò dẫn dắt thị trường trong năm 2021 là thép, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, công nghệ… Các nhóm này vừa có lợi thế về quy mô niêm yết và vừa có lợi thế về tăng trưởng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế và thị phần lớn, chính vì vậy mà nhóm này có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong điều kiện đa số các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Về sự vận động của dòng tiền thì tôi nhận thấy có các yếu tố quan trọng chi phối gồm yếu tố bên ngoài là chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới như Fed, ECB… và yếu tố bên trong là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và tương quan hấp dẫn dòng tiền giữ các kênh đầu tư trong nền kinh tế. Về cơ bản cả 2 yếu tố trên vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho TTCK Việt Nam khi các NHTW lớn trên thế giới và NHNN Việt Nam vẫn ở trạng thái nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, cùng các gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ còn được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chính vì vậy, tôi tin rằng một khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát thì TTCK Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục với dòng tiền lớn trở lại khi mức định giá ở vùng hấp dẫn, và kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh thanh khoản cao và tối ưu đối với dòng tiền trong nền kinh tế vốn đang gặp nhiều hạn chế vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Vì vậy nhà đầu tư mới hãy xem xét đầu tư dựa trên những yếu tố cơ bản là sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và doanh nghiệp, nhất là khi mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn, tránh giao dịch khi tâm lý bị chi phối bởi cảm xúc.

Cho tới lúc này thì hầu hết các quyết định giãn cách nghiệm ngặt nhất nhằm khống chế và dập dịch cũng đã được thực hiện trên phạm vi rộng. Các thông tin này cũng phần nào đã phản ánh vào diễn biến thị trường, với các biện pháp mạnh của Chính phủ thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ tìm thấy đỉnh dịch trong tuần cuối tháng 7 và khi đó chỉ số VN-Index có thể có sự hồi phục đáng kể trở lại.

Kịch bản cho tuần cuối tháng 7 có thể là điều chỉnh giảm đầu tuần khi tâm lý nhà đầu tư có phần bi quan về dịch với số ca mới cao kỷ lục, các trung tâm kinh tế đang phải giãn cách để chống dịch và hồi phục dần về cuối tuần với kỳ vọng đỉnh dịch sẽ được xác lập trong thời gian này. Tín hiệu tích cực gần đây là các ổ dịch mới và số ca nhiễm mới trong cộng đồng có xu hướng giảm, số ca khỏi bệnh hàng ngày cũng khá lớn.

Về dài hạn, trong 6 tháng cuối năm nay tôi vẫn kỳ vọng VN-Index có thể một lần nữa tiến lên vùng 1.450 - 1.500 điểm với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết bình quân 25% - 30% trong năm 2021.

THỊ TRƯỜNG TỪNG CÓ VẺ HƯNG PHẤN THÁI QUÁ, CẦN TƯ DUY DÀI HẠN HƠN NGẮN HẠN

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC

Trước tiên phải nói đến nếu không có dịch bệnh thì thị trường đã thể hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo mà có lẽ trong cơn say chiến thắng, đa phần người tham gia thị trường đã phớt lờ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng với dòng tiền mới, thị trường sẽ tăng bất chấp, tăng mãi, nhưng không phải. Thị trường từ giữa tháng 6 đã có vẻ hưng phấn thái quá, khối lượng giao dịch đạt đỉnh và lượng margin đã bắt đầu đạt ngưỡng. Thị trường cũng thể hiện việc đạt ngưỡng bằng việc chỉ số tiếp tục tăng, tuy nhiên mức độ lan tỏa kém dần, cùng với đó là khối lượng giảm dần.

Tâm lý thị trường thì hưng phấn tới nỗi gần như ai cũng nhận định là thị trường khó có thể có sự điều chỉnh. Giá cổ phiếu cũng đã tăng nhiều khi VN30 thậm chí có lúc vượt ngưỡng 1.550 điểm so với mức 1.050 điểm hồi đầu năm, nghĩa là đã tăng 500 điểm. Nhìn qua các thị trường châu Á thì Nhật Bản, Trung Quốc cùng thời điểm đã trở về mốc đầu năm còn các thị trường Đông Nam Á diễn biến khá tệ. Với việc đạt ngưỡng như vậy, điều chỉnh 10-20% từ đỉnh là điều rất bình thường, quan trọng là cần một cái cớ đủ lớn để ngăn quán tính tăng và kích hoạt đợt điều chỉnh.

Ở đây, quan điểm của tôi là dịch có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thực sự, nhưng nổi bật hơn là dòng tiền đã đạt ngưỡng. Nếu dòng tiền khỏe thì cớ gì vô lý cũng thành hợp lý cho thị trường tăng giá. Với việc theo dõi diễn biến dòng tiền và tham gia bán sớm, cá nhân tôi cho rằng nếu không có dịch bệnh, cũng sẽ có một cái cớ nào đó để thị trường có thể điều chỉnh. Ở đây dịch bệnh là chất xúc tác mạnh khiến đà bán tháo hốt hoảng, quyết liệt hơn và mức độ giảm mạnh hơn mà thôi.

Dịch có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thực sự, nhưng nổi bật hơn là dòng tiền đã đạt ngưỡng. Nếu dòng tiền khỏe thì cớ gì vô lý cũng thành hợp lý cho thị trường tăng giá. Với việc theo dõi diễn biến dòng tiền và tham gia bán sớm, cá nhân tôi cho rằng nếu không có dịch bệnh, cũng sẽ có một cái cớ nào đó để thị trường có thể điều chỉnh.

Ông Bùi Văn Huy

Thị trường đã điều chỉnh khá nhanh và hiện tại P/E của thị trường khoảng 17 lần. P/E forward khoảng 15 lần. Hiện tại định giá thị trường đã trở nên hợp lý hơn khi nhiều cổ phiếu hạ độ cao. Định giá hiện tại không đắt và các cổ phiếu đắt thấy rõ khi ở đỉnh đã điều chỉnh.

Tuy nhiên nếu nói định giá này hấp dẫn thì chưa hẳn. Bởi thứ nhất, mức P/E 17 lần không phải thấp trong quá khứ. Định giá P/E trung bình khoảng 10 năm gần đây của thị trường khoảng 15 lần. Lúc thấp nhất của đợt giảm năm 2020, P/E thị trường chỉ 10 lần. Nên nhớ do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kết quả kinh doanh quý 3 và 4 sẽ gặp khó. Do đó mức định giá này hợp lý hơn, nhiều cổ phiếu về vùng định giá hấp dẫn nhất định nhưng thị trường chung là không.

Thứ hai, nếu so sánh mức P/E forward của thị trường châu Âu, nhiều thị trường mới nổi và các thị trường lớn ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, mức forward 15 lần cũng không có gì là quá hấp dẫn. Ở các thị trường có quy mô lớn, mức độ phát triển thị trường là cao hơn rất nhiều so với thị trường cận biên của chúng ta, P/E forward cũng chỉ 14-16 lần.

Từ giờ đến cuối tháng tin xấu sẽ nhiều hơn. Quý 3 và 4 cũng vẫn sẽ nhiều tin tiêu cực hơn tích cực. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết cũng vậy. Cuối tháng các số liệu vĩ mô cũng sẽ công bố, dự kiến không tốt đẹp gì.

Xu hướng trung hạn và ngắn hạn thị trường đã gãy nhưng xu hướng dài hạn vẫn được duy trì. Tôi cho rằng vùng đệm an toàn là 1.150-1.200 điểm. Khi thị trường giảm về các vùng hỗ trợ dài hạn, có thể xuất hiện những nhịp hồi nhưng xác suất giao dịch ngắn hạn là không cao. Thị trường khó có thể trở lại tăng mạnh ngay được. Do đó cần tư duy dài hạn hơn là ngắn hạn. Nhà đầu tư giá trị, dài hạn có thể tích lũy cổ phiếu ở những vùng hỗ trợ tin cậy.

Với việc xây dựng một danh mục mới từ đầu, phải thừa nhận thị trường đã qua đỉnh và yếu đi. Do đó các ngành phân bổ trong thời gian tới cần phù hợp, với việc đảm bảo còn tiềm năng nhưng vẫn phải phòng thủ ở mức độ nhất định và kỳ vọng vào việc tiêm chủng vắc xin mở rộng và dịch bệnh sẽ được không chế.

Đặc biệt tôi đánh giá cao nhóm ngành bất động sản, như VHM, VRE, KBC, DIG... Có một điều đáng chú ý là sau dịch ở các nước, đặc biệt ở Mỹ, giá nhà tăng rất mạnh. Thiếu cung bất động sản, lãi suất thấp và dòng tiền phân bổ qua bất động sản sẽ tăng cao sau dịch.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiềm năng dài hạn vẫn còn, tuy nhiên ngắn hạn áp lực bán khá lớn ở quý 3 và quý 4 do việc phải hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và rủi ro trích lập dự phòng. Do đó VN30 cũng có thể còn dư địa giảm do ngân hàng chiếm đến 40% vốn hóa VN30.

THỊ TRƯỜNG ĐÃ VỀ VÙNG HỢP LÝ, HẤP DẪN

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Phòng phân tích, CTCK Maybank KimEng Việt Nam

Nói chung tôi nghĩ thông tin trọng yếu nhất làm cho thị trường giảm mạnh giai đoạn vừa qua chủ yếu từ dịch bệnh, bởi số liệu kinh tế có thể quý 3 ít nhiều bị tác động nhưng không là nguyên nhân lớn nhất giai đoạn vừa rồi. Thị trường có đoạn tăng khá tốt trước đó nên tâm lý chốt lời khi đối mặt với thông tin xấu dễ được kích hoạt. Khi nhà đầu tư có dư địa với khoản lời tương đối thì dễ chọn bán ra để bảo vệ thành quả.

Với đợt điều chỉnh, P/E thị trường mức hiện tại điều chỉnh dự phóng về khoảng 14 lần. Tôi cho rằng thị trường đã về vùng hợp lý, hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước đây. Theo nhận định của Maybank KimEng P/E thị trường năm nay là 17 lần, tương đương vùng điểm 1.500, như vậy hiện nhà đầu tư có thể cân nhắc theo hướng trung dài hạn.

Kịch bản tích cực là thị trường rung lắc nhiều, tiêu cực hơn sẽ kiểm tra vùng đáy 1.215 điểm. Tôi vẫn nghiêng về hướng xác suất bảo vệ vùng trên 1.200

Ông Nguyễn Thanh Lâm

Để lựa chọn cổ phiếu, tôi có cách nhìn nhận khác, không nhất thiết cổ phiếu giảm giá nhiều thì hấp dẫn. Từ nay tới cuối năm khuyến nghị với nhóm bất động sản, đây là nhóm có mức độ tăng chưa phải là quá nhiều cho giai đoạn nửa đầu năm; định giá nhìn chung khá hợp lý và dư địa tăng tốt trong giai đoạn tới.

Với bất động sản, tôi đánh giá tích cực với bất động sản khu công nghiệp. Dịch bệnh ảnh hưởng ngắn hạn lên tất cả nhưng bất động sản khu công nghiệp có định giá hiện hợp lý sau đợt giảm, cộng kỳ vọng dịch kiểm soát trở lại, văc xin trong nước được sản xuất thì tiềm năng 6 tháng 1 năm tới với nhóm này rất là ổn.

Trong khi đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất của dịch bệnh này với nhóm bất động sản là doanh nghiệp làm về dịch vụ bất động sản, như DXS. Với doanh nghiệp còn lại, đặc biệt với các anh lớn như VHM, NVL thì đây là những doanh nghiệp có những sản phẩm ổn định, lượng người mua ổn định, nên ảnh hưởng dịch bệnh là không quá nhiều, mọi thứ cải thiện nhanh khi tình hình dịch đi qua. Tạm thời họ vẫn có của để dành, lượng bán trước vẫn ở mức tốt nên trong ngắn hạn kết quả kinh doanh của nhóm này chưa có gì xấu.

Thứ hai là cổ phiếu ngân hàng, nhưng có sự phân hóa. Bên cạnh một phần ngân hàng nhỏ cho thấy mức định giá hơi cao có thể chú ý vào một số ngân hàng có câu chuyện, tiềm năng tăng trưởng như VPB, TCB, OCB… Bên cạnh đó, còn có ngành thép, vẫn trong quá trình hưởng lợi từ việc giá thép tăng nên kết quả kinh doanh quý 2, 3 vẫn tốt, hợp lý để tham gia cổ phiếu nhóm này.

Nhà đầu tư đang trong trạng thái sử dụng hơn 50% margin thì việc quan trọng nhất một tuần tới không phải là chuyện tìm kiếm lợi nhuận mà là đảm bảo an toàn tài khoản. Bởi trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ tuần cuối tháng 7 khả năng thị trường vẫn còn chịu áp lực khá lớn. Kịch bản tích cực là thị trường rung lắc nhiều, tiêu cực hơn sẽ kiểm tra vùng đáy 1.215 điểm. Tôi vẫn nghiêng về hướng xác suất bảo vệ vùng trên 1.200.

Với nhà đầu tư tiền mặt đang cao, chưa sử dụng vốn vay thì tôi nghĩ họ không cần thiết phải bán tháo bằng mọi giá lúc này. Việc bán tháo trong 1 phiên giảm sàn không là lựa chọn khôn ngoan. Nếu nhà đầu tư đã cân đối tỷ trọng hợp lý thì có thể kiên nhẫn chờ đợi, nhưng cũng cần xem lại danh mục cổ phiếu có phải cốt lõi không, có lành mạnh không. Nếu thị trường về vùng 1.215 điểm thì nhà đầu tư có thể mạnh dạn giải ngân một phần tiền mặt để mua cổ phiếu có sức khỏe đề kháng tốt trong thị trường.

Theo Huyền Trâm - Mai Hương

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên