Tạm ngừng bán xăng dầu vì... bệnh(?!)
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh An Giang kiểm tra các cây xăng dầu trên địa bàn - Ảnh: MINH KHANG
Ông Nguyễn Minh Hùng, giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương phản ánh về việc khan hiếm nguồn xăng dầu.
- 08-09-2022Chuyên gia quốc tế chỉ ra yếu tố sẽ giúp thu nhập thực tế từ thương mại của Việt Nam tăng thêm 5% vào 2035
- 08-09-2022IMF giải mã việc nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 7%, cao nhất nhóm ASEAN-6
- 05-09-2022Năng lực điều hành kinh tế của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong 10 năm?
Theo đó, cơ quan này đã tiếp nhận bảy doanh nghiệp trả lại giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu và 20 doanh nghiệp gửi thông báo tạm dừng kinh doanh do hoa hồng thấp, thua lỗ và… bệnh.
Cũng theo ông Hùng, cơ quan này đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ (theo quy định tại nghị định 95), kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết; xem xét, đánh giá cách tính giá cơ sở, đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ đều được hưởng chiết khấu/hoa hồng để doanh nghiệp duy trì kinh doanh và phát triển mở rộng.
Các thương nhân đầu mối có chính sách công bằng, không phân biệt trong việc bán hàng cho thương nhân phân phối và tổng đại lý đảm bảo các doanh nghiệp đều được mua hàng như nhau để cung ứng cho hệ thống.
Một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết trong ngày 6-9 hiện tượng "hết xăng dầu", nhất là hết dầu, trên địa bàn vẫn còn. Trong đó, phần lớn là các cửa hàng thuộc Công ty cổ phần dầu khí Đại Đông Dương (12 cửa hàng hết dầu, 2 cửa hàng hết xăng) và các đại lý thuộc hệ thống PVOil (10 đại lý hết dầu, 4 đại lý hết xăng).
Theo giải thích của các cửa hàng, nguyên nhân là do doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối không đủ nguồn cung dầu, hẹn thời gian giao hàng sau, đặt hàng nhưng không có hàng…
Ngư dân chỉ được mua dầu có giới hạn
Theo ông Võ Huỳnh Công Khanh, chủ tàu cá tại Phú Quốc (Kiên Giang), do nguồn cung không ổn định nên nhiều ngư dân không thể mua đủ dầu để ra khơi như trước.
"Một số cửa hàng xăng dầu ở địa phương chỉ cho ngư dân đổ 100 - 200 lít thôi, với lý do không có để bán. Với số dầu như vậy, chúng tôi không đủ nhiên liệu để ra khơi xa đánh bắt cá", ông Khanh nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho hay dù nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn chưa ổn định nhưng cơ quan này chưa ghi nhận có cửa hàng nào trên địa bàn ngưng bán xăng dầu cho bà con. Cơ quan này cũng đang phối hợp với địa phương cập nhật thông tin hằng ngày để có kế hoạch điều phối xăng dầu phù hợp.
"Các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng", ông Hoàng khẳng định.
Tuổi trẻ